Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Tản mạn về người viết Quốc ca Việt Nam (tiếp theo)

(Nhân 60 năm ngày nhạc sĩ Văn Cao viết Tiến quân Ca)

Nguyễn Thanh Giang

 

VŨ QUÝ, một trong những lãnh đạo chủ chốt,quyền bí thư thành ủy Hà Nội giai đoạn tiền khởi nghĩa,người đã đưa Văn Cao đến với Cách Mạng và trực tiếp đặt hàng ông sáng tác Tiến Quân Ca vào tháng10/1944.

Nhưng từ đó đến tháng 8/1945, VŨ QUÝ mất tích không lý do khỏi lịch sử đảng và lịch sử VN nói chung !

Điều gì đã thật sự xảy ra ?

Chính sử,chính giới vốn rất tình nghĩa khắc ghi công đức với các đồng chí đã hy sinh thời bí mật ( như đối với Trần Phú,Hà Huy Tập,Nguyễn Văn Cừ,Ngô Gia Tự,Phùng Chí Kiên,Hoàng Văn Thụ….) sao lại im lặng và cố ý lờ cái tên VŨ QUÝ ?

Xin nhắc lại: điều gì đã thật sự xảy ra với VŨ QUÝ ???

 


VI.

Này khúc Bồng Lai… và Sông mênh mông như bát ngát hát…

Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ thiên tài, người vừa được nhận “Giải thưởng Âm nhạc Hoà bình Thế giới”, một Nobel về âm nhạc, mang tên “Trọn đời vì hoà bình” – đã nói về âm nhạc của Văn Cao như sau: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư”.

Những trí thức, những thanh niên sục sôi tinh thần cách mạng trước 1945 đã từng cuồng nộ với Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang (1941), Gò Đống Đa (1942), Thăng Long hành khúc (1943)… qua những ca từ hùng dũng: Cố bước bước trên đường thơm gió mát. Ta đi đi đi đi thăm gò xưa chất thây. Đống Đa còn chốn đây…, những Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long ngày mai. Xây đắp dưới vinh quang bằng chí khí anh hùng…

Các thế hệ học sinh sau Cách mạng Tháng Tám có lẽ không ai không thuộc bài Làng tôi. Ngày 10 tháng 2 năm 1993, sau buổi gặp giữa ông và một số trí thức Việt Nam với tổng thống F. Mitterand, hai câu: Ngày giặc Pháp đốt làng triệt thôn và Ngày khi quân Pháp qua đã được đề nghị đổi thành: Ngày giặc ác đốt làng triệt thôn, và Ngày khi quân ác qua.

Cái tâm trạng khổ đau của người dân mất nước:

Sao đàn u hoài gì mùa thu?

Sao đàn u hoài gì mùa thu?

Tri âm nghe thử dây đồng vọng

Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru

(Một đêm đàn lạnh trên sông Huế)

cái khắc khoải mông lung của một trí thức trẻ muốn tìm đường:

Sương buông chừng núi vấn vương

Tiếng chim lạ cất tiêu thương buồn trời

Cái gì cũng thấy chơi vơi…

(Đêm ngàn, 22.11.1941)

có lúc đã đưa Văn Cao, cũng như nhiều trí thức đương thời, tìm đến thoát tục. Ông tìm lại Trương Chi để được sống với Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ. Trầm trầm không gian mới rung thành tơ. Vương vất heo may hoa yến mong chờ. Ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ (Trương Chi – 1942 ). Ông đến Bến Xuân (một trong mấy ca khúc viết chung với Phạm Duy), bước đi run rẩy:

…Tới đây, chân bước còn ngập ngừng

Mắt em như dáng thuyền soi nước

…Tới đây, mây núi đồi chập chùng

Liễu dương hơ tóc vàng trong nắng

Ông thả lòng trong Chiều buồn trên sông Bạch Đằng:

Chiều dần rơi sương buông non ngàn xa trầm ngâm trên sông vắng

Bạch Đằng Giang sầu mơ bên lau xanh với bến nước xa xôi

Thuyền ai kia trôi theo dòng sông xanh không vang một tiếng người

Buồn ai đứng nhìn con sông xanh biếc ngày xưa mà nước mắt mờ rơi

Ông cứ thế, lang thang buồn rồi lạc vào Thiên Thai khi 18 tuổi. Song, nỗi buồn ông cao quý quá, đẹp quá. Nó vút lên thành: Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng…

Để ca ngợi Thiên Thai một cách muộn mằn, khiên cưỡng, Trần Bạch Đằng, cho đến năm 1986, mà còn viết: “…nếu hiện nay, Văn Cao vừa sáng tác xong bài Thiên Thai thì… đè anh xuống mà nện. Còn nửa thế kỷ trước, đó là chuyện khác ”.

Tôi thấy khó mà đồng ý được với ông Trần Bạch Đằng. Thiên Thai lúc nào cũng là Thiên Thai. Cái chốn tràn trề những nguồn hương duyên theo gió tiếng đàn xao xuyến, cái chốn Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần kia luôn luôn là niềm mộng tưởng trong sáng; là mục tiêu tột cùng của cách mạng. Tôi ước sao thanh niên ngày nay biết mê Thiên Thai để bớt sài hồng phiến, rủ nhau lao vào nhẩy xếch thác loạn; bớt lôi kéo nhau vật lộn điên cuồng làm giầu bằng mọi giá; và tán tụng hết lối ẩm thực phương Đông đến lối ẩm thực phương Tây.

Hát Thiên Thai, tôi nghĩ, sẽ cũng là một cách thiền để người ta vượt được lên trên những dục vọng vật chất tầm thường.

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Nga – chư hầu mới của Trung Quốc



Chiến tranh ở Ukraine đã biến Moscow thành đối tác cấp thấp của Bắc Kinh như thế nào

FOREIGN AFFAIRS by Alexander Gabuev – August 9, 2022

(Alexander Gabuev là một thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế – Carnegie Endowment for International Peace)

Ba Sàm lược dịch

Cuộc chiến ở Ukraine đã cắt đứt Nga khỏi phần lớn thế giới phương Tây. Bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt, bị tố cáo trên các phương tiện truyền thông quốc tế và bị tẩy chay khỏi các sự kiện văn hóa toàn cầu, người Nga đang ngày càng cảm thấy cô đơn. Nhưng Điện Kremlin có thể dựa vào ít nhất một trụ cột hỗ trợ chính: Trung Quốc. Quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã buộc Nga phải quay sang ngả mũ trước người đồng chí – gã khổng lồ Á-Âu của mình.

Trong thế kỷ 20, Liên Xô coi Trung Quốc – ít nhất là cho đến khi Trung-Xô chia rẽ vào những năm 1960 – như một người anh em họ nghèo hèn hơn, một quốc gia cần được dẫn lối chỉ đường và trợ giúp trong quá trình phát triển phù hợp hướng tới vị thế được tôn trọng. Nhiều thập kỷ sau, cục diện đã thay đổi một cách rõ ràng. Trung Quốc trong một thời gian đã tự hào về một nền kinh tế mạnh mẽ và năng động hơn, sức mạnh công nghệ lớn hơn và ảnh hưởng hơn về chính trị và kinh tế toàn cầu so với Nga. Vị thế bất đối xứng đó được dự báo sẽ chỉ trở nên rõ rệt hơn trong những năm tới vì chế độ của Putin phụ thuộc vào Bắc Kinh để tồn tại. Trung Quốc có thể sẽ ngấu nghiến được nhiều hơn trong thương mại nói chung với Nga. Nó sẽ trở thành một thị trường thiết yếu cho hàng xuất khẩu của Nga (đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên) trong khi người tiêu dùng Nga sẽ ngày càng phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Và nó sẽ tận dụng tình trạng khó khăn của Nga để khẳng định đồng Nhân dân tệ vừa là một đồng tiền quốc tế chính và lại vừa thống trị trong khu vực.

Để giữ cho Trung Quốc hài lòng, các nhà lãnh đạo Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các điều khoản bất lợi trong các cuộc đàm phán thương mại, ủng hộ vị thế của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, và thậm chí cắt giảm quan hệ của Moscow với các nước khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Việt Nam. Trong bài viết của nhiều nhà phân tích phương Tây, Trung Quốc và Nga thường xuất hiện như một cặp đôi, hai cường quốc độc tài lớn đang tìm cách thay đổi trật tự quốc tế. Nhưng mối quan hệ của họ không phải là bình đẳng. Sự phụ thuộc của Điện Kremlin vào Trung Quốc sẽ biến Nga thành một công cụ hữu ích trong một cuộc chơi lớn hơn đối với Trung Nam Hải, một tài sản to lớn trong cuộc cạnh tranh của Bắc Kinh với Washington.

MẤT CẢNH GIÁC

Trước cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine ngày 24 tháng 2, các quan chức ngoại giao và tình báo Trung Quốc đã cố gắng tìm hiểu sự tập trung quy mô của quân đội Nga tại biên giới với Ukraine và đánh giá những cảnh báo của Mỹ rằng một cuộc chiến đang diễn ra. Bắc Kinh tỏ ra nghi ngờ về những cảnh báo mà Washington đưa ra, khi cho rằng giống như nhiều chính phủ châu Âu, chi phí cho cuộc xâm lược đối với Nga sẽ lớn hơn nhiều so với bất kỳ lợi ích tiềm năng nào. Bất chấp những đồn đoán rằng Putin ít nhất đã thông báo trước một phần cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kế hoạch của ông ta, chiến tranh bùng nổ dường như khiến Trung Quốc giật mình và đặt ra cho nước này một bài toán khó: Mình nên đứng ở vị thế nào? Nếu Trung Quốc ủng hộ Nga, nước này có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và mất quyền tiếp cận với công nghệ và thị trường phương Tây, một viễn cảnh khó lường. Nhưng nếu Trung Quốc chỉ trích hành động của Putin, nó có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ của họ với Nga.

Bắc Kinh coi mối quan hệ của mình với Moscow là tối quan trọng vì một số lý do.

Hai nước có chung đường biên giới dài 4.200 km. Mối quan hệ kinh tế của họ hoàn toàn bổ sung cho nhau: Nga giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng cần công nghệ và đầu tư, trong khi Trung Quốc có thể cung cấp công nghệ và đầu tư nhưng cần tài nguyên thiên nhiên.

Nga cũng là nguồn cung cấp vũ khí tinh vi chủ chốt cho Trung Quốc, lượng vũ khí đã gia tăng trong thập kỷ qua.

Là các quốc gia độc tài, cả hai đều ủng hộ lẫn nhau trong các thể chế quốc tế, trong đó đứng đầu là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Họ hạn chế chỉ trích lẫn nhau về các vấn đề nhân quyền và thực hiện các cách tiếp cận tương tự đối với nhiều vấn đề toàn cầu, chẳng hạn như đặt ra các tiêu chuẩn về quản trị Internet mà cả hai quốc gia đều cho rằng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn ở cấp quốc gia.

Tập và Putin có quan hệ gần gũi, đồng thời có chung mong muốn đưa đất nước của họ trở lại vị thế huy hoàng trước đây. Mối giao hảo song phương được thúc đẩy bởi cảm giác bất bình và có chủ đích — chủ yếu nhắm vào Hoa Kỳ, kẻ mà Trung Quốc và Nga cáo buộc đang tìm cách phủ nhận vị thế chính đáng của họ trên thế giới — một tình cảm chỉ phát triển mạnh mẽ hơn khi mà các thể chế chính trị của Trung Quốc và Nga đã trở nên chịu ơn với lối cai trị theo chủ nghĩa cá nhân của Tập và Putin.

Những lối nghĩ đó đã định hình phản ứng có thể đoán trước của Trung Quốc đối với cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai. Bắc Kinh đã chuyển sang cách tiếp cận từng được thử nghiệm và thấy đúng đắn của mình trong các cuộc khủng hoảng trước đây do chủ nghĩa phiêu lưu của Điện Kremlin gây ra, chẳng hạn như cuộc chiến năm 2008 ở Gruzia, việc sáp nhập Crimea năm 2014 và hành động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.

Trung Quốc đã kiên định chiến thuật chân trong chân ngoài. Với những người đối thoại từ Ukraine và phương Tây, các quan chức Trung Quốc lưu ý rằng chính phủ của họ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tìm cách kết thúc nhanh chóng cuộc chiến. Với những đối tác Nga, các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng mối quan hệ thân thiết với Nga vẫn không bị xáo trộn, rằng Bắc Kinh phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây và họ chấp nhận quan điểm của Nga, rằng việc mở rộng NATO và sự sốt sắng của Washington nhằm thúc đẩy các liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu trên toàn thế giới đã tích tụ nên cuộc xung đột.

Những nỗ lực của phương Tây nhằm đưa Trung Quốc ra khỏi thế đứng trung lập này cho đến nay đã thất bại.