Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Phản biện bài báo của GS Nguyễn Phú Trọng (Phần 3)

 Nguyễn Đình Cống

Câu 4- Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở VN trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?

Đây chủ yếu là phần kể công, khoe khoang. Phải chăng ý nghĩa là sự tự hào về tài năng, sáng suốt của Đảng nói chung, của lãnh tụ và các cá nhân lãnh đạo. Sự khoe khoang là không nên. Phải chăng vấn đề đặt ra là tiếp tục công cuộc xây dựng CNXH.

Giáo sư Trọng cho rằng trước đây nhận thức sai về kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền thì nay đã hiểu được, nhưng cần thêm định hướng XHCN, rằng từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về CNXH và thời kỳ quá độ đi lên CNXH… Quá độ lên CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp.

Tại sao trước đây nhận thức sai, phải chăng là do kém trí tuệ, do bảo thủ, nay bị thực tế soi rọi mới hơi tỉnh ngộ ra, nhưng cũng chỉ tỉnh ngộ được một phần, vẫn cố tình níu kéo. Hiểu được nhưng không phải để tìm cách vận dụng những mặt hay, những điều tốt mà là để thay đổi cách giải thích và tuyên truyền mà thôi.

Cho đến nay thì từ khi Mác vạch ra con đường XHCN đã trên 150 năm, từ khi Lênin bắt đầu xây dựng CNXH ở Liên Xô đã trên trăm năm, thế mà ông Trọng phải từng bước nhận thức để hiểu được, thế thì quá chậm. Nhân dân Liên Xô và Đông Âu đã thấy rõ sự hoang tưởng của CNXH nên kiên quyết từ bỏ, đảng viên Cộng sản ở các nước đó vì tương đối có trí tuệ nên nhận ra sai lầm mà một số lớn đứng về phía nhân dân. Ở VN cũng đã có nhiều người, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng thấy được CNXH chỉ là cái bánh vẽ nên đã tìm cách từ bỏ, nhưng số đông lãnh đạo của Đảng đã đeo bám Trung Cộng, bị chúng nó lừa phỉnh mà tiếp tục ý thức hệ đã lỗi thời.

Tại sao ĐCSVN gặp phải sự nghiệp vô cùng khó khăn và phức tạp? Đó là vì đã cố tình làm sai quy luật. Giả dụ, nếu bưng tai, bịt mắt mà tin tuyệt đối vào Mác thì việc bỏ qua chế độ tư bản là làm sai quy luật do ông tìm ra. Người có trí tuệ không ai chọn cách làm sai như vậy, chỉ có những người muốn vác gậy chống Trời mới làm thế. Làm theo quy luật thì gặp thuận lợi, nhanh, còn làm trái quy luật thì phải lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp. Nhưng tại sao lại làm thế, rồi còn tự hào đã làm thế. Đó là vì muốn chứng tỏ ta đây có tài năng, có dũng khí hơn người, làm thế để thỏa mãn sự nóng vội và phần nào là kiêu ngạo. Người có trí tuệ cao không bao giờ nóng vội và kiêu ngạo như thế.

Theo Mác- Lênin thì bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ yếu là bỏ qua nền kinh tế thị trường mà kiên quyết thực hành kinh tế kế hoạch hóa, là xóa bỏ ngay tư hữu về tư liệu sản xuất. Cả hai việc đó là cơ bản và đều sai lầm. Biết thế nên GS Trọng đã sửa đổi mà viết rằng: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”.

Những điều viết ra đọc lên nghe hay, nhưng làm sao bỏ qua được những sự áp bức, bất công dưới chế độ toàn trị độc đảng, làm sao lại bỏ đi thể chế chính trị dân chủ với tam quyền phân lập là giá trị của nhân loại.

Giáo sư viết: Trước đổi mới VN vốn là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề. Sau chiến tranh, Mỹ và phương Tây đã áp đặt cấm vận kinh tế với Việt Nam trong suốt gần 20 năm. Lương thực, hàng hoá nhu yếu phẩm hết sức thiếu thốn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, khoảng 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ…. các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp”.

Trước năm 1986 VN tuy chưa có công nghiệp phát triển, tuy miền Bắc bị chiến tranh tàn phá (miền Nam cũng bị nhưng ít hơn, không đáng kể) nhưng không phải là nước nghèo. Với đồng bằng Nam bộ và đồng bằng sông Hồng, chỉ cần để cho nông dân tự do cày cuốc thì làm sao mà trên ba phần tư sống dưới mức nghèo khổ. Ai đã gây ra sự nghèo khổ ấy? Đảng lãnh đạo chứ ai vào đấy nữa. Đảng bắt nông dân vào hợp tác xã để trói buộc họ, Đảng phá nát nền kinh tế công thương của miền Nam bằng đường lối cải tạo. Tội ác ấy to lớn ngang với hoặc vượt qua tội ác cải cách ruộng đất.

Còn việc cấm vận của các nước. Lý do nào VN bị cấm vận. Có phải vì VN đã thống nhất, vì lãnh đạo muốn đi theo con đường XHCN. Không phải, hoàn toàn không phải mà vì những sai lầm trong việc không chịu rút quân khỏi Campuchia ngay sau khi đánh bại Khơme đỏ, là tạo ra tai nạn thuyền nhân, là việc trả thù người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Các nước cấm vận để trừng phạt cho đến khi VN rút quân khỏi Campuchia và có biểu hiện tôn trọng nhân quyền. Thế mà Đảng chỉ đổ lỗi cho bên cấm vận mà không chịu nhận lỗi của mình tạo ra nguyên nhân cấm vận.

Về “các thế lực thù địch”: Một việc làm dù hay dở như thế nào thì thường vẫn có người ủng hộ và người phản đối. Nhưng phản đối chưa phải là thù địch. Trong thù địch có chứa tính chất thù hận. Vậy tại sao CSVN bị thù hận nhiều đến thế? Khi ta có vài người phản đối trong một số ý kiến hoặc công việc nào đấy thì là chuyện bình thường. Nhưng khi cho rằng bị nhiều người thù hận thì sao, phải chăng ta đã gây ra nhiều thù hận?

Phải chăng vì đề cao thuyết tranh đấu bằng bạo lực, đề cao việc đấu tranh giai cấp mà CS phải luôn cần có thế lực thù địch nhằm hướng sự chú ý của đảng viên và nhân dân vào đó để tạm quên đi những điều bất công và oan trái? Đây là một mưu mô không phải do CSVN nghĩ ra mà đã có từ thời Đông Chu bên Tàu, Việt Cộng được Trung Cộng dạy bảo, huấn luyện.

Thế lực thù địch được nói đến không phải Tây, Tàu nào cả, mà chính là đồng bào, ở trong nước hoặc nước ngoài. Tuyên bố có nhiều thù địch, nhưng bảo chỉ ra con người cụ thể là những ai thì ngoài vài thành viên của Việt Tân, may ra họ kể tên được vài chục người bất đồng chính kiến, mà thật ra đó là những người chính trực, yêu nước, thương dân. Trong tình trạng hòa bình, không nước nào mà chính quyền cho rằng họ có nhiều thế lực thù địch như CSVN.

Ông Trọng viết: “Công cuộc đổi mới thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp”, rồi ông liệt kê ra các thành tích về kinh tế, giáo dục, y tế, xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân…, chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm cao của thế giới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay… Những thành tựu đó đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng XHCN là đúng đắn, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Những điều được trình bày, tuy khá dài nhưng không có gì mới, chỉ lặp lại các nhận định, các số liệu của văn kiện đại hội 13, trong đó có một số phần sự thật và một số phần không đúng.

Ông Trọng, trong lúc ra sức kể công cho Đảng đã phạm phải một số ngụy biện và nhầm lẫn về suy luận.

Ngụy biện thứ nhất là cố ý dùng sai khái niệm “Đổi mới”. Thực chất những việc làm của Đảng từ ĐH VI là sửa sai, là làm ngược hoặc xóa bỏ một phần lý thuyết Mác Lê về kinh tế, nhưng nếu công nhận như thế thì té ra Đảng đã sai à, Mác Lê có chỗ sai à. Có ai đó đã nghĩ ra và dùng từ “đổi mới” để che đậy sai lầm, lại còn bịa ra là vận dụng sáng tạo Mác Lê. Đó là sự đánh tráo khái niệm. Điều này nhiều người biết nhưng không dám nói vì sợ vạ miệng.

Những người nói nhiều đến “đổi mới” thì đa số nói theo mà không hiểu gì, một số thì biết nói sai nhưng sợ mà không dám nói khác, một số nữa biết sai nhưng cố tình nói để lừa những người nhẹ dạ cả tin. Cũng làm một việc mang lại kết quả tốt, nói là “đổi mới” thì thành tích lớn lao, cần được ca ngợi, còn nói là sửa sai thì thành tích cũng có, nhưng bé thôi và giữ được sự trung thực, giữ được đạo lý. Vì không cần giữ trung thực và đạo lý mà cần tuyên truyền về sự sáng suốt nên đành vi phạm lỗi ngụy biện về đánh tráo khái niệm. Trong tuyên truyền sự đánh tráo như vậy có thể được cho qua, còn khi làm khoa học thì không thể chấp nhận.

Ngụy biện thứ hai là đánh lận, thể hiện ở hai điều sau:

Điều đánh lận thứ nhất: Đó là nhập nhằng giữa Đảng và Chính phủ. Rất nhiều việc Chính phủ làm, lại được quy công cho Đảng với một lập luận rằng, nhờ có lãnh đạo của Đảng thì Chính phủ mới biết làm và làm được việc đó. Có thật thế không?

Trong những việc Đảng đã chủ trương, đã lãnh đạo, cần phân biệt thật rõ hai loại: Loại đương nhiên và loại riêng của Đảng.

Loại đương nhiên như động viên dân phát triển kinh tế, giáo dục, làm công trình giao thông, thủy lợi, chữa bệnh v.v… thì phần đông các Chính phủ làm giống nhau, có Đảng lãnh đạo hay không người ta vẫn làm như thế. Tuy rằng Đảng có nói đến, nhưng dù Đảng không nói đến thì người ta vẫn làm như vậy, thế thì công của Đảng ở chỗ nào? Một số việc Đảng phạm sai lầm rồi sửa sai thì không được kể là công.

Loại việc riêng, bắt buộc phải có sự lãnh đạo của Đảng là những công việc mà chỉ có Đảng mới bắt dân làm, còn thường ra, để tự do dân không ai làm, hoặc ở các nước không cộng sản không chính phủ nào làm. Đó là những việc như cải cách ruộng đất, thành lập các nông trường và hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư nhân, lập các tập đoàn kinh tế nhà nước không thật cần thiết (vì tư nhân có thể làm), cải tạo và đấu tranh tư tưởng, giam cầm lâu dài những người vô tội, không xét xử, công hữu hóa toàn bộ đất đai, là tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH, là đặt chỉ tiêu cho các loại công việc trong từng thời kỳ 5 năm v.v…

Hãy thử xem những việc của Đảng thành công đến đâu, có đáng kể công hay tìm mọi cách che giấu những thất bại thảm hại. Riêng về chỉ tiêu, đó là tàn dư của nền kinh tế kế hoạch hóa. Rất nhiều người thảo luận, biểu quyết thông qua chỉ tiêu này nọ mà chẳng biết dựa vào đâu, để làm gì.

Điều đánh lận thứ hai là về hoạt động của con người. Trước khi làm đảng viên con người đã trưởng thành, có tính cách, có nhận thức. Đó là phần nhân bản. Sau khi vào Đảng, người đó được bổ sung thêm lý luận Mác Lê, đường lối, lý tưởng. Đó là phần thuộc về tính đảng. Khi đảng viên hoạt động hai phần đó quyện vào nhau, nhưng khi phân tích, đánh giá mà gộp chung lại thì dễ phạm vào lỗi đánh lận.

Thí dụ về ông Trường Chinh, trước ĐH VI và khoán 10 trong nông nghiệp. Phần đảng trong nhận thức bảo ông rằng không được khoán, làm thế là sai đường lối, phần nhân bản mách rằng, khoán là hợp lòng người, là cứu dân. Phần nhân bản đã thắng. Đó không phải là thắng lợi của lý thuyết cộng sản. Vậy nên quy việc khoán 10 cho sự sáng suốt cộng sản, là nhầm lẫn hoặc cố tình đánh lận. Có sáng suốt, đó là sáng suốt do lòng nhân bản, còn cộng sản làm việc sửa sai.

Có một số nhận xét rằng, Đảng trước đây tốt hơn đảng bây giờ. Phải chăng đây cũng là sự nhận nhầm của nhiều người vì phần nhân bản của đảng viên trước đây tốt hơn, chứ phần tính đảng thì vẫn thế và người ta nhìn vào đảng viên để đánh giá về Đảng. Trong dân gian có câu nhận xét “Người ấy là đảng viên nhưng mà tốt”, nói về một vài đảng viên còn giữ được phần nhân bản. Tính cách tốt, đạo đức tốt của người ấy cơ bản không phải do Đảng tạo ra, mà là phần vốn có.

Thứ ba là tranh công. Thật ra tranh công không hẳn là ngụy biện, nhân tiện tôi ghép tạm mà thôi.

Thành công do một số nhân tố tạo nên, trong đó có cái chính, cái phụ. Ông cha đã tổng kết ba nhân tố chính là Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Mỗi nhân tố lại gồm một số yếu tố. Sự lãnh đạo của Đảng là một trong các yếu tố thuộc Nhân hòa khi thành công và Nhân bất hòa khi gặp thất bại.

Theo ông Trọng thì: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Câu này có một ý tranh công và một ý mập mờ.

Sự tranh công: Phát triển kinh tế của VN phần lớn nhờ vào nông nghiệp, nhờ vào đầu tư của nước ngoài, nhờ vào nỗ lực của các nhà doanh nghiêp, nhà khoa học, nhà đàm phán, nhờ vào Thiên thời, Địa lợi. Sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu là bỏ sự cấm đoán, là có phần khuyến khích một số công việc nào đó. Nếu được ai đó công nhận sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu đã là không đúng, còn tự mình nhận như thế thì đó là sự tranh công. Thử hỏi xem sự lãnh đạo trong những việc riêng của Đảng (đã viết ở đoạn trên, ví như cải cách ruộng đất) là yếu tố hàng đầu của thắng lợi nào.

Ý mập mờ: Đó là cụm từ “Thắng lợi của cách mạng”. Khi chưa bị phát hiện ý đồ tranh công trong phát triển xã hội thì để ai hiểu thế nào cũng được. Khi bị phát hiện thì có thể cãi rằng, Đảng chỉ kể công trong cách mạng chứ không phải trong phát triển kinh tế.

Để trả lời câu hỏi “Thực tiễn đặt ra vấn đề gì?” thì phải biết được đúng những sự thật tích cực và tiêu cực xảy ra trong thực tiễn cùng những nguyên nhân cơ bản. Từ Đại hội VI đã có khẩu hiệu “Nhìn thẳng vào sự thật”. Đại hội XIII vẫn nhắc lại, nhưng nhìn mà có thấy hay không, ai thấy và ai không thấy, hay thấy mà cố tình bỏ qua. Hình như GS Trọng quá thiên vị về mặt tích cực, tô hồng nó, đã được phân tích ở trên và không thấy hết hoặc coi nhẹ mặt tiêu cực.

Về mặt tiêu cực. Bài viết đưa ra nhận định: “Bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, chúng ta cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước. Về kinh tế, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, … Trong khi đó, sự cạnh tranh đang diễn ra ngày càng quyết liệt trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hoá, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên…”

Hình như chỉ kể ra vài điều cho đủ chuyện mà chưa đề cập đến những tai họa gay cấn và nguyên nhân cơ bản. Phải chăng đất nước đang phát triển trong bình an vô sự? Chống chọi với tai họa covid-19 và biến đổi khí hậu thì ta cùng làm với thế giới. Còn những tai họa của riêng dân Việt thì sao?

Nạn tham nhũng, mặc dù vài vụ án lớn đã được xét xử, nhưng nó vẫn phát triển sâu rộng và không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không chỉ ra được nguyên nhân cơ bản từ trong thể chế độc tài toàn trị. Nạn chà đạp lên công lý của hệ thống tư pháp và vi phạm nhân quyền, nạn làm hủy hoại các loại môi trường. Đặc biệt là tai họa từ phía Trung Cộng, trên Biển Đông và trên đất liền.

Hỏi rằng trong lúc say sưa với ảo tưởng xây dựng CNXH ông Trọng có biết rõ những tai họa mà dân tộc nói chung và những dân oan nói riêng đang gánh chịu? Hình như ông không biết và không muốn biết. Vì sao vậy? Điều này ông tự biết và mọi người cũng biết, chỉ là biết rồi để đó.

(Còn tiếp)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét