Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

XỬ BẮN CHÚA JESUS, ngày 7/8/1936 tại Tây Ban Nha

 


Đó là tên gọi của bức ảnh và sự kiện nổi tiếng đi kèm với cuộc nội chiến Tây Ban Nha, xảy ra trong giai đoạn mà chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa xã hội cánh tả cùng nổi lên tại Châu Âu sau Thế Chiến Thứ Nhất. Trong ảnh, các thanh niên Cộng Sản Tây Ban Nha làm theo chỉ thị của Các Mác nhằm "xóa bỏ ảnh hưởng của tôn giáo". Những kẻ này đã giương súng nhắm bắn vào tượng Thánh Tâm Chúa Jesus ở Đồi Thiên Thần, Getafe, Tây ban Nha. Sau đó chúng đã phá hủy các đền đài và tượng đá xung quanh tượng Chúa.

Quân Cộng Sản Tây Ban Nha được sự hỗ trợ của Liên Xô, đã tiến hành chiến tranh tổng lực trên toàn Tây Ban Nha và nắm được hầu hết quốc gia này. Trong thời gian nắm quyền, chúng đã thi hành triệt để các chính sách như tịch thu ruộng đất tư và tài sản của Giáo Hội, lọai bỏ ảnh hưởng của nhà thờ khỏi trường học, kèm theo đó là tuyên truyền dối trá tạo sự thù ghét và kêu gọi thủ tiêu những người Kitô giáo. Trong thời gian này, quân Cộng Sản đã giết chết 40 ngàn người, trong đó có hơn 6800 linh mục và tu sĩ. Hơn 10 ngàn người bị giết vì không chịu bỏ đạo.

Sau này, Tây Ban Nha đã loại bỏ được nạn cộng sản khỏi quốc gia của mình, tái thiết lập địa vị của giáo hội Công Giáo, tu sửa lại tượng đài Chúa Kitô cùng nhiều công trình tôn giáo khác đã bị phá hoại trong cuộc chiến. Năm 2007, tại Vatican, Giáo Hoàng đã tuyên thánh cho hơn 400 vị tử đạo trong cuộc nội chiến Quốc - Cộng Tây Ban Nha, khiến đây trở thành lần tuyên thánh lớn nhất từ trước đến giờ. Quanh tượng Chúa năm xưa được xây thêm một nhà thờ lớn, một số tượng đá bị đập vỡ và các lỗ đạn trên thân tượng Chúa vẫn có thể được nhìn thấy.

(Hoài Thạch Sơn)

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Câu chuyện lịch sử ít ai biết : Hòa ươc Thiên Tân 1885?

 (https://www.facebook.com/groups/373876840199844/permalink/839681846952672/)

 


Có đến 90% khả năng là bạn chưa biết gì về câu chuyện lịch sử này. Bởi vì...những bậc trí thức, học giả, những nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở VN cũng không biết khi trả lời câu hỏi:

"Trước thế kỷ 20, cuộc xâm lược cuối cùng của Trung Quốc vào Việt Nam là cuộc xâm lược nào? Trong sự kiện ấy, ai là tổng chỉ huy của quân đội Trung Quốc? Ai là người đánh bại đội quân xâm lược đó?

Hầu hết người được hỏi đều trả lời: Đó là cuộc xâm lược của Mãn Thanh thời Hoàng đế Càn Long vào năm 1789, chỉ huy đội quân xâm lược là Tôn Sỹ Nghị, người đánh bại đội quân xâm lược đó là Hoàng đế Quang Trung.

Chỉ có một học giả duy nhất trả lời đúng: Cuộc xâm lược cuối cùng là vào thế kỷ 19, thời Từ Hy thái hậu của Mãn Thanh, chỉ huy đội quân xâm lược là Phùng Tử Tài, còn người đánh bại cuộc xâm lược đó của Trung Quốc là… thực dân Pháp.

Tại sao hầu hết những người am tường sách vở ở Việt Nam mà tôi có dịp được hỏi lại hoàn toàn không nhớ gì về cuộc xâm lược trong thế kỷ 19 này của Trung Quốc?

Vì nó hoàn toàn bị xoá khỏi lịch sử. Nó không được dạy trong chương trình sử ở cả bậc đại học lẫn trung học.

Cuối thế kỷ 19, Việt Nam đối diện với hai siêu cường, Pháp và Mãn Thanh, một bên đến từ phương Tây, mang theo nền văn minh của chủ nghĩa tư bản, một bên là thiên triều ngàn năm vẫn đang chìm đắm trong ảo giác mình là trung tâm của thế giới.

Ngay sau khi Pháp lấy Nam Kỳ, Mãn Thanh cũng lập kế hoạch đánh chiếm miền Bắc.

Mãn Thanh quyết tâm đánh chiếm Bắc Kỳ vì Việt Nam đã suy yếu, và nhằm bảo vệ mô hình thiên triều - chư hầu ngàn năm. Pháp thì quyết lấy nốt phần còn lại. Hai bên tất yếu bước vào một cuộc đụng đầu lịch sử, dần dần đi đến chỗ đánh nhau ác liệt ngay trên lãnh thổ Việt Nam, qua một loạt trận đánh như Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang năm 1883.

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Thử tìm hiểu về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” (Kỳ 4)

 (Trích sách “MAO TRẠCH ĐÔNG NGÀN NĂM CÔNG TỘI” của Tân Tử Lăng)

Kỳ 4: ĐÃ ĐẾN LÚC ĐÁNH GIÁ LẠI MAO TRẠCH ĐÔNG ĐỂ XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DÂN CHỦ

Sai lầm lớn nhất của Mao sau ngày dựng nước là đã từ bỏ lý luận kiến quốc dân chủ mới, vội vã thực hiện giấc mơ xây dựng xã hội đại đồng. Mao tự nhận mình là Mác + Tần Thuỷ Hoàng, dựa vào tuyên truyền và bạo lực để cải tạo xã hội.

Lý luận chủ nghĩa xã hội không tưởng trong “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” kết hợp với truyền thống phong kiến Trung Quốc đã hình thành mô hình chủ nghĩa xã hội bạo lực “lấy đấu tranh giai cấp làm then chốt” của Mao. Hai mươi năm kể từ 1956 khi hoàn thành cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, đến 1976 khi Mao qua đời, Đại cách mạng văn hoá kết thúc, là 20 năm văn minh vật chất và văn minh tinh thần của chủ nghĩa xã hội dân chủ lớn mạnh vượt bậc, cũng là 20 năm chủ nghĩa xã hội bạo lực Mao Trạch Đông vội vã hình thành, phát triển ác tính, và hoàn toàn tan rã.

“Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử từ ngày dựng nước đến nay” do Đặng Tiểu Bình chủ trì định ra tháng 6-1981 đã có vai trò lịch sử và công lao vĩ đại trong việc uốn nắn sai lầm của Mao sau ngày dựng nước, xoay chuyển phương hướng lịch sử của Trung Quốc, đưa nước ta đi lên con đường cải cách-mở cửa, nhưng do những hạn chế lịch sử tức nhu cầu sách lược đấu tranh, nó cũng để lại vấn đề uốn nắn sai lầm “tả” khuynh không triệt để.

Ngày 15-1-1993, Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng họp tại Thượng Hải. Đến dự ngoài các uỷ viên Thường vụ Bộ chính trị khoá 14 Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Kiều Thạch, Lý Thuỵ Hoàn, Chu Dung Cơ, Lưu Hoa Thanh, Hồ Cẩm Đào, còn có Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Bành Chân, Vạn Lý, Bạc Nhất Ba, Dương Thượng Côn, Vương Thuỵ Lâm.

Tại cuộc họp, Đặng Tiểu Bình đã phát biểu về một số năm sau cần đánh giá khoa học và toàn diện vị trí lịch sử, công lao và sai lầm của Mao Trạch Đông. Giang Trạch Dân đề nghị coi kỷ yếu phát biểu của Đặng và một số đồng chí khác là chủ đề của Hội nghị Thường vụ Bộ chính trị mở rộng. Hội nghị biểu quyết, nhất trí thông qua. Đặng Tiểu Bình thẳng thắn nói:

- Do những hạn chế của tình hình trong đảng và ngoài xã hội lúc đó, đánh giá của Hội nghị Trung ương 6 khoá 11 đối với vị trí lịch sử, công lao và sai lầm của Mao Trạch Đông có phần không đúng sự thật lịch sử. Nhiều đồng chí gượng ép tiếp nhận. Lịch sử do chúng ta tạo ra, không thể đảo ngược, không thể thay đổi. Vẫn có những cuộc tranh luận về công lao và sai lầm của Mao, tôi đã nói với các đồng chí Bành Chân, Đàm Chấn Lâm, Lục Định Nhất: ý kiến của các ông đúng, nhưng phải từ từ, xét tình hình, có thể lùi đến đầu thế kỷ 21, để thế hệ sau đánh giá toàn diện. Công tội của Mao còn sờ sờ ra đó, không thể di dời, cũng không thay đổi được. Có người lo ngại đánh giá toàn diện Mao Trạch Đông sẽ dẫn đến việc phủ định công lao lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc, làm hại vị trí lãnh đạo của Đảng. Tôi thấy chẳng có gì đáng ngại. Tôi kiến nghị có thể đánh giá toàn diện cuộc đời Mao Trạch Đông sau khi thế hệ chúng ta ra đi. Đến lúc ấy, môi trường chính trị có lợi hơn, những ý kiến cố chấp sẽ giảm bớt. Đảng viên cộng sản là những người theo chủ nghĩa duy vật, việc sửa đổi những sai lầm, những việc làm trái với lòng mình và những nghị quyết không hoàn chỉnh thể hiện Đảng Cộng sán tự tin, có sức mạnh, phải tin rằng tuyệt đại đa số đảng viên và nhân dân sẽ thông cảm và ủng hộ.

Mười ba năm qua đi, trong và ngoài Đảng đều vang lên tiếng hô dữ dội: thời cơ đánh giá lại Mao đã chín muồi. Di chứng lớn nhất của “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử“ là đã khẳng định cuộc “cải tạo xã hội chủ nghĩa” đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, và công thương nghiệp tư bản tư doanh, dành cho nó địa vị chính thống trong lịch sử, từ đó khiến công cuộc cải cách-mở cửa ngay từ đầu đã mang tội “phục hồi chủ nghĩa tư bản”. Từ thực hiện “khoán sản tới hộ” đến đưa vấn đề bảo hộ chế độ tư hữu vào hiến pháp, lịch sử cải cách mở cửa là lịch sử phá vỡ sự ràng buộc tiến tới hoàn toàn phủ định lịch sử của “ba cuộc cải tạo lớn”. Để giữ sự nhất trí với nghị quyết, cải cách-mở cửa mỗi bước đi lên đều phải “bật tín hiệu rẽ trái, bẻ tay lái sang phải”, bước đi loạng choạng, Đặng Tiểu Bình và những người kế tục ông phải thận trọng từng bước lãnh đạo đất nước này trong những tiếng công kích họ “phục hồi chủ nghĩa tư bản”.

Phòng nghiên cứu văn kiện trung ương căn cứ vào “Nghị quyết” trên viết ra cuốn “Truyện Mao Trạch Đông”, vẫn khẳng định “ĐCSTQ cải tạo công thương nghiệp tư bản và các nhà tư bản là một sáng tạo chưa từng có trong lịch sử loài người”, tạo căn cứ lý luận cho việc quay trở lại đường lối “tả” khuynh và tiến hành “cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa” lần thứ hai. Theo phái “tả”, chỉ cần anh thừa nhận “sáng tạo chưa từng có” này, thì cải cách-mở cửa đã “phản bội con đường xã hội chủ nghĩa do Mao Chủ tịch mở ra, phục hồi chủ nghĩa tư bản”. Việc đó đã cổ vũ mạnh mẽ và tăng thêm niềm tin cho họ lật đổ chính sách mới cải cách mở cửa.

Thanh kiếm sắc đó treo lơ lửng trên đầu các doanh nghiệp tư nhân. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn chuyển trụ sở chính ra Hồng Công hoặc nước ngoài, chứng tỏ họ nghi ngại và hoảng hốt, rất không lợi cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Những năm gần đây, nhiều xí nghiệp Trung Quốc đã mượn đường sang các nơi miễn thuế như Virgin thuộc Anh để chuyển thành vốn nước ngoài, biến mình thành xí nghiệp bên ngoài, rồi mua các xí nghiệp trong nước. Quần đảo Tây Ấn Độ Dương diện tích chỉ có 154 km2 này đã liên tục mấy năm vượt các nước phát triển Âu Mỹ, trở thành nguồn vốn nước ngoài lớn thứ hai ở Trung Quốc, sau Hồng Công.

Ngày 16-4-2005, Lý Thành Thuỵ và 72 nhân vật “phái tả” khác gửi thư cho Tổng Bí thư ĐCSTQ, đưa ra “kiến nghị về xây dựng tư tưởng trong đảng” họ dùng sách lược lôi kéo Hồ Cẩm Đào, đề cao Mao Trạch Đông, hạ thấp Đặng Tiểu Bình, phê phán Giang Trạch Dân, chia rẽ đường lối, mưu toan khôi phục toàn diện lý luận và đường lối cực tả Mao Trạch Đông. Phối hợp với đòi hỏi trên, phái “tả” ồ ạt tung lên mạng nhiều bài đổi trắng thay đen, bóp méo lịch sử, miêu tả những năm tháng bi thảm làm mấy chục triệu người chết đói thành thế giới thần tiên. Họ nói cải cách-mở cửa làm hỏng hết mọi việc, cổ động quay lại thời đại Mao.

Trong tim óc những người Trung Quốc 50 tuổi trở lên, chủ nghĩa xã hội bạo lực Mao Trạch Đông đã sớm mất hết tính chính danh, hoàn toàn phá sản; điều quan trọng nhất hiện nay là phải cho lớp trẻ biết bộ mặt thật về thời đại Mao.

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

Thử tìm hiểu về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” (Kỳ 3)

 (Trích sách “MAO TRẠCH ĐÔNG NGÀN NĂM CÔNG TỘI” của Tân Tử Lăng)

Kỳ 3: Mô hình Thụy Điển

Thời kỳ đầu Trung Quốc cải cách mở cửa, để phá vỡ trạng thái tinh thần trong đội ngũ cán bộ Trung Quốc do bị nhồi nhét lý luận cực tả trong thời gian dài tạo ra, như ếch ngồi đáy giếng, tự cho mình hơn người, chỉ có mình là phái tả là cách mạng; Đặng Tiểu Bình đã cử rất nhiều cán bộ cấp cao ra nước ngoài khảo sát, chủ yếu là Mỹ và châu Âu. Ông rất chú trọng thành tựu và kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Nhiều cán bộ cấp cao sang Tây Bắc Âu bất giác kêu lên: “Người ta như thế mới là chủ nghĩa xã hội chứ!”. Anh Quốc là một nước như thế nào? Nhận thức định hình của chúng ta coi Anh là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc già đời. Trong cuộc tổng tuyền cử năm 1945 sau khi Thế chiến II kết thúc, Công đảng Anh toàn thắng, lãnh tụ Công đảng Attlee lên làm thủ tướng. Ông đã tiến hành một cuộc cải cách xã hội dân chủ. Những biện pháp chủ yếu là: quốc hữu hoá các xí nghiệp khai khoáng, ngân hàng, giao thông vận tải, sản xuất gang thép, dịch vụ xã hội, nâng thành phần quốc doanh trong lĩnh vực kinh tế lên 20%; thông qua thuế luỹ tiến chênh lệch rõ rệt, nhà nước tái phân phối 2/5 tổng thu nhập; áp dụng phương pháp phúc lợi toàn dân, đảm bảo rộng rãi cho tất cả mọi người về chi phí chữa bệnh hiểm nghèo, sự cố, tuổi già, thương tật, thất nghiệp, sinh đẻ, tử vong, tất cả mọi người đều được khám chữa bệnh không mất tiền, giáo dục trung tiểu học miễn phí. Attlee nói: “Chính phủ Công đảng đang thiết lập ở Anh một chế độ tốt nhất ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô” (Vương Tiểu Mạn: Con đường phát triển của Công đảng Anh sau Thế chiến 2).

Nếu chúng ta tôn trọng lời tự trần thuật của lãnh tụ Công đảng Anh, thì từ thập kỷ 50 thế kỷ trước, Anh đã là nước theo chủ nghĩa xã hội dân chủ rồi. Thể chế phúc lợi xã hội do Chính phủ Công đảng thiết lập ở thập kỷ 50 có ảnh hưởng sâu xa đối với sự phát triển của nước Anh và châu Âu. Sau này Đảng Bảo thủ lên cầm quyền không hề thay đổi chính sách phúc lợi xã hội của Công đảng.

Cuối thập kỷ 70 thế kỷ 20, Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp Trung Quốc Vương Chấn sang thăm Anh. Ông yêu cầu đến thăm một công nhân thất nghiệp với chủ định rõ rệt “thăm nghèo, hỏi khổ”. Đại sứ Trung Quốc tại Anh Kha Hoa cùng Vương Chấn đến nhà một công nhân thất nghiệp. Vương lão có phần loá mắt: đây là công nhân thất nghiệp ư? Ông thấy gì vậy?

Người công nhân thất nghiệp này ở trong nhà lầu 2 tầng, có buồng ăn, buồng khách, xa lông, ti vi, trong tủ trang trí có đồ bạc cổ quí giá, đằng sau có vườn hoa nhỏ khoảng 50 m2. Do thất nghiệp, ông ta có thể không nộp thuế, được khám chữa bệnh không mất tiền, con cái được hưởng giáo dục nghĩa vụ miễn phí.

Xem xong, Vương Chấn cứ xuýt xoa. Thì ra người công nhân Anh ông vốn coi là đang sống trong nước sôi lửa bỏng này lại có mức sống cao hơn Phó thủ tướng Trung Quốc. Đại sứ Kha Hoa nói với ông: “Tôi đã hỏi một công nhân vệ sinh, thu nhập của anh ta mỗi tuần khoảng 100 sterling. Người coi thang máy thu nhập mỗi tuần khoảng 150 sterling”. Tính theo tỷ giá hối đoái hồi đó, tiền lương hàng tuần của công nhân vệ sinh bằng 592 NDT, công nhân coi thang máy bằng 886 NDT. Lương của Phó Thủ tướng Vương Chấn hồi đó mỗi tháng không đến 400 NDT, mỗi tuần không đến 100 NDT, bằng 1/6 lương công nhân vệ sinh, 1/8 lương công nhân coi thang máy ở Anh. Nếu so sánh thu nhập giữa dân thường hai nước, thì khoảng cách đó càng lớn. Theo tính toán của các chuyên gia, tỷ lệ thu nhập quốc dân bình quân đầu người của Trung Quốc và Anh là 1/42,3, nghĩa là thu nhập của dân thường Anh cao hơn dân thường Trung Quốc 42 lần. Chủ nghĩa xã hội nghèo của Trung Quốc thua kém quá rồi.

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Thử tìm hiểu về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” (Kỳ 2)

  (Trích sách “MAO TRẠCH ĐÔNG NGÀN NĂM CÔNG TỘI” của Tân Tử Lăng)

Kỳ 2: CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DÂN CHỦ

Trong “Tư bản luận” quyển 1, Mác viết:

“Sự lũng đoạn của tư bản trở thành vật cản trở phương thức sản xuất cùng tồn tại và phồn thịnh dưới sự lũng đoạn này. Tư liệu sản xuất đã tập trung và lao động đã xã hội hoá tới mức không thể chứa đựng trong vỏ bọc tư bản chủ nghĩa. Chiếc vỏ này sắp nổ tung. Hồi chuông chôn vùi chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa sấp điểm rồi. Kẻ tước đoạt sắp bị tước đoạt rồi”.

Đó chính là “mâu thuẫn giữa sản xuất xã hội hoá và chế độ chiếm hữu tự nhân về tư liệu sản xuất” mà chúng ta thường nói đến trong sách giáo khoa. Luận đoán này đúng, trước khi công ty cổ phần ra đời. Bởi ngoài việc giai cấp công nhân đứng lên làm cách mạng, lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, tước đoạt những kẻ tước đoạt ra, đời sống xã hội chưa cung cấp phương pháp khác giải quyết vấn đề này.

Đấy là hạn chế lịch sử khi Mác viết “Tư bản luận” tập 1.

Công ty cổ phần đã phá vỡ lũng đoạn, sáng tạo hình thức chiếm hữu xã hội hoá tư liệu sản xuất tương xứng với “tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hoá lao động”. Mác không phải học giả khư khư bám lấy cái cũ, bảo vệ luận đoán đã lỗi thời. Sau khi nghiên cứu công ty cổ phần, Mác đưa ngay ra kết luận mới:

“Trong công ty cổ phần, chức năng đã tách khỏi quyền sở hữu tư bản, lao động cũng đã hoàn toàn tách khỏi quyền sở hữu tư liệu sản xuất và quyền sở hữu lao động thặng dư. Kết quả sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển đến cực độ là điểm quá độ phải trải qua, đề tư bản lại chuyển hoá thành sở hữu của người sản xuất, song lúc đó nó không còn là tài sản tư hữu của từng người sản xuất riêng lẻ, mà là tài sản chung của những người cùng sản xuất, là tài sản xã hội trực tiếp”. (Tư bản luận, quyển 3, trang 502).

Công ty cổ phần ra đời khiến Mác chẳng những tìm được hình thức coi tư liệu sản xuất “là tài sản chung của những người cùng sản xuất, tài sản xã hội trực tiếp”, mà còn tìm được điểm quá độ “tư bản chuyển hoá thành sở hữu của người sản xuất”, tức “thiết lập lại chế độ sở hữu cá nhân”, đó là cổ phiếu. Hình thức mới của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất hiện thực mà Mác tính đến khi viết quyển 3 “Tư bản luận” là để mỗi cá nhân đều có thể chiếm một số cổ phần nhất định của xí nghiệp, cụ thể là chế độ công hữu này được thực hiện theo chế độ tư hữu về cổ phần, với đặc trưng công nhân viên chức có cổ phần, các cổ đông nhỏ, cổ đông lớn cùng chiếm hữu tư liệu sản xuất, là xã hội hoá quyền sở hữu tư liệu sản xuất thực hiện dưới hình thức chế độ toàn dân nắm cổ phần. Công ty cổ phần ra đời khiến sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa xuất hiện nhân tố xã hội chủ nghĩa. Ăng-ghen cho rằng: “Sản xuất tư bản chủ nghĩa do các công ty cổ phần kinh doanh không còn là sản xuất tư nhân, mà là sản xuất mưu lợi cho rất nhiều người kết hợp cùng nhau. Nếu chúng ta từ các công ty cổ phần xem xét các Trust chi phối và lũng đoạn toàn bộ ngành công nghiệp, thì ở đó chẳng những sản xuất tư nhân đã ngừng, mà tính vô kế hoạch cũng không còn nữa”.

Về chính trị, Anh, Mỹ, Đức… đã từng bước thực hiện nền chính trị chính đảng, các đảng của giai cấp công nhân có số ghế nhất định trong quốc hội. Chẳng hạn số phiếu Đảng Dân chủ Xã hội giành được ngày càng tăng. Năm 1893, Ăng-ghen nói: “Nếu đến năm 1895 mới tổ chức bầu cử, thì chúng ta sẽ được 3,5 triệu lá phiếu. Cả nước Đức có 10 triệu cử tri, bình quân có 7 triệu người tham gia bỏ phiếu, Nếu trong 7 triệu cử tri Đức có 3,5 triệu cử tri ủng hộ chúng ta, thì Đế quốc Đức không thể tiếp tục tồn tại như ngày nay được nữa”. (Toàn tập Mác-Ăng-ghen, quyển 22, trang 629).

Đã có khả năng giai cấp công nhân nắm chính quyền bằng biện pháp hợp pháp. Ăng-ghen thậm chí dự đoán đến cuối thế kỷ 19, Đảng Dân chủ Xã hội Đức có thể gánh vác sứ mệnh quản lý nhà nước. Chủ nghĩa tư bản sẽ hoàn thành quá độ hoà bình lên chủ nghĩa xã hội như vậy. Quyển 3 “Tư bản luận” đã lật đổ kết luận của quyển 1, không cần làm “nổ tung” cái “vỏ ngoài” của chủ nghĩa tư bản nữa. Chủ nghĩa tư bản Manchester trong đầu Mác (chủ nghĩa tư bản nguyên thuỷ) đã diệt vong. Sau đó, dưới hình thức chế độ cổ phần, chủ nghĩa tư bản đã thoát khỏi nền chính trị do một số ít người thao túng, dần dần xã hội chủ nghĩa hoá. Mác tin chắc vào xu thế phát triển lịch sử này, chỉ có “các nhà kinh tế học tầm thường không hình dung nổi các hình, thức phát triển trong nội bộ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, có thể ly khai và tách khỏi tính chất tư bản chủ nghĩa đối lập với họ”. Những ý kiến trên trong “Tư bản luận” quyển 3 phảng phất như Mác để lại cho các nhà kinh tế học tầm thường “cách mạng nhất” đời sau không tin vào quá độ hoà bình.

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Thử tìm hiểu về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” (Kỳ 1)

(Trích sách Mao Trạch Đông ngàn năm công tội của Tân Tử Lăng)

Kỳ 1: Đoàn kết giai cấp tư sản - đại diện lực lượng sản xuất tiên tiến

Sau khi một bộ phận của hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) thế giới sụp đổ, các nước XHCN còn lại đều đang cố gắng tìm kiếm một mô hình XHCN thích hợp để tồn tại và phát triển. Chẳng hạn, Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Trung Quốc là mô hình “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc (mang màu sắc riêng biệt) Trung Quốc”.

Vậy chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là gì?

Năm 2007 xuất hiện cuốn sách gây chấn động lớn trong dư luận Trung Quốc và thế giới, có tên Mao Trạch Đông ngàn năm công tội (“千秋功罪毛泽东”) của Tân Tử Lăng, nguyên là Đại tá, Sư đoàn trưởng quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, sau là nhà nghiên cứu, giảng viên, và có nhiều năm là Giám đốc Trường Đại học Quân chính thuộc Học viện Quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong Lời giới thiệu của cuốn sách, tác giả cho biết, khi Đặng Tiểu Bình thực hiện công cuộc cải cách mở cửa, bên cạnh sự hưởng ứng sôi động của dân chúng, cũng đã xuất hiện một làn sóng chống đối mãnh liệt, cho rằng Đặng đang phát triển chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc. Nhiều sức ép đòi trở lại đường lối cứng rắn của Mao Trạch Đông, thậm chí, đòi phát động một cuộc Đại cách mạng văn hóa lần thứ hai.

Trong không khí cởi mở của cải cách, trên tinh thần ủng hộ đường lối cải cách mở cửa, tác giả thấy cần thiết góp tiếng nói, làm rõ công lao và tội ác của Mao, đồng thời làm rõ đường lối của Đặng Tiểu Bình về cái gọi là “phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Cuốn sách được Thông tấn xã Việt Nam dịch và xuất bản năm 2009.

Cuốn sách gồm hai phần, Phần đầu gồm 39 chương nói về công lao và tội ác của Mao, và Phần hai được đặt tên là “Lời kết”, nhưng nội dung là nhận định của tác giả về bản chất công cuộc cải cách xây dựng “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.

Tuy phần này được đặt tên là “Lời kết”, nhưng thực chất đây là phần tổng kết về mặt lý luận công cuộc cải cách của Trung Quốc, trong xu thế phát triển những tư tưởng lớn của Marx và Engels. Chính vì vậy, đây là phần rất đáng để các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam tham khảo, và đó chính là chủ định của chúng tôi giới thiệu những nội dung quan trọng trong phần này của cuốn sách.

Trong phần này, Tân Tử Lăng gọi chủ nghĩa xã hội của Mao là “Chủ nghĩa xã hội không tưởng”, “Chủ nghĩa xã hội phong kiến”, “Chủ nghĩa xã hội bạo lực”, là sự kế tục đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội bạo lực, mà Tân Tử Lăng chỉ đích danh, từ người sáng lập Lênin đến Stalin và Mao Trạch Đông. Tân Tử Lăng truy gốc của đường lối này xuất phát từ bản khởi thảo Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Marx và Engels thời trẻ (khi soạn thảo Tuyên ngôn, Marx 30 tuổi và Engels 28 tuổi). Đến khi trưởng thành, hai ông đã sửa lại Tuyên ngôn với đường lối mềm mỏng hơn, Tân Tử Lăng gọi là “Chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Tân Tử Lăng đã gắn chủ nghĩa xã hội dân chủ với tên tuổi của ba người: Marx-Engels-Lassal (Lassal, 1825-1864, người sáng lập Đảng Dân chủ Xã hội chủ nghĩa Đức /SPD/).

Đọc phần này, chúng ta thấy, trong hệ thống khái niệm của Tân Tử Lăng có hai bộ ba: “Marx- Engels-Lassal” đi liền với “Chủ nghĩa xã hội dân chủ” và một bộ ba khác, “Lênin-Stalin-Mao” đi liền với “Chủ nghĩa xã hội bạo lực”. Cũng đọc phần này, chúng ta thấy, trong hệ thống khái niệm của Tân Tử Lăng không thấy có khái niệm “chủ nghĩa Marx-Lênin” và cũng không thấy Tân Tử Lăng gắn tên tuổi và sự nghiệp của Lênin với Marx, thậm chí Tân Tử Lăng còn xem Lênin là người xét lại chủ nghĩa Marx. Đọc phần này, chúng ta thấy Tân Tử Lăng đã xác nhận lại chân dung của những người từng bị lên án trong các sách giáo khoa về chủ nghĩa xã hội khoa học, như Berstein, Kausky, Lassal…

Với cách mô tả trong phần này, Tân Tử Lăng muốn cho người đọc một thông điệp, rằng tư tưởng cải cách “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” của Đặng Tiểu Bình thực chất là con đường của chủ nghĩa xã hội dân chủ theo tư tưởng của Marx-Engels-Lassal, chấm dứt thời đại chủ nghĩa xã hội bạo lực theo kiểu Lênin-Stalin-Mao Trạch Đông.

Tuy nhiên qua thực tiễn diễn ra trên đất nước Trung Quốc, nếu so sánh với các quốc gia đang thực hành đường lối của chủ nghĩa xã hội dân chủ, thì công cuộc cải cách theo chủ nghĩa xã hội dân chủ mà Đặng Tiểu Bình phát động và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thực hiện ở Trung Hoa lục địa cũng chưa phải là một cái gì phù hợp với khái niệm “chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Màu sắc bạo lực của nó trong thực tiễn hẳn ai cũng nhìn thấy, cho nên giữa Tân Tử Lăng với Đặng Tiều Bình không phải không có hiện tượng… bà đưa vịt ra bán mà ông lại cứ đinh ninh rằng đấy là gà.

Mặc dù vậy, trong phần lớn trường hợp, những phân tích thẳng thắn của Tân Tử Lăng ở đây rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Vì vậy chúng tôi trích dẫn toàn bộ phần này để bạn đọc tham khảo.

Đề mục do Bauxite Việt Nam đặt.

Bauxite Việt Nam

Tháng 11-2002, Đại hội 16 ĐCSTQ đề ra đường lối Ba đại diện: (1) Đảng phải đại diện cho yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến, (2) Đảng phải đại diện cho phương hướng tiến lên của văn hoá tiên tiến và (3) Đảng phải đại diện cho lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân Trung Quốc.

Trên thực tế, đây là cương lĩnh của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Từ khi đề ra “Ba đại diện” đến nay, để phòng ngừa “phái tả” công kích, về tuyên truyền đã tìm mọi cách hạ thấp, làm cho nó trở nên mơ hồ, nên đông đảo nhân dân không hiểu được hàm nghĩa sâu xa của vấn đề trên. Ý nghĩa mới mẻ của tư tưởng quan trọng này là: đoàn kết giai cấp tư sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lực lượng sản xuất tiên tiến ở Trung Quốc giai đoạn hiện nay là kinh tế tư nhân, đại diện cho yêu cầu phát triển của “lực lượng sản xuất tiên tiến” là đại diện cho yêu cầu phát triển của họ. Đây là sự kế thừa phần đúng đắn trong “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” (chính “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” khẳng định giai cấp tư sản đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến) và vượt qua phần sai lầm trong tuyên ngôn, là từ gốc rễ, từ cội nguồn sửa lại cái sai, trở lại cái đúng trong tư tưởng chỉ đạo của Đảng, ẩn chứa sự bao dung, bảo hộ và định vị mới đối với giai cấp tư sản, người đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến. Quan chức địa phương các cấp hiểu thấu tinh thần của cấp trên, dám mạnh tay phát triển kinh tế tư nhân ở khu vực mình. Do sự trói buộc của ý thức hệ “tả” khuynh, không dám thừa nhận như vậy là phát triển chủ nghĩa tư bản. Doanh nghiệp trẻ Lục Dực Chương thành lập “Công ty hữu hạn cố vấn năng lực cạnh tranh nhà tư bản Thượng Hải”, do làm trái với quy tắc ngầm “được làm, không được nói”, đưa ba chữ “nhà tư bản” vào tên xí nghiệp, khi đăng ký, bị Cục quản lý hành chính công thương Thượng Hải bác bỏ. Lục Dực Chương không chịu, kiện lên Toà án nhân dân Khu Từ Hội. Quan chức Cục công thương mang theo cuốn “Từ hải” đối chất trước công đường, luận chứng tính phi pháp của “nhà tư bản”. Toà án phán quyết duy trì quyết định của bị cáo. Ý thức hệ cứng nhắc đã cản trở sự giao lưu giữa đường lối, cương lĩnh của Đảng với nhân dân như vậy đấy. Cuốn sách này phải triệt để công khai nói rõ một số vấn đề có thể hiểu ý mà không được nói sai, được làm không được nói, muốn quần chúng đi theo nhưng lại không nói rõ với quần chúng, chủ yếu là vấn đề đi con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ, phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Trung Quốc giai đoạn hiện nay.

Giai cấp tư sản đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến. “Lực lượng sản xuất” và “lực lượng sản xuất tiên tiến” là hai khái niệm khác nhau. Lực lượng sản xuất duy trì dây chuyền sản xuất vận hành cân bằng theo tiêu chuẩn chất lượng và số lượng nhất định; lực lượng sản xuất tiên tiến phải phá vỡ sự cân bằng cũ, tạo ra tiêu chuẩn chất lượng và số lượng mới, nâng sản xuất lên một nấc thang mới. Công nhân đại diện cho lực lượng sản xuất, nhưng không đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến; người đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến là nhà tư bản, chứ không phải công nhân. Đó là điều đã được lịch sử phát triển lực lượng sản xuất chứng minh.

Thời kỳ đầu chủ nghĩa tư bản thế kỷ 17, cuộc bạo động của công nhân phản đối một loại máy dệt diềm hoa gần như lan khắp châu Âu. Loại máy này sáng chế tại Đức, có thể đồng thời dệt 4 đến 6 diềm hoa. Nhưng do Hội đồng thành phố sợ loại máy này sẽ khiến hàng loạt công nhân phải đi ăn mày, nên đàn áp, và cho người giết chết nhà sáng chế.