Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

PHẢI CHĂNG TỪ TRONG QUÁ KHỨ ĐÃ CÓ “LỄ HỘI KHAI ẤN”?

 Nhà văn Hoàng Quốc Hải

 


 “TẤT CẢ CÁC LỄ HỘI KHAI ẤN ĐỀU BỊA ĐẶT”

Ai cũng biết lễ hội có hai phần: Phần Lễ và phần Hội. Lễ là phần tâm linh, phần này nhằm mục đích cố kết cộng đồng bằng tâm thức, hội tụ quanh một hoặc nhiều vị thần nào đó mà cộng đồng tôn thờ làm phúc thần, để che chở cho cả cộng đồng. Thần linh có thể là một vị nhân thần có công lớn với đất nước, cũng có thể là một người dẫn dân đi khai hoang lập ấp, sau thành xóm thành làng, dân cư đông đúc, đời sống khấm khá, cộng đồng đó tôn thờ người ấy làm thành hoàng làng để tỏ lòng biết ơn. Cũng có thể là người đã đem một nghề nào đó về cho cả làng sinh sống rồi trở thành làng nghề, chính người đó được tôn vinh làm tổ nghề và đưa vào điện thần thờ làm Thành hoàng. Lại có vùng thời tiết dữ dội, gió mưa bão lụt khôn lường, dân rước thiên thần vào thờ làm Thành hoàng làng, như Long Hải đại vương. Hoặc cầu mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi, dân thờ Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp điện tức là các thần Mây - Mưa - Sấm - Sét.

Dù thờ thần nào cũng là sự biểu lộ lòng biết ơn của cộng đồng đối với thần linh. Vì vậy phần lễ là linh hồn của mọi lễ hội.

Sau các nghi thức rước, tế và cúng kiếng của lễ, tiếp đó là phần hội.

Khác với lễ, chỉ có một số ít đại biểu được cộng đồng lựa chọn vào việc thờ cúng và tế rước thần linh. Trái lại, hội là phần của toàn thể cộng đồng, ai cũng có thể tham gia tùy sở trường và năng khiếu, không phân biệt giầu nghèo, đẳng cấp. Trong hội có nhiều trò vui, ví như vật, đánh đu, đánh cờ, chọi gà, chọi chim, đánh pháo đất, đi kheo, hát chầu văn (lên đồng), hát chèo, hát đúm, đánh bài tổ tôm điếm hoặc tam cúc điếm vv… Cho nên trong hội, có thể trò này anh là người diễn, sang trò khác anh lại là người xem. Do tính cộng đồng cao, nên lễ hội là một sinh hoạt luôn hấp dẫn và không thể thiếu của cư dân nông nghiệp, qua đó lễ hội còn biểu thị khát vọng của người lao động.

Hội của nước ta thường tổ chức vào mùa xuân hoặc mùa thu là thời điểm nông nhàn. Hội mùa thu chỉ lác đác mà tập trung hội vào mùa xuân.

Như các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, hội khai sớm nhất là hội Chùa Hương Tích huyện Mỹ Đức, xưa thuộc tỉnh Hà Đông. Hội mở từ ngày 6 tháng giêng và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Đây là hội dài ngày nhất.

Kết thúc mùa hội xuân là hội Gióng làng Phù Đổng, tổ chức vào ngày 8 tháng tư (âm lịch) tức là đầu mùa hạ.

Tuyệt đại đa số các lễ hội ở nước ta là hội làng. Cũng có một số hội vùng là do sức thu hút của hội đó chứ không có quy định nào của nhà nước, kể cả thời có vua quan thống trị. Các hội vùng nổi tiếng như hội Chùa Hương (Hà Tây), hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương), hộ Phủ Giầy (Nam Định), hội núi Bà Đen (Tây Ninh), hội Bà Chúa Xứ (An Giang), hội đền Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá) vv…

Hội của cả nước là rất hiếm. Như hội Đền Hùng ngày nay có quy mô cả nước cũng mới ra đời từ năm 2000, sau khi có quyết định của Quốc Hội, nâng tầm vóc ngày giỗ các vua Hùng (10 tháng 3 âm lịch) làm ngày Quốc lễ.

Trong tất cả các danh mục lễ hội được tổ chức công khai trong cộng đồng, từ hội làng đến hội vùng, hội tầm quốc gia, kể từ vài trăm năm nay không thấy có loại lễ hội nào gọi là “ Lễ hội khai ấn”.

Tuy nhiên, mỗi cuối năm, trước khi nghỉ tết, các chánh văn phòng của các cơ quan nhà nước từ triều đình đến tỉnh, huyện đều thu dọn các đồ văn phòng, đặc biệt là ấn triện, niêm phong cất đi, gọi là phong ( gói ) ấn. Sang giêng, tới ngày các cơ quan làm việc, thì những người giữ ấn tại các cơ quan, lại khai ( mở) ấn ra. Đó là công việc thuần túy sự vụ hành chính, không hề có nghi lễ gì trong việc này.

THỬ DÒ TÌM TRONG LỊCH SỬ XEM CÓ THẤY “LỄ HỘI KHAI ẤN”

Nước ta bị bọn thống trị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm, khi giành được quyền độc lập tự chủ vẫn phải dùng chữ Hán. Do đó về lễ nghi, phong tục ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa Trung Hoa.

Tuy ảnh hưởng, nhưng văn hóa phong tục của dân tộc Việt Nam hoàn toàn khác với người Hán, như Nguyễn Trãi từng viết trong “ Cáo bình Ngô”:

Duy ngã Đại Việt chi quốc

Thực vi văn hiến chi bang

Sơn xuyên chi phong vực ký thù

Nam Bắc chi phong tục diệc dị.

(Như nhà nước Đại Việt ta

Thực là một nước văn minh

Núi sông bờ cõi đã riêng

Phong tục Bắc – Nam cũng khác)

Để xác định được khách quan, ta thử khảo sát việc lễ của Trung Hoa, và bắt đầu từ bộ “Lễ ký” tức là sách kinh điển về việc lễ của Trung Hoa chép từ thời cổ đại, có cả sự nghị bình từ các đời Hán - Đường - Tống - Nguyên - Minh - Thanh.

Đọc kỹ các việc lễ ở đây từ lễ thầy học đến lễ vua chúa về đủ mọi phương diện từ trung hiếu đến quan, hôn, tang, tế(1) vv… tuyệt nhiên không có một thứ lễ nào gọi là “Lễ khai ấn”. Ngoài ra còn tham khảo thêm cả Kinh Thi và Kinh Xuân Thu của chính Khổng Tử san định và trứ tác.

(1).( Quan là lễ đội mũ cho con trai đến tuổi trưởng thành. Hôn là việc cưới hỏi. Tang công việc đối với người chết. Tế là thờ cúng tế tự.)

Lại xét trong lịch sử nước nhà thì Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử lớn nhất do Lê Văn Hưu biên soạn, hoàn tất năm 1272. Sách chép từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng. Sau Phan Phu Tiên chép tiếp từ 1223 đến 1427 gọi là Đại Việt sử ký toàn thư tục biên. Hai bộ sử này tuy bị giặc Minh cướp và đốt hết, nhưng khi soạn Đại Việt sử ký toàn thư (bản đang lưu hành) Ngô Sỹ Liên có sưu tập và tham khảo cốt yếu ở hai bộ sử trên.

Sách này chép kỷ nhà Trần rất kỹ, nhưng về lễ nghi, phong tục không thấy đề cập đến cái gọi là “Lễ khai ấn”. Và trước đó từ kỷ nhà Triệu qua Đinh - Lê - Lý cũng không thấy bóng dáng “Lễ khai ấn”.

Tiếp nhà Nguyễn là thời đại chăm chút đến việc biên tu quốc sử vào bậc nhất, và họ cũng để lại cho hậu thế một khối lượng sách khổng lồ ghi chép về đủ thứ. Đặc biệt là quốc sử. Thế nhưng khảo trong bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, và cả bộ “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” đều không thể tìm ra cái gọi là “Lễ khai ấn” hoặc “Lễ hội khai ấn”.

Và điều này mới quan trọng, tức là cả bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú biên soạn hết sức công phu. Tìm khắp trong phần “Lễ nghi chí”, có đủ các thứ lễ cực kỳ phong phú, trừ “Lễ khai ấn”…