Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

CÁI GIÁ CỦA ĐỘC LẬP DÂN TỘC…!

 


Theo thống kê sơ bộ, cả nước có tổng cộng:

+ 1.146.250 liệt sĩ

+ Trong đó 191.605 người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp

+ 849.018 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ,

+ và 105.627 người nằm xuống trong các chiến dịch khác bảo vệ Tổ quốc (như chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo…).

Ngoài ra, đến hiện nay còn:

- Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia...

- Cả nước có gần 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách thương binh.

- Hơn 300.000 hài cố.t liệt sĩ chưa xác định được danh tính, tên tuổi, quê quán, đơn vị.

- Hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và có con đẻ bị nhiễm chất độc da cam dioxin.

- Gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách thương binh trên cả nước.

Quảng Nam là tỉnh có nhiều liệt sĩ thứ hai (sau Hà Nội) với 65.000 người hy sinh trong các cuộc chiến. Ngoài ra tỉnh Quảng Nam còn có hơn 30.000 thương binh.

Huyện có nhiều liệt sĩ nhất cả nước là huyện Điện Bàn (cũng tỉnh Quảng Nam) với hơn 19.800 liệt sĩ.

Quảng Nam cũng là tỉnh có nhiều Bà mẹ VNAH nhất với 11.658 mẹ…!

St

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Đề Thám – Người anh hùng hay thằng giặc ?

Mathilde Tuyết Trần



Trong Chương XV – Việc Đánh Dẹp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ – của quyển Cận Kim Thời Đại trong bộ Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim chỉ ghi lại vẻn vẹn trong một dòng về Đề Thám như sau:

Đề Kiều và Lương tam Kỳ ra thú được ở yên. Cai Kinh bị bắt, Đốc Ngữ ra thú, Hoàng hoa Thám ở Yên-thế cũng ra thú, được giữ ở vùng ấy, mãi đến năm 1909 mới bị đánh đuổi, đến năm 1912 mới bị giết….Quan quyền Tổng-đốc Hải-dương là Hoàng Cao Khải đi đánh dẹp có công, về được chính-phủ bảo-hộ cho lãnh chức Bắc-kỳ Kinh-lược-sứ.”

Theo lời giới thiệu trên báo chí Việt Nam, Claude Gendre là cháu nội của Jean Gendre, một người lính trong quân đội viễn chinh Pháp đã từng chiến đấu ở Việt Nam cùng thời với giai đoạn Đề Thám. Trên đường đi tìm lại kỷ niệm của ông nội, Claude Gendre đã “vấp” phải nhân vật lịch sử Đề Thám, làm cho ông say mê tìm tòi, rồi viết thành sách. 

Trong khi chờ đợi cuốn sách ” Le Dê Thám -1858-1913– Un résistant vietnamien à la colonisation francaise ” của tác giả Claude Gendre xuất bản vào giữa tháng tư năm 2007 tại nhà xuất bản L‘Harmattan (1), với lời tựa của ông Charles Fourniau, giá bán là 19,50 euros, đã được đặt mua tại một tiệm bán sách của một thành phố nhỏ, tôi lục lọi trong tủ sách nhà, moi ra được vài tài liệu có liên quan đến Đề Thám, mà tôi chưa có dịp sử dụng.

Cũng may thay, tôi có dịp được trao đổi trực tiếp với Claude Gendre, chính ông đã có nhã ý gọi điện thoại cho tôi, nên khi viết bài này, trong đầu tôi đã có ý thiên vị tác giả. 

Ông cho tôi biết, Jean Gendre, nếu không bị thương và được chuyển về Pháp, có lẽ đã ở lại suốt đời tại Việt Nam. Ý thích của ông nội, vừa thích con người, vừa yêu mến cảnh, thích từ tiếng nói cho đến bữa ăn hàng ngày của Việt Nam, đã gây ấn tượng và gợi trí tò mò cho người cháu. Đến lượt Claude Gendre, sau khi đã qua thăm Việt Nam mấy lần, ông cũng nói với tôi rằng: “Comme mon grand‘père, je suis tombé amoureux du Viet Nam” (Giống như ông nội tôi, tôi đâm ra yêu mến Việt Nam). 

Claude Gendre không có vẻ bài bác ý định tôi dịch cuốn sách của ông ra tiếng Việt, nhưng trong khi chưa có quyết định cụ thể, vì phải tôn trọng luật lệ bản quyền của tác giả và nhà xuất bản, cho nên trong phạm vi bài bình luận này, tôi không được phép trích hay dịch nguyên văn của Claude Gendre viết trong sách. 

Cảm giác về thời đại Đề Thám 

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: Những kỷ niệm thời trước Văn Việt

Thụy Khuê



Năm 2014, anh Nguyên Ngọc sang Pháp, đến thăm và rủ tôi viết cho Văn Việt, dĩ nhiên tôi nhận lời. Nhưng trước hay sau đó, anh Hoàng Hưng cũng đã gửi email và tôi cũng ưng thuận ngay. Đây là tờ báo mạng mà chúng tôi chờ đợi: dựng ở trong nước, in bài cả trong lẫn ngoài nước, không bè phái, không tiêu chuẩn, trừ sự đúng đắn và trung thực.

Tuy nhiên đầu mối thân tình của tôi với hai nhân vật chính tạo nên Văn Việt đã có từ hơn ba mươi năm trước. Mấy dòng viết nhanh tại Vũng Tàu hôm nay, để hồi tưởng lại chút kỷ niệm xưa, mặc dầu trí nhớ đã bắt đầu suy tàn, như lời Nguyễn Bình Phương.

Tôi "quen" anh Nguyên Ngọc kể từ khi anh xúc tiến việc Đổi mới [*] trên tuần báo Văn Nghệ, đăng những bài tiểu luận sắc bén đòi hỏi tự do tư tưởng của Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khắc Viện... và những sáng tác mới của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài... đó là những tên tuổi đầu tiên, đã khiến những người làm văn học ở ngoài nước, như chúng tôi, sửng sốt, khâm phục.

Và cũng từ đó chúng tôi "kết bạn" với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, chưa bao giờ gặp gỡ, nhưng đã rất thân, qua chữ nghiã. Chúng tôi đã "hòa hợp hòa giải dân tộc" không thông qua bất cứ một kênh thúc đẩy hay một cầu nối nào.

Sự tình bắt đầu như thế, từ hơn ba mươi năm nay.

Mùa thu năm 1993, tôi về Việt Nam, sau sáu năm cầm bút, ba năm phụ trách chương trình văn học nghệ thuật hàng tuần của đài RFI; lần đầu tiên gặp Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Văn Cao, Hoàng Cầm, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến... ở ngoài Bắc; Hoàng Hưng, Lữ Phương, Nguyễn Đăng Mạnh... ở trong Nam, từ đó sợi dây truyền cảm giữa chúng tôi chưa bao giờ phai lạt.

Người gây cho tôi cảm giác lạ thường là anh Trần Độ. Hôm ấy hai anh Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dẫn tôi đến buổi họp mặt nhân dịp giỗ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, có anh Trần Độ tham dự. Trong lúc không ngờ nhất, anh sai một người đặt vào tay tôi tấm thiệp nhỏ ghi địa chỉ anh, nếu tôi nhớ không lầm, ở phố Trần Hưng Đạo, trong có hàng chữ viết tay: Cô đến anh sáng mai, ... giờ. Tôi đến gặp người anh hùng như tôi thầm nghĩ, vóc cao, vai rộng, giọng đầy quyền uy. Bên cạnh Tướng quân có một vị chừng như "bảo vệ", mặt âm u. Trần Độ phớt lờ như không, thủng thẳng nói những điều hệt như anh viết: Ta cần phải đổi mới tư duy, chính sách xã hội phải coi con người là mục tiêu chứ không phải là công cụ của cách mạng... Cuối cùng anh bảo tôi: Cô và các bạn ở hải ngoại có thể tiếp sức với trong nước thực hiện những điểm anh vừa đề xuất...

Nguyên Ngọc bị cách chức tháng 12 năm 1988. Trần Độ bị cách chức tháng 6 năm 1989.