Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

Xung đột Ukraine sẽ dễ lặp lại nhất ở Việt Nam, không phải là Đài Loan

 Một sự cố trên Biển Đông có thể dễ dàng leo thang chiến tranh

NIKKEI ASIA by Derek Grossman – March 21, 2022 

Ba Sàm lược dịch

Cuộc chiến của Nga ở Đông Âu đã thúc giục những người theo dõi an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương đưa ra những so sánh giữa cảnh ngộ của Ukraine với tình trạng của Đài Loan liên quan tới Trung Quốc.

Có điều chắc chắn là, Ukraine và Đài Loan đều là hai quốc gia dân chủ xung đột với một cường quốc láng giềng theo chủ nghĩa xét lại (xem: Trung HoaNga) và độc tài. Lập luận của Vladimir Putin rằng Ukraine không phải là một quốc gia có chủ quyền thậm chí có vẻ giống như những lời của Tập Cận Bình và mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc trước ông: Đài Loan chỉ là một tỉnh phản tặc và sẽ được “tái thống nhất”, dù thông qua hòa bình hay cưỡng ép nếu cần thiết.

Tuy nhiên, ngoài những điểm tương đồng đáng chú ý đó, thì Ukraine-Đài Loan lại không còn gì giống nhau. Sự tương hợp có thể được áp dụng hơn chính là một quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương khác: Việt Nam.

Một nhà nước xã hội chủ nghĩa đồng minh do một đảng Cộng sản độc tài cai trị, Hà Nội đang chịu sức ép ngày càng tăng từ Trung Quốc, đặc biệt là xung quanh các yêu sách chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

NƯỚC NGA CỦA AI ?





Trần Anh Chương (Nước Nga những ngày nhớ lại)

 

Mùa hè 1983 tôi đến Mạc Tư Khoa sau hai ngày đêm trên tàu từ Praha, qua Lvov, Kiev, Kharkov, xuyên suốt một vùng mênh mông của Ukraine. Đêm đầu tiên ngủ trên nền xi măng của căn phòng ký túc xá dơ bẩn của người bạn. 4 giờ sáng tỉnh giấc thấy bạn không có trong phòng. 7 giờ sáng bạn về với hai con gà còn lông vừa bị bẻ cổ. Người bạn dậy sớm ra một chợ trời ngoại ô mua tí thịt đãi bạn. Hôm đó vào Hồng Trường, cửa hàng bách hoá MGU nổi tiếng đối diện với điện Kremlin hầu như trống trơn, chỉ vài con gấu Misa nhồi bông, biểu tượng của Olympics Moskva 80, rất nhiều quạt tai voi, bàn ủi; Chỗ thực phẩm hầu như không có gì, mấy ổ bánh mì đen chỏng trơ.

Chúng tôi ngao ngán. Cỗ máy kinh tế của Liên Xô không còn vận hành nữa, cuộc chiến ở Afghanistan, cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ đã làm xơ cứng một xã hội ngập chìm trong khủng hoảng. Năm 91, nghe tin Liên Xô sụp đổ tôi chẳng lấy gì làm lạ. Người Nga đã chán ngấy với khẩu hiệu. Họ cần một mái nhà trên đầu, chút thịt cho bữa cơm, cái xe và vài bộ quần áo. Liên Xô không làm được điều đó.

Nước Nga đối với tôi thời đó vẫn còn nhiều bí ẩn lẫn thích thú. Thời nhỏ tôi đã bị mê hoặc bởi sự tàn bạo và dày vò trong „Tội Ác và Trừng Phạt“ của Dostoevsky, thổn thức với thân phận con người và tình yêu mong manh giữa những đối thay thời cuộc ở „Bác Sĩ Zhivago“ của Pasternak. Nhưng trên hết là sự tuyên truyền và suy tôn nước Nga ở Việt Nam sau năm 75 như một tương lai cho nhân loại, thế giới đại đồng. Trong trí óc tôi thời đó còn gờm gợn tại sao tại thiên đường xã hội chủ nghĩa lại có „Quần Đảo Ngục Tù“ của Solzhenitsyn.

Chuyến đi thăm Mạc Tư Khoa làm tôi thất vọng!

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

Tiểu quốc PHẦN LAN chiến thắng siêu cường LIÊN XÔ

 





Năm 1939, Phần lan chỉ là quốc gia tí hon với 4 triệu dân, còn Liên Xô là siêu cường có lãnh thổ lớn nhất thế giới với 170 triệu dân.

Stalin đề nghị Phần Lan trao đổi một phần lãnh thổ của nước này với Liên Xô, Chính phủ Phần Lan đã từ chối, Stalin liền huy động quân đội tấn công Phần Lan.

Tham gia vào Chiến tranh Mùa Đông 1939- 1940, phía Phần Lan chỉ có khoảng 300.000 quân trong khi đó phía Liên Xô huy động khoảng 1 triệu quân (gấp >3 lần), cùng rất nhiều phương tiện chiến tranh hạng nặng vượt trội Phần Lan như 5000 xe tăng (gấp 100 lần), 3800 máy bay (gấp >30 lần).

Ngày 30/11/1939, quân Liên Xô tấn công tám điểm dọc biên giới dài 1.000 dặm của Phần Lan và dùng không quân oanh tạc thủ đô Helsingfors. Máy bay Liên Xô tràn ngập bầu trời Phần Lan, tiến hành oanh tạc dữ dội nhiều thành phố, thị trấn. Vào lúc 6h sáng cùng ngày, 23 sư đoàn của 4 tập đoàn quân với 425.000 binh lính, cùng 6 sư đoàn thiết giáp với hơn 3.000 xe tăng, được yểm hộ bởi hơn 3.000 máy bay vượt biên giới Phần Lan.

Ban đầu người Nga tấn công chủ yếu vào công trình bố phòng trên biên giới Phần Lan ở eo biển Karel. Tuy nhiên xe tăng Liên Xô thường xuyên vấp mìn của quân Phần Lan nên nhiều chiếc bị phá huỷ, còn binh sĩ Liên Xô bị vướng rào kẽm gai trong phòng tuyến của đối phương nên phơi mình cho các ổ súng máy bố trí khéo léo trong rừng. Quân đội Phần Lan dựa vào địa hình quen thuộc và các công sự vững chắc đã chống trả quyết liệt. Họ chủ động rút lui nhử các binh đoàn Xô Viết với vũ khí hạng nặng vào sâu trong lãnh thổ. Khi quân Nga kéo sâu vào 30 dặm, người Phần Lan tổ chức phản công. Bị chặn lại tại các phòng tuyến Phần Lan được xây dựng trong rừng, ngày đêm bị tấn công dữ dội vào sườn, đường giao thông phía sau bị gián đoạn, các binh đoàn Nga phải rút lui về điểm xuất kích với tổn thất nặng nề.

Trong suốt tháng 12, gần 12 sư đoàn Liên Xô đồng loạt tấn công ồ ạt trên toàn phòng tuyến Mannerheim thuộc eo biển Karel nhưng đều thất bại.

Từ ngày 7/12/ 1939 đến ngày 8/1/1940, khoảng 45.000-50.000 quân Liên Xô có xe tăng yểm trợ tấn công mạnh 11.000 quân Phần Lan ở Suomussalmi, kết quả là khoảng 13.000 lính Nga bị thương vong và 2.100 bị bắt làm tù binh để đổi lấy 2.000 thương vong về phía quân Phần Lan. Đặc biệt là trong khoảng từ 4/1 đến 7/1/1940, 6.000 quân Phần Lan phục kích một lực lượng Xô viết khoảng 25.000 quân trên đường Raate, quân Phần Lan có 402 người chết để đổi lấy 7.000-9.000 quân Xô viết chết hoặc mất tích và 1.300 tù binh. 2 sư đoàn 163 và 44 Bộ binh Liên Xô bị kẹt trong đầm lầy nên bị chết rét dần dần, trong số 44.000 quân thì đã tử trận, chết cóng, bị thương hoặc bị ốm mất hơn 30.000, bị mất 86 xe tăng còn phía Phần Lan tịch thu làm chiến lợi phẩm 69 xe T-26 và 10 xe cơ giới các loại. Tàn quân Liên Xô rút chạy về hậu cứ.

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

Nga xâm lăng Ukraina : Đảo chính Putin để ngăn bóng ma nguyên tử ?

05/03/2022

Thụy My RFI

 


Nguy cơ tận thế nguyên tử chưa bao giờ cao như thế, kể từ sau khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Các tướng lãnh Nga cần hiểu họ có thể bị truy tố vì tội ác chiến tranh. Những tay chân phục tùng dưới trướng để tha hồ vơ vét, chứ không phải để ra trước tòa án La Haye. Phương Tây có thể âm thầm bảo đảm nếu họ lật đổ Putin, nước Nga sẽ có khởi đầu mới. Sa hoàng đỏ có thể lặng lẽ rút vào bóng tối.

Tất cả tuần báo Pháp ra số đặc biệt chuyên đề Ukraina

Tất cả các tuần báo uy tín kỳ này đều ra số đặc biệt dành gần như trọn số trang cho bài vở về sự kiện Nga xâm lược Ukraina. Trên mặt tiền các ki-ốt sách báo Paris nổi bật khuôn mặt trầm tư của tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky. Ông xuất hiện trên trang bìa L’Express trong màu áo trận, nón sắt rằn ri đội đầu, và dòng tựa « Ai sẽ chận được Putin ? ». Cũng trong chiếc áo khoác « treilli », tay đặt lên ngực, mắt nhìn thẳng âu lo nhưng cương quyết, chân dung vị tổng thống trẻ nổi bật trên trang nhất Le Point bên cạnh tít lớn « Volodymyr Zelensky, anh hùng của tự do ». Đáng chú ý là tuần báo phá lệ, xuất bản ngay từ thứ Hai thay vì giữa tuần.

L’Obs chọn ảnh bìa là một phụ nữ bật khóc trước tòa nhà đổ nát, trước « Sự rung chuyển của thế giới ». Trang nhất The Economist đơn giản là hai mảng màu xanh và vàng – màu cờ của Ukraina – với những giòng máu đỏ đang nhỏ xuống ở giữa, nhấn mạnh « Sự kinh hoàng phía trước ». Paris Match đăng ảnh một bé trai Ukraina trong cảnh đổ nát, chạy tựa « Ukraina, tử đạo và anh hùng ». Chỉ có Courrier International dành trang nhất cho Putin, nhưng tượng trưng bằng một khuôn mặt đỏ rực hình cây nấm, theo sau là một vầng lửa nguyên tử, với dòng tít lớn « Không thể tưởng tượng ».

Vladimir Putin, kẻ thù số 1 của hòa bình thế giới

L’Express ghi nhận chỉ trong một ngày cuối tuần, Liên Hiệp Châu Âu (EU) bỗng thay đổi hẳn, lần lượt phá vỡ những cấm kỵ xưa nay. Châu Âu gởi vũ khí cho Ukraina với danh nghĩa tập thể, kể cả chiến đấu cơ ; đóng băng tài sản của Vladimir Putin và Serguei Lavrov, loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, giới hạn hoạt động ngân hàng trung ương Nga. Đặc biệt Đức dám xếp xó dự án Nord Stream 2, viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraina, tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Trước đây những lúc EU biết đoàn kết chủ yếu để bảo vệ thị trường chung, lần này EU bắt đầu chuyển đổi cả về địa chính trị lẫn quân sự.

Theo L’Obs, khi điều các chiến xa đến Ukraina, Vladimir Putin không chỉ muốn xâm lăng một quốc gia có chủ quyền, mà còn là tấn công vào nền dân chủ phôi thai ở Kiev – với cuộc Cách mạng màu cam năm 2004 và Cách mạng Maidan 2014 – vì lo sợ sẽ lây lan sang Nga. Ông ta đã lộ mặt, công khai chứng tỏ với những người – ngây thơ hay đồng lõa – trong một thời gian quá dài từ chối công nhận sự thật : tổng thống Nga nay rõ ràng là kẻ thù số một của hòa bình thế giới.

Le Point trong bài « Những con chó ngoan của Putin » đả kích không chỉ một « Putin siêu quậy mặt bơm botox » đã đe dọa phương Tây bằng vũ khí nguyên tử. Đó còn là sai lầm chiến thuật khủng khiếp của Joe Biden, khi tuyên bố rằng lính Mỹ sẽ không hy sinh vì Ukraina trong bất cứ trường hợp nào. Đó là châu Âu nhu nhược, đã cố thương lượng cho đến giới hạn của sức chịu đựng. Bên cạnh đó là những người vận động hành lang ra sức bênh vực Putin, kể cả một số tên tuổi lớn.

Tờ báo đặt câu hỏi, vì sao kinh tế Nga đứng thứ 12 thế giới (sau Ý và Hàn Quốc), nhưng nếu tính theo GDP trên đầu người, thì đứng tận thứ 65 ? Tại sao ở đất nước rộng lớn nhất hành tinh, phong phú tài nguyên dầu khí, dự trữ ngoại hối khổng lồ, mà người dân lại nghèo đến vậy ? Bởi vì dưới sự trị vì của Vladimir Putin, được coi là một trong những người giàu nhất thế giới, nguồn lực đã bị ông ta và đồng bọn mafia thâu tóm. Những chú cún ngoan ngoãn của Putin cần nhớ rằng nghĩa vụ làm người là luôn phải đứng về phía các nạn nhân. Với một tội phạm chiến tranh như Putin ở ngay ngưỡng cửa, sẽ là thảm họa nếu châu Âu không nhanh chóng tự chủ về quốc phòng.

« Niet, thưa ông Putin »