Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

MỘT NHÂN CÁCH QUÝ HIẾM ĐÃ RA ĐI

 Nguyễn Ngọc Chu


Lại một nhân cách quý hiếm nữa ra đi. Nhà văn Sơn Tùng đã rời cõi tạm lúc 23 giờ 5 phút ngày 22/7/2021 ở tuổi 94. Xin cúi đầu vĩnh biệt Ông.

Xin đăng bài nói chuyện (lược ghi) của nhà văn Sơn Tùng ngày 27/4/2001 tại Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo để bày tỏ lòng kính trọng Ông.

Bài nói chuyện cho ta biết thêm nhiều điều về nhân cách của nhà văn Sơn Tùng, và vén một phần bức màn thế sự của một giai đoạn lịch sử. Sự quý hiếm của Sơn Tùng không chỉ nằm ở nhân cách kẻ sĩ, mà còn ở sự sáng suốt nhận ra sự nhầm đường. Kính phục hơn nữa là ở lòng quả cảm nói thẳng về sự nhầm đường.

Bài sao lại từ FB của nhà ngoại giao Nguyễn Đình Bin - có nguồn gốc từ blog Anh Ba Sàm. Xin cảm ơn anh Nguyễn Đình Bin và anh Ba Sàm.

* * *

…Xin giới thiệu, bác Sơn Tùng là nhà văn mà nhiều người đã biết đến, qua các tác phẩm của bác. Trong buổi nói chuyện hôm nay, bác sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin rất bổ ích. Mặc dù bác đang mệt, nhưng rất nhiệt tình với chúng ta, bác vẫn nhận lời nói chuyện với trường chúng ta hôm nay.

Bây giờ tôi xin nhường lời cho bác Sơn Tùng.

 

Kính thưa thầy Hiệu Trưởng,

Kính thưa các thầy, các cô giáo,

Trường cán bộ quản lý giáo dục đào tạo của cơ quan giáo dục, bất luận thời nào đi nữa, thì giáo dục vẫn là nền tảng quan trọng. Vì, không tôn sư thì không thể có Đạo được. Dù phong kiến, đế quốc, tư bản, xã hội chủ nghĩa đi nữa… nếu không trọng thầy, không yêu thầy học (muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy), là không phải đạo. Vì vậy, nói đến giáo dục, đã không có thì đành vậy, còn đã là có chữ thì phải biết ơn thầy. Làm đến ông vương, ông tướng cũng phải qua thầy học, làm nhà văn đi nữa thì trước hết phải yêu từ cô giáo vỡ lòng dạy mình từ buổi thiếu niên đến thầy dạy tiểu học, rồi phổ thông lại lên đại học…

Vừa qua thời tiết chuyển đổi đột ngột, ít khi nào sang tháng tư, qua tháng ba, thanh minh rồi, mà Hà Nội thời tiết 16 độ, cái thời tiết nó rất găng, như ngày hôm qua tôi tưởng không đến được nhưng vì đã nhận lời thầy Huấn từ mấy tuần trước. Sáng nay thầy Huấn đến cũng biết tôi đang nằm ngoạ thiền chứ không tọa thiền thì sáng nào tôi cũng làm, 2h sáng tôi ngồi thiền, 3h rưỡi sáng tắm nước nóng, dậy đọc sách, đến 5h nằm thiền điều trị vết thương sọ não.

Hai hôm nay tôi không ăn, hôm qua, do thời tiết đã đành, lại nữa có mấy cái hội nghị 11, 11b, rồi 12… mới bế mạc hôm qua. Thế thì những vấn đề này nó gắn liền với sự tồn tại, sự sống còn của đất nước. Vì Đảng ta là Đảng lãnh đạo đất nước từ năm 1930, làm nên những sự nghiệp rất lớn, trước hết là sự nghiệp cứu nước. Ba mươi năm chiến tranh, không ai muốn điều ấy làm gì. Người ta muốn làm nhà khoa học, làm nhà giáo… không ai muốn làm người anh hùng trong chiến tranh. Làm người anh hùng trong chiến tranh thì hàng nghìn, hàng vạn người ngã xuống. Đó là cái bất đắc dĩ của dân tộc.

Nhưng từ một phần tư thế kỷ nay, Đảng ta sa sút xuống đến mức không tưởng tượng nổi so với trước đây, nhân cách nhiều người cộng sản không còn. Nhân cách không còn, vì tham nhũng đến mức không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, sự nghiệp của Đảng ta vẫn chói lọi thôi; nhân dân thì vĩ đại, nhưng những người có trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân không giữ được nhân cách. Họ đem cái tham nhũng làm hại cho toàn Đảng, cho nhân dân ta. Mặc dù vậy, vị thế của dân tộc Việt Nam vẫn đứng ở vị trí lớn. Dù nó là nước nhỏ, nước nghèo, còn sự thực thì dân tộc ta, nhân dân ta, cái hưởng thụ về văn hoá, về tinh thần của dân ta so với các nước Đông Nam Á, với khu vực của ta, là cao. Vì ngay bây giờ ở Đại học Tổng hợp có cả đoàn sinh viên do ba giáo sư nổi tiếng ở Washington dẫn đầu sang ta để nghiên cứu về Bác Hồ. Đoàn ở đây độ ba tháng, nay mới được tháng rưỡi, đã đi Tân Trào, Pắc Bó về. Đoàn gồm những sinh viên xuất sắc về sử Việt Nam và ba giáo sư đem theo cả gia đình con cái. Họ có mời tôi cùng đi nhưng vì sức khoẻ tôi không đi được.

Vấn đề trong mấy hội nghị trên là phe phái, phe cánh, mất đoàn kết trong lãnh đạo cao nhất. Như trước đây tôi có dịp nói được một phần sự hình thành nhân cách của Bác Hồ. Nói đến cái đó là trong cái nội gia đình của Bác. Nhân cách của con người ra đời, trước hết phải là gia đình, bước vào đời phát triển như thế nào bao giờ cũng bắt đầu từ gia đình, trường học. Nói trường học là có cả xã hội, có làng xóm quê hương. Tôi cố gắng nói một ý như vậy, ngắn hay dài tuỳ thuộc vào sức khoẻ. Nhưng trước hết tôi dành một số thời gian để nói về Đại hội 9 sắp tới đây.

Ngày 19 tháng 4 nay, ra Đại hội chỉ để quay phim, chụp ảnh, chứ mọi việc nó đã như bước một ở hội nghị Trung ương 12, hôm nay Trung ương nghỉ.

Tôi viết về đề tài Bác Hồ và danh nhân cách mạng rất quan tâm đến vấn đề từng con người có trách nhiệm đến vận mệnh quốc gia, từng sự kiện của đất nước thì Đại hội Đảng là một sự kiện lớn.

Ít nhiều thì tôi vẫn nhớ đến cái đại hội Đảng IV cuối năm 1976, hôm nay nhắc đến Đại hội IV năm 1976. Đại hội kết thúc chiến tranh 30 năm với nhiều hy vọng và chờ đợi bao nhiêu năm sau khi đuổi được đế quốc rồi, nhân dân sẽ trở lại cuộc sống yên bình, dù đói cơm rách áo đi nữa, thì cái vinh quang là của những con người chiến đấu vì dân tộc suốt bao nhiêu năm. Nhân dân có thể vẫn còn đói vì phải khôi phục kinh tế, khó mà no được, nhưng thể hiện được Nam, Bắc một nhà, hoà hợp dân tộc. Thắng là thắng đế quốc thắng ngoại xâm, chứ không có chuyện Bắc thắng Nam, Nam thắng Bắc. Một bà mẹ thờ cả hai sắc lính của hai con vì đất nước chia hai miền. Có cuộc xung đột ấy thì bà mẹ miền Nam thờ con là lính giải phóng và thờ cả người con ngã xuống nếu là lính quốc gia đi nữa, thì đó là cái nhất thời trong cái biến cố của dân tộc. Còn lòng mẹ cụ thể trong nhà phải có như bất cứ người Việt Nam nào trong hoàn cảnh đó.

x

Ông cha ta xưa đã có như vậy. Đánh xong giặc Nguyên thì Trần Nhân Tông đốt tất cả các văn bản là những gì có liên quan đến con người chia rẽ. Đốt để phục hồi lại cái hoà hợp dân tộc. Ai đã từng ra gươm chống lại dân tộc đến giờ phút ấy bỏ …Trần Hưng Đạo về Kiếp Bạc, vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử đi tu, giao lại tất cả cho lớp người trẻ. Đội quân vinh quang trong chống xâm lăng sự nghiệp đến đó xong chỉ để lại người con rể của Hoàng triều là Phạm Ngũ Lão giúp vua giữ lấy cái truyền thống nề nếp từ trước. Nếu để Trần Hưng Đạo lại, vậy Trần Quang Khải thì sao, để ông con rể nhà Trần thì tiệu hơn, không có con ông này, con ông kia. Ông cha ta xưa đã làm như thế.

Nhưng ở đại hội 4 của ta thì khác đi, mười năm sai lầm làm kinh tế, không có áo may ô mà mặc. Họp chi bộ đem ra bình ai bắt thăm áo may ô hay săm xe đạp… Có khó khăn sau chiến tranh là dễ hiểu, nhưng người lãnh đạo phải nhìn thấy vấn đề. Tất cả vì Tổ quốc vì nhân dân, sau bao nhiêu năm kiệt quệ như thế này thì đoàn kết một lòng, kêu gọi sự giúp đỡ của các nước bạn và thế giới. Và mỗi người lãnh đạo phải sống như nhân dân, có trách nhiệm trước nhân dân. Đây lại không như thế, chúng tôi là những người chiến đấu ở miền Nam, tôi ngã xuống ở miền Đông Nam bộ, ở gần ông Nguyễn Hữu Thọ.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận, đi dưới lá cờ nửa đỏ nửa xanh, lá cờ mặt trận nhưng nó vẫn mang cái hồn Tổ quốc bị chia cắt, chia đôi. Tấm gương của ông Nguyễn Hữu Thọ lớn lắm, một trí thức lớn. Và những người như Huỳnh Tấn Phát, nhà giáo Nguyễn Văn Đoá… chúng tôi đề nghị những người đó vào Trung ương. Trung ương Đảng ta là Đảng trí tuệ thì đưa những người trí tuệ ấy vào là xứng đáng. Nguyện vọng như vậy nhưng không được. Rồi đề nghị đưa lá cờ nửa đỏ nửa xanh vào bảo tàng thiêng liêng, bảo tàng lịch sử, nhưng cái bài học lịch sử ở Đại hội 9 này bây giờ nó mới vỡ ra. Họ chen vào Trung ương, để mà phá, xin lỗi, là những người vô học vào nắm chức quyền cao để mê hoặc nhân dân.

Năm 1960 kỷ niệm đảng ta 30 năm, Bác Hồ nói giữa nhà Hát lớn: Đảng ta là Đảng trí tuệ, Đảng văn minh rồi. Nói như thế tức là Đảng đã thấy rất dễ đi vào “giai cấp” hẹp hòi. Bây giờ họ sai lầm đến mức nói đi theo con đường Bác Hồ đã lựa chọn, có đi theo Bác đâu, Bác Hồ là: Đảng lao động, lao động trí óc, lao động chân tay, Nước ta là: nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Trước hết là Dân Chủ, còn xã hội chủ nghĩa là ước mơ, còn lâu lắm. Đức phật là: đưa con người trở về với sự công bằng, sự nhân ái mà đến nay đã 2600 năm chưa thực hiện được. Vậy mà làm sao hôm nay bỗng chốc trong vòng năm bảy chục năm đưa lại cái xã hội Cộng Sản có ngay được (?). Đó là lý tưởng, là ước mơ…Loài người đi hàng vạn năm rồi, làm sao lại có một thể chế có thể thay đổi tất cả chỉ trong vòng mấy chục năm thôi! Không phải.

Thế rồi, từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà lại đổi thành Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa, rồi Đảng Lao Động thành Đảng Cộng Sản… những cái mà Bác Hồ đã đặt ra thì người ta xoá bỏ. Và năm đó họ định sau Đại hội 5 sẽ dời thủ đô vào Đắc Lắc. Dự kiến đó là của ông Lê Duẩn đã nói ở Vũng Tàu trong cuộc họp các cán bộ mở rộng. Nếu chuyện đó đã rồi thì ngày nay làm gì có kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long sắp tới. Có phải cứ muốn chọn chỗ cho đế đô ở đâu thì chọn.

Không phải! Nó là cả bao nhiêu yếu tố hợp thành, hội tụ lại. Từ trong hang động Hoa Lư chuyển ra giữa đồng bằng sông Hồng này, đất Thăng Long này, là cả một hình thành, trưởng thành của dân tộc. Từ chỗ vua ở hang động, vua Lý Thái Tổ chuyển ra giữa thanh thiên bạch nhật, trên cái thế “Voi quỳ Hổ đứng”, cả cái Tam Đảo, cả cái Ba Vì chầu về đất thiêng, từ đông bắc Côn Sơn đều quay về đây cả. Thế mà định dời bỏ cái Hà Nội, cái Thăng Long như không. Không được! Rồi bỏ luôn quốc ca, may sao dân đấu tranh mãi mới giữ được cái Quốc ca. Người ta nói Quốc ca cũ không đủ tầm vóc Xã hội chủ nghĩa thì bỏ. Quốc ca là của hàng triệu con người. Thi mãi và chi rất tốn tiền mà chọn được 17 bài nhưng hát không ai chịu nghe cả. Cuối cùng lại trở lại bài “Tiến quân ca” của Văn Cao. Hồi đó người ta hiểu lầm, có lẽ ông Văn Cao “Nhân văn Giai phẩm” nên họ bỏ quốc ca, không phải! Ông Văn Cao không phải là cái lí do, mà vấn đề là ở chỗ họ muốn làm lãnh tụ, muốn đưa ra học thuyết, muốn vượt lên tất cả… Cụ Hồ là lạc hậu, là nho giáo, cỗ xe nho giáo ấy đã hết thời, miệng ông lãnh đạo nói thế.

Từ ông Tổng tư lệnh, Đại tướng phong ngày 28-5-1948 tại rừng Tuyên Quang, mà cả Quốc hội, Chính phủ phong Đại tướng đầu tiên cho một người trí thức, cử nhân luật, cử nhân kinh tế giỏi, là Chủ tịch Hội nhà báo năm 1937 là Võ Nguyên Giáp… đến phong trung tướng cho một ông giang hồ tứ chiêng, giang hồ tứ chiêng là lấy của nhà giàu chia cho người nghèo. Cái giang hồ của ông Nguyễn Phương Thảo tức Nguyễn Bình là thế, mà Bác Hồ giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Bình vào Nam lúc đó chưa phải là đảng viên, ông Bình xúc động quá nói:

- Thưa Bác, tôi chưa phải là đảng viên cộng sản, tôi vốn là đảng viên Quốc dân đảng, đi ra Côn Đảo bị giam chung với Trần Huy Liệu rồi chuyển sang và đi theo đường lối của Nguyễn Ái Quốc. Bác giao cho tôi vào phụ trách quân sự toàn miền Nam mà tôi chưa phải là đảng viên.

Bác Hồ nói với Nguyễn Bình:

- Tổ quốc trên hết! đảng viên ư? Tổ quốc trên hết. Đất lửa miền Nam chỉ có chú vào phụ trách quân sự toàn miền Nam mới tập hợp được các giáo phái.

Bấy giờ Nguyễn Bình vào Nam làm liên khu trưởng, Quân khu trưởng nhưng chưa phải đảng viên. Cho đến ngày 28-5-1948 ông được phong Trung tướng.

Bác sử dụng người có tài vào địa hạt nào, công tác nào là phát huy được cái đó. Nguyễn Bình tập hợp được nhiều giáo phái, thì đến hết năm 1947, Bác đánh một cái điện cho Bảy Viễn, tướng Bình Xuyên. Thế là Bảy Viễn kéo tất cả quân của ông ta ở rừng Sác đi theo Nguyễn Bình, nhập vào đại quân. Sau đó “có người” phá, chia rẽ giữa Bảy Viễn với Nguyễn Bình nên Bảy Viễn quay vào Sài Gòn nhận thiếu tướng của quân đội Pháp và tuyên bố: Nhận thiếu tướng nhưng không bao giờ đi đánh trận nữa mà ra làm khai thác gỗ. Những người đàn em của Bảy Viễn hỏi ông là: Không đi đánh nữa thì đàn em bao giờ được lên? Bảy Viễn nói: ta lỡ bước, ta đã hiểu Cụ Hồ nhưng không đi trọn được con đường của Cụ Hồ là vì “cán bộ” họ chia rẽ ta với Nguyễn Bình. Và ông ở vậy cho đến thời Ngô Đình Diệm lên diệt giáo phái thì ông mới sang Pháp.

Tức là con đường Bác Hồ là con đường thu vén tất cả dân tộc vào, chứ không có giai cấp, không đặt giai cấp lên trên dân tộc, xã hội có giai cấp nhưng không đặt giai cấp lên trên dân tộc.

Đầu tiên khi về Pắc Bó, Bác nói với ông Đồng, ông Giáp, ông Lê Quảng Ba, ông Chu Văn Tấn, lúc đó, các ông gần gũi Bác, và cả ông Trường Chinh nữa, là

“Gác cái khẩu hiệu giai cấp lại, bây giờ là vấn đề dân tộc, dân tộc không giải phóng được thì ngàn đời không thể giải phóng được giai cấp. Nhân dân ta là một khi. Tổ Quốc lâm nguy thì ông địa chủ đến người cố nông, đều một lòng chống giặc, vì thế là vấn đề dân tộc giải phóng”.

Thế nhưng Đại hội 4 chúng ta, thì nó trật từ cái này. Nếu nói là làm theo di chúc của Bác, không nói cái gì xa, Di chúc Bác để lại là phải chuẩn bị khi giải phóng Miền Nam. Cho nên trong Di chúc của Bác có câu:

- Cuộc kháng chiến chỗng Mỹ có thể còn kéo dài mấy năm nữa.

Các ông ấy lại đem bỏ cụm từ “mấy năm nữa” đi, cho là “còn kéo dài”. Lúc đó, trong bộ chính trị tất nhiên có người đưa ra, nhưng được Bộ chính trị thông qua: – Có khi Bác chủ quan. “mấy năm nữa” chắc gì?

Năm 1941, khi Bác về Pắc Bó có bài ca lịch sử kể từ đời Hồng Bàng đến các vua Hùng cho đến các đời vua… và cuối cùng nói “năm 1945 thì cách mạng hoàn thành”. Lúc đó có người tưởng Bác nói thế để động viên, không phải.

Đến năm 1960 Bác ghi là “15 năm nữa sự nghiệp thống nhất hoàn thành”, vậy nên khi viết Di chúc Bác nói: - “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài mấy năm nữa”, và thực tiễn xảy ra đúng là “mấy năm nữa”, nhưng lúc đó Bộ chính trị bỏ cụm từ: “mấy năm nữa”?!

Trong Nam thì phải lo kinh tế từ bây giờ, tức là lo công ăn việc làm, ngoài Bắc này thế nào trong ấy cũng phải như thế. Trước hết, sau khi kết thúc chiến tranh, việc đầu tiên là khôi phục kinh tế, tranh thủ sự viện trợ của bạn bè, nâng cao từng bước, chưa vội làm ăn lớn. Nhưng ta lại đề ra 15 năm nữa phải đuổi kịp Liên Xô, 20 năm nữa đuổi kịp Mỹ. Kịp cái gì? Nói cho oai thôi chứ một dân tộc 30 năm bao nhiêu lực lượng trẻ, khoẻ ra mặt trận, bao làng mạc, thành phố bị san bằng mà làm sao đề ra 15 năm vượt Liên Xô, 20 năm đuổi kịp Mỹ…thì xa lạ quá…

Mà Bác Hồ đã dặn rồi: Ta đánh Mỹ là cái thế phải đánh, bởi vì Mỹ không từ bỏ ý chí xâm lược, ta phải đánh, đánh xong thì bắt tay với họ. Bác cố tránh để không xảy ra cuộc chiến tranh với Mỹ. Bác cho người viết thư cho Ngô Đinh Diệm. Lúc đó có hội nghị ba nước Đông Dương ở Phnôm Pênh, Bác định đến đó…có thể gặp Ngô Đình Diệm nhưng lúc đó Cabốtlốt thấy tình hình đó nó đảo chính ngay, diệt hai anh em Ngô Đình Diệm. Bây giờ nhiều đồng chí ở Miền Bắc còn nhớ Bác nói: – ông Diệm có cách yêu nước của ông ấy, đừng có gọi bằng thằng, người ta có tuổi rồi. Cách nhìn của Bác như vậy, sau này có học trò của Bác lầm tưởng rằng Bác nho giáo dĩ hoà vi quí, đâu có phải! Truyền thống của dân tộc ta là như vậy.

Trong Đại Hội 4 hạ tên nước, thay tên Đảng, nêu lên trong 5 năm nữa thì có tivi, có tủ lạnh cho nông dân. Những năm đầu tiên thấy được đời sống có nâng lên nhưng không … (đoạn này bị mất) 500 huyện là 500 pháo đài kinh tế, quân sự, dồn làng lại… Lúc đó cũng có nhiều đồng chí kiến nghị, đề nghị gặp Tổng bí thư Lê Duẩn, nói:

- Thưa đồng chí, xóm làng Việt Nam hình thành những cái làng văn hoá có từ hàng nghìn năm, có làng ít thì 300, 500 năm mà nay xoá những cái làng văn hoá cổ như thế thì mất hết. Văn hoá Việt Nam là văn hoá làng xã.

Xin lỗi, ông Lê Duẩn nói: Ngu, Ngu.

Thế là giáo sư Lê Văn Thiêm lủi thủi ra về. Còn giáo sư Trần Đức Thảo mắt thì cận, cả đời ông không đi đâu. Ông là nhà triết học, cả nhà toàn sách là sách, ông viết được cái gì thì đưa cho cụ Đồng đưa ra đăng báo ở nước ngoài (ông chỉ nói được thôi chứ không viết được bằng tiếng Việt nên công trình của ông là bằng tiếng Pháp). Ông được ông Duẩn mời lên để hỏi ý kiến, ông nói thẳng, nói thật ý kiến của ông, thì đuổi ông. Một ông mắt cận (là Trần Đức Thảo) ra đứng giữa đường Hoàng Diệu mà không biết đi đường nào là Phan Đình Phùng hay đi Điện Biên Phủ.

Nói lại (những chuyện này) để các thầy các cô biết và nhắc lại cái bài học lịch sử khi người đứng đầu mà sai lầm thì nguy lắm, sai một ly đi một dặm. Sai của ta nó ở trong trường thôi; sai của người đứng đầu của dân tộc thì nó sẽ đẩy lùi phải mất mười năm. Từ 1976 đến 1986. Đấy! Phải đi đến Đại Hội đổi mới, bước đi phải thế nào, thế nào… sau Đại hội 6 thì đổi mới đấy nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Vấn đề là con người lãnh đạo. Hôm nay thì nó như thế nào…xin thông tin cho các thầy các cô biết, sau ngày 19, 20, Đại hội 9 công khai rồi ta cũng biết thôi, nhưng biết thì ta cũng chỉ biết vậy, còn bên trong của nó thì chưa nói hết được.

Hội nghị Trung ương 11, 11b, gần đây 12 mới xong hôm qua, diễn ra sôi động quá.

Ở hội nghị 11a thì các cố vấn quyết định thi hành kỷ luật Tổng bí thư và kiên quyết cách chức trước thềm Đại hội 9. Về phía Tổng bí thư thì kiên quyết phản công lại cố vấn. Đó là nguy cơ chứ! Hôm nay thì giải toả được rồi, nhưng nay nó lại như thế thì con cái nó sợ vô cùng chứ! Sợ vì đất nước đang đứng trong một tình thế bất ổn, trong khi Tây Nguyên thì như vậy.

Nhưng trước hết ta “Tiên trách kỷ…”. Cửa ngõ Tây Nguyên như vậy, sau khi giải phóng miền Nam thì ông nào cũng trở về ở thành phố, thỉnh thoảng lên nói vài câu rồi vội vàng về để tắm bình nước nóng lạnh, chứ có ai ở với đồng bào đóng khố, khổ…nên không ai ở đó với họ. Rồi đi lấy đất đai của họ bán cho các nhà kinh doanh, mua rẻ đất của họ, bán đắt cho các nhà kinh doanh lập trang trại. Như vậy, họ thấy đất đai của cha ông họ mất dần đi, không còn như thời chống Mỹ.

Vừa rồi ông Nguyên Ngọc, tác giả “Đất nước đứng lên”. Ông có làm một công trình điều tra cơ bản về Tây Nguyên, mà ông làm từ 1999, 16 trang, một tiếng kêu về Tây Nguyên. Có những nhà văn họ nghiêm cứu đi thẳng vào một vấn đề lớn như vậy mà không nghe. Bây giờ xảy ra rồi mới hỏi: - À, ông Nguyên Ngọc nói hay, thì còn gì nữa? Khi thấy hay thì việc đã rồi. Tất nhiên có bàn tay bên ngoài, nhưng không kín trên thì không bền dưới, trong không ấm thì ngoài không êm. Tôi đã nói câu này với ông Đỗ Mười, có cả ông Nguyễn Đức Bình là giáo sư (tuy gọi là giáo sư đó, nhưng người ta nói giáo sư gì mà chẳng có công trình nào cả, nhưng ông Nguyễn Đức Bình là uỷ viên Bộ chính trị…). Tôi nói tại số 4 Nguyễn Cảnh Chân, văn phòng tổng bí thư ngày 14/12/1994. Tôi nói rằng:

Tổng bí thư mà để người ta “đánh” tôi, người ta bảo tôi là người xuyên tạc Bác Hồ. Tôi xin với Trung ương cho tranh luận công khai trên báo Nhân Dân và các phương tiện thông tin. Tôi đưa tư liệu của tôi, tôi nói Bác Hồ sinh ra trong một gia đình nhà quan, tôi đưa tư liệu nhà quan. Còn các nhà nghiêm cứu Hồ Chí Minh học thì nói Bác Hồ sinh ra trong gia đình bần cố nông, thì đưa tư liệu bần cố nông ra, để người đọc phân định. Nói tôi lợi dụng đề tài Bác Hồ để hạ thấp Bác Hồ, nói Bác Hồ có người yêu là hạ thấp Bác Hồ, nói Bác Hồ thành phần bóc lột sinh trong nhà quan là hạ thấp Bác Hồ, Bác Hồ là người của giai cấp…

Ông tổng bí thư mời tôi lên ngày 14/12/1994, tôi đề nghị một phương án là cho đăng công khai lên báo bằng văn bản, bằng tư liệu, chứ đừng lý luận chung chung. Ông nói cụ Hồ thế này…tôi bảo cụ Hồ thế này…tất nhiên bây giờ ta phải tôn trọng cái hiện tại nhưng đứng về góc độ nghiêm cứu vĩ nhân thì ta nên xem xét lại.

Sự thật tôi đưa ra ngày (sinh của Bác) này là tôi có lá số Tử vi, các cụ để lại giấy thời đó, mực thời đó. Bây giờ mà cứ ép tôi là buộc tôi phải đưa ra nước ngoài. Tôi không phải loại người dùng nước ngoài để ép bên trong. Không. Tôi không phải là loại người đó. Bố mẹ con cái có việc gì thì nói trong nhà, chứ không phải chạy sang hàng xóm chửi đổng về. Tôi không thích cái đó. Nhân lúc đó tôi mới nói với đồng chí Đỗ Mười là phải “kín trên bền dưới”.

Tôi đã nói ở trường Chí Linh (Hải Dương) ngày 20/11/1990, ngày nhà giáo, là trong Bộ chính trị ta chỉ có vài người đếm trên đầu ngón tay là không đụng đến đồng tiền bát gạo của dân, mà tôi nói trước Đại Hội 7, còn tất cả là tham nhũng hết.

Có người đề nghị bắt tôi, tôi nói bắt cũng được, không sao cả, tôi nói vì sự sống còn của dân tộc, của Đảng. Tôi nói là có căn cứ, có tài liệu, không vu khống ai cả, nếu vu khống thì lôi vào tù. Tôi nói “trong ấm ngoài êm” đây không phải là chuyện gia đình nữa, mà là chuyện đất nước, trong không ấm thì ngoài không êm. Nội bộ trong vương triều mà lục đục thì nổi lửa biên cương ngay.

Ví dụ như trong chúng ta đây này, bọn tham nhũng, bọn cơ hội thì Trung ương bợ đỡ, còn anh em trí thức, các nhà khoa học thì đồng lương thấp đến như thế này…đối xử như thế này…Tôi có bảng thống kê đây, tôi là nhà văn, hiện nay những nhà văn cơ hội thì được sống sướng thế này…còn nhà văn này…nhà văn này…bốn thế hệ ở trong một cái buồng 18m vuông, như là nhà văn Siêu Hải, nhà văn Mạc Phi, nhà văn Minh Giang…hàng loạt, họ toàn tham gia đi trước cách mạng và kháng chiến cả, toàn trí thức cả, học Albert Sarraut có, học trường Bưởi có mà bây giờ như thế này…bốn thế hệ ở trong một cái nhà như thế…Nhưng sau đó, nói đáng tội thì nhà văn Siêu Hải, được phân nhà. Ông năm nay cũng gần 80 tuổi rồi, ông ở 66 Hàng Chiếu có 18m vuông mà ở gác ba, 9 người, một ông đại tá pháo binh. Lúc đó ông Đỗ Mười mới nói với ông Lê Khả Phiêu (bấy giờ thường trực Bộ chính trị) giải quyết cho ông cái nhà ở Nghĩa Tân. Còn ông Mạc Phi, chuyên gia Tây Bắc, chưa kịp giải quyết cái nhà cho ông thì ông đã chết mất rồi. Ngày 19 tháng 5 này là giỗ 5 năm ông Mạc Phi. Ông bị quy là “Nhân văn giai phẩm” bị đầy lên Tây Bắc rồi không về nữa, ở lại trên đó nghiêm cứu về văn hoá Thái, viết tiểu thuyết. Ông thì “nghiện” tiếng pháp nên đọc toàn bằng tiếng Pháp, ở dưới này gửi báo Europe lên cho ông đọc thì theo dõi ông và nghi ông là việt gian thực sự rồi. Đến khi Bác Hồ lên thăm Tây Bắc, có Đại Tướng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên, thì ở cơ quan “phân công” ông lên Mường Tè. Ông nghe đài đưa tin Bác lên thăm Tây Bắc, ông phàn nàn ông không được ở nhà để đón Bác.

Có ông anh em cọc chèo với ông mới nói nhỏ cho ông biết Bác lên thăm Tây Bắc, để đảm bảo “an toàn” (cho Bác) người ta điều chú lên đó. Bác về rồi mới cho ông trở lại. Tất nhiên sau này ông cũng được giải oan nhưng có những sai lầm đến như vậy.

Tôi nói từ Đại hội 4, sau kết thúc chiến tranh ta sai về đướng lối dẫn đến tình trạng này kéo dài cho đến Đại hội 6. Đại hội 6 lúc đó ông Lê Đức Thọ muốn làm tổng bí thư, không ai nói, nhưng tất cả mọi người đều biết rõ ông ấy là ai.

Lúc đó, cụ Trường Chinh đi Liên Xô về rồi, ông Lê Đức Thọ gọi ông Vũ Quang (lúc đó là trưởng ban đối ngoại trung ương, nguyên bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn), nói:

Báo cáo lại tình hình ông Trường Chinh trao đổi với bên kia thế nào?

Ông Vũ Quang nói:

- Tôi là thành viên của đoàn, đi phục vụ Tổng bí thư, báo cáo cái gì với ai phải được Tổng bí thư cho phép. Đồng chí là Uỷ viên Bộ chính trị phụ trách tổ chức thì các đồng chí làm việc với nhau, tôi là thành viên của đoàn, chỉ là uỷ viên Trung ương phụ trách đối ngoại, báo cáo như thế này là phạm kỷ luật.

Ông Thọ lại gọi đến Nguyễn Khánh, lúc đó Nguyễn Khánh là Chánh văn phòng trung ương Đảng. Khi đồng chí Trường Chinh xem danh sách dự kiến bầu Trung ương thì thấy gạt Vũ Quang ra. Ông nói:

- Đảng chủ trương trẻ hoá lãnh đạo, tại sao Vũ Quang trẻ như thế này lại gạt ra?

Ông Thọ nói: – Vũ Quang có vấn đề, người ta đang tố cáo!!!

Trước tình hình lúc này, cụ Trường Chinh ở lại làm Tổng Bí thư, ông Duẩn mất rồi. Mà đồng chí Trường Chinh làm Tổng bí thư, thì cụ Đồng làm chủ tịch nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ làm Thủ tướng. Ông Thọ rất sợ lộ cả quá trình của ông âm mưu. Nói để ta biết, hậu quả của nó đến cả Đại hội 9 này đã ra văn bản rồi.

Ai cũng biết ông Giáp, cử nhân luật kinh tế, năm kết thúc chiến tranh ông mới 64, 65 tuổi thôi. Ông đã từng chỉ huy trong chiến tranh, đã tổ chức lực lượng. Ông biết thế nào là “mũi nhọn”, thì ông bị bịt lại. Lúc bấy giờ ông Tạ Quang Bửu còn sống, ông có viết bài báo Tổ quốc “Những mũi nhọn là đồng chí Võ Nguyên Giáp, phó thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật. Viết bài đó là hơi sớm, thì tất nhiên cuối cùng ông Bửu bị (ông Thọ) gạt đi. Thế là đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Phạm Văn Đồng, các ông làm sao mà biết được ý đồ của họ? Từ đó dẫn đến chuyện “cố vấn”. Trong điều lệ Đảng chưa bao giờ có chuyện cố vấn. Đại hội 6 này, ông Thọ biết ông không được nữa rồi, ông mới đặt ra chức cố vấn. Các đồng chí đọc cuốn “Những kỷ niệm về Lê Đức Thọ”, mới xuất bản nhân dịp giỗ ông ấy, đồng chí Nguyễn Đức Tâm viết bài trong cuốn này. Ông tâm viết:- Tại sao trong Đại hội 6 lại chọn ông Nguyễn Văn Linh lúc đó chưa là Uỷ viên Bộ chính trị (ông là uỷ viên Bộ chính trị từ Đại hội 4 nhưng mà bị gạt ra), còn khi được chọn làm Tổng bí thư thì ông chỉ là Uỷ viên Trung ương. Ông Nguyễn Đức Tâm nói công khai trong sách đó. Tức là Thọ biết mình không được nữa thì chọn một người mà ai cũng chấp nhận được là ông Linh. Thế là ông ấy đặt ra chức “cố vấn” để ông ấy cùng được ở trong với ông Trường Chinh và ông Phạm Văn Đồng. Và họ đưa ra cái văn bản Võ Nguyên Giáp là con nuôi chánh mật thám Pháp ở Đông Dương…ghê gớm quá!

Một ông Tổng tư lệnh đánh xong giặc rồi, hiện nay đất nước thanh bình lại tạo dựng là con nuôi mật thám! Họ làm như thế thì lòng tin nào còn? Ông Giáp đâu có phải như thế! Ông thống soái toàn bộ tướng lĩnh, làm việc với toàn những người sống bằng lương tâm, sống bằng danh dự chứ, sao lại con nuôi mật thám được. Đâu có phải cái chức nhỏ, đây là Tổng tư lệnh đánh thắng ba tên đế quốc. Ông Maxim, một trong những người trong toán “Con nai”, đội quân Việt – Mỹ năm 1945, ở với Bác Hồ, năm nay ông đã 89 tuổi rồi. Ông xin trở lại Tân Trào trước khi chết. Đưa đoàn này đi là bà Trần Thị Minh Châu, đại tá cựu chiến binh Kim Son, ông Giáp cũng trực tiếp chỉ đạo đội quân ấy. Đánh xong Nhật, rồi Pháp, rồi Mỹ, nay lại dựng lên chuyện ông Giáp là con nuôi mật thám Tây, lại bảo:

- Con nuôi mật thám nên mới học trường Albert Sarraut, chứ con nhà nghèo ở tận Quảng Bình làm sao vào được trường Albert Sarraut?

Ông Giáp lúc đó học Albert Sarraut, nói chuẩn bị chọn ông sang Pháp vì ông học giỏi quá. Nhưng ông đi làm cách mạng từ 14, 15 tuổi. Vợ ông Giáp là tiến sỹ Nguyễn Thị Quang Thái, bị tra tấn chết ở nhà tù Hoả Lò. Chị vợ là Nguyễn Thị Minh Khai, bị chém ở Hóc Môn. Thân sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cụ Võ Quang Nghiêm bị Pháp tra tấn chết ở nhà lao Phủ Thừa, thi hài cụ bị vứt ra ngoài, một ông Hoàng, cháu nội vua Thành Thái là Mệ Hiền lượm thi hài cụ Võ Quang Nghiêm đi chôn, đánh dấu lại để giữ mộ thân sinh Võ Nguyên Giáp, cho đến giải phóng miền Nam gia đình mới đi tìm mộ được.

…(đoạn này nghe không rõ) Ban chấp hành Trung ương tán thành đều bị bác bỏ. Đó là tháng 10-1930, một hội nghị cán bộ lấy dự thảo luận cương chính trị của đồng chí Trần Phú làm đường lối (Hội nghị này chưa thông qua được luận cương). Bác Hồ bị đẩy lùi vào bên trong.

Năm 1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất họp ở Ma – Cao, một lần nữa Hà-Huy-Tập là Tổng bí thư, xoá tư tưởng, xoá đường lối của Nguyễn Ái Quốc. Mãi đến năm 1941, Bác Hồ về nước cho đến năm 1951 Đại hội 2 lại bị cái “thiểu số phục tùng đa số”, lấy “tư tưởng Mao” vào điều lệ nên đến năm 1951 cụ Hồ lại bị “khoá”. Bởi vì Hồ Chủ tịch chỉ còn là Chủ tịch Ban chấp hành chứ không còn là Chủ tịch Đảng. Bác quyết điều gì không còn nữa mà phải được Ban chấp hành thông qua.

Quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh được mở ra từ năm 1941 khi cụ về Pắc Bó, thành lập mặt trận Việt Minh, làm được cách mạng tháng Tám, tuyên bố giải tán Đảng ngày 11-10-1945, giải tán Đảng cộng sản Đông Dương, sau này thành lập Đảng lao động thì Lào trả về Lào, Miên trả về Miên, không có liên bang gì ở chỗ này.

Mỗi dân tộc có quá trình hình thành riêng của nó, còn viện trợ quốc tế với nhau thì bình đẳng, chứ để nước lớn trùm lên Lào, Miên là sinh chuyện. Ngay từ lúc đó, cụ Hồ đã nhìn thấy vấn đề như thế, bây giờ nhìn vào tình hình nào là sắc tộc, nào là tôn giáo…cụ Hồ không có đặt vấn đề liên bang, Miên là Miên, Lào là Lào, Ta là Ta.

Đến năm 1951, cụ Hồ chỉ còn là Chủ tịch ban chấp hành, mới nghe qua thì không thấy rõ, trước cụ Hồ là chủ tịch Đảng, mà chủ tịch Đảng thì khác Chủ tịch Ban chấp hành. Ví dụ trong việc Bác ký hiệp ước sơ bộ 6-3-1946 không cần triệu tập Ban chấp hành, Bác quyết định ký. Lúc đó, Bác chỉ sửa đổi hai chữ. Một bên, Bác là “Việt Nam độc lập” một bên Saiterny (là đại diện CH Pháp) là “Việt Nam tự trị”. Cuối cùng nửa đêm mùng 5 tháng 3 Bác đánh thức Bí thư là ông Vũ Đình Huỳnh dậy, bảo là đã tìm được lối thoát, đi báo ông Hoàng Minh Giám chuẩn bị để ký. Bác chọn được một chữ mà hai bên đều chấp nhận được, đó là “Nước Việt Nam tự do”. Pháp rất sợ “độc lập” vì cả châu Phi họ sẽ đòi độc lập, cho nên nó chỉ muốn “Việt Nam tự trị” thôi. Bác bảo Tự trị là không được, độc lập thì Pháp không chịu nên chọn “Nước Việt Nam tự do” (Có chính phủ riêng, có quân đội riêng, có ngoại giao riêng, có tài chính riêng) nhưng tên nước là “Việt Nam tự do” thế thì Sain Terny ký ngay ngày 6 tháng 3 (1946). Trước tình hình ấy mà chờ triệu tập Ban chấp hành để quyết định thì chết, bao giờ mới triệu tập kịp, mỗi người một nơi.

Cho đến năm 1951 đưa “tư tưởng Mao” vào điều lệ, ghi là “Học thuyết Mác Lênin, chiến lược Stalin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tác phong Hồ Chí Minh; thì bác Hồ nói:

- Thôi, các ông ấy là đủ cả rồi, Mác – Lênin – Stalin – Mao Trạch Đông… là đủ rồi, còn cái “tác phong Hồ Chí Minh” thì miễn cho…

Chả lẽ lúc đó Bác lại nói “Tôi không có tư tưởng à”. Lúc đó cũng chưa có nói đạo đức, mà chỉ nói Bác là “tác phong cần kiệm liêm chính”, giản dị thế thôi, chứ Bác không có lý luận.

Điều lệ ghi: “Thiểu số phục tùng đa số”. Bác Hồ ra họp chấp hành thì suốt đời bao giờ cũng “thiểu số”, mà thiểu số thì phải “phục tùng đa số” đó là “cái khoá”. Vậy là Bác Hồ chỉ được làm những cái mà Ban chấp hành chủ trương, chứ Bác không có chủ trương nữa, Về cải cách ruộng đất thì Bác Hồ không chấp nhận cái cải cách ruộng đất kiểu này, mà Bác đã cho ra Sắc lệnh giảm tô, giảm tức 25% từ năm 1949. Tất cả các đồng chí lúc đó lòng dạ ai cũng yêu quý Bác Hồ, nhưng lại tôn sùng ông Mao là “nhà lý luận Trung Quốc”, là cái mẫu của Châu Á” đem bê vào (điều lệ). Các đồng chí với lấy cái “mẫu” của Trung Quốc vào nên mới đưa ra đưa vào điều lệ Đảng như thế, và phải làm “thổ cải”. Bác Hồ không tán thành cải cách ruộng đất, Bác chỉ “trưng thu, trưng mua, hiến điền” chứ không chủ trương đấu tố. Lúc đó mấy đồng chí trong Bộ chính trị, đặc biệt là đồng chí Trương Chinh (tấm lòng đồng chí trong sáng, là người có nhân cách lớn, phải nói thế) nhưng quan điểm của đồng chí Trường Chinh là: - Không phát động nông dân thì nông dân cứ chịu ơn địa chủ suốt đời, phải cho nông dân đấu tố để nông dân vùng lên. Khi ra biểu quyết thì Bác Hồ chỉ có 3 phiếu, nhưng cũng là “thiểu số”. Cụ Vũ Đình Huỳnh kiên quyết bảo vệ quan điểm của Bác là hiến điền trưng thu, trưng mua rộng đất chia cho nông dân…

Xin nói về một bài của một đồng chí ký là “HT”, viết về những nỗi đau của Hồ Chủ Tịch, hiện nay lưu hành ở Hà Nội, cách đây mấy tháng rồi. Đầu bài ông đề là “10 nỗi đau của Hồ Chủ Tịch” nhưng trong bài đó ông (HT) giấu đi 2 cái đau, chỉ viết 8 cái thôi. Ông HT là trong Ban Bí thư trung ương Đảng, là nhà lý luận, là Trưởng ban Tuyên huấn, là Tổng biên tập báo Nhân dân lâu nhất, Chủ tịch Hội nhà báo. Có một thời ông cũng lầm rằng: anh Ba (Duẩn) mới là nhà lý luận, còn Bác Hồ chỉ là yêu nước thôi. Cho đến bây giờ ông mới tỉnh ra. Trước đây ông viết cuốn “Từ tư duy văn hoá truyền thống đến tư tưởng Hồ Chí Minh”, in xong thì bị tịch thu không tuyên bố nhưng sách bị tịch thu, bị đốt hết. Anh (HT) có đem đến cho tôi một cuốn, anh nói: sách của tôi bị đốt, sách của anh viết lại tái bản lần thứ 8, là may đó. Khi tôi ra cuốn này bị thu mất rồi, còn giữ được một cuốn đem cho ông…Ông là người hiểu biết như thế, lý luận như thế và một thời ông cũng là ghê lắm chứ, vậy mà có lúc ông nói:

- Thôi, cắt cái “mũ phớt” đi được rồi, (tức là ông Giáp đứng trước hàng quân đội cái mũ phớt).

Có thời ông chỉ thị các báo không được đăng ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì “trên” chỉ thị như thế cho nên ông nói “cắt cái mũ phớt đi”. Có lúc ông cũng lầm, nhưng lúc tỉnh ngộ ra thấy được sự thật thì ông kể ra 10 nỗi đau của cụ Hồ, những chỉ viết có 8 cái, còn hai cái không thấy đưa ra. Dân ta thì không biết, nay ông kể ra thì ông cũng ngoài 80 tuổi rồi. Ông nào cũng viết để lại, không in được thì cũng để lại cho các nhà nghiêm cứu lịch sử sau này làm tư liệu nghiên cứu về những sự thật được nói ra từ trong tim người ta.

Trong bài viết của ông Vũ Kỳ mà ta đọc báo ta không để ý ông viết kín đáo để đăng báo Văn Nghệ, báo Tiền phong, báo Nghệ An số tết 1998, hồi đó ông chủ trương đăng trên ba tờ báo đó. Nội dung bài báo là: năm 1967 Bộ chính trị mời Bác Hồ đang chữa bệnh ở Trung Quốc về để thông qua việc tổng tiến công 1968. Khi họp lần thứ nhất Bác đã không đồng ý chủ trương tổng tiến công nổi dậy, Bác chỉ đồng ý tập kích chiến lược rồi rút ngay. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chủ trương như vậy, nhưng bị thiểu số nên đành đi chữa bệnh ở Hungari. Nhưng sắp đến tết (Mậu Thân) rồi nên phải thông qua chủ trương đó để đi vào cái tết, nên phải mời Bác về. Ông Vũ Kỳ viết bài báo như sau:

Trên máy bay chỉ có Bác, ông Vũ Kỳ và người lái máy bay chuyên cơ của Bác từ Trung Quốc về. Lúc đó đã báo cho bộ đội phòng không từ giờ này…đến giờ này…trên bầu trời ta từ hướng này…phương vị này…tuyệt đối là không nổ súng. Thời đó là đang chiến tranh, vào giờ đó xuất hiện máy bay của ta. Khi máy bay về tới vùng trời Hà Nội, sân bay Nội Bài khi đó là sân bay quân sự nên máy bay xuống sân bay Gia Lâm. Người lái báo cáo với anh Vũ Kỳ ngồi bên cạnh, (Bác ngồi sau hút thuốc):

- Thưa anh, tín hiệu đường băng lệch 15 độ, bây giờ làm sao đây ạ?

- Quan sát lại đi. Ông Vũ Kỳ nói.

- Em là người lái mà, lái máy bay cho Bác thì em nhìn sai sao được, người lái nói.

Máy bay lượn 2 vòng không dám xuống, xăng hết rồi, giờ quy định cũng đã hết rồi, phòng không họ bắn chết, mà xuống theo tín hiệu thì không an toàn…

Cuối cùng xuống theo trí nhớ (của người lái) chứ không xuống theo đèn tín hiệu, vì trên máy bay báo đi báo lại nhưng, dưới sân bay vẫn không thay đổi, đèn “tín hiệu chệch”, dưới vẫn cứ để thế, không sửa. Vòng một vòng và máy bay chạm đất an toàn, thở đánh phào một cái, Bác vẫn ngồi tĩnh tại hút thuốc, ở dưới sân bay vẫn yên tĩnh.

An toàn rồi, anh ơi (Mừng quá – Nói to lắm nhưng Bác làm như không nghe thấy)

Ra khỏi máy bay (ông Vũ Kỳ tả) thì thấy đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ ra đón, một lúc thủ tướng Phạm Văn Đồng, chỉ có thế thôi, còn không ai đón Bác cả.

Về tới nhà thì tết rồi, việc đầu tiên Bác gọi điện sang Bộ quốc phòng hỏi:

Tục lệ người Việt Nam ta ngày tết hay nhớ nhà, thế thì các đồng chí ở nhà đã gửi quà chúc tết đồng chí Võ Nguyên Giáp đang chữa bệnh ở Hungari chưa?

Anh em mình thường trao đổi cái tin này đã đưa ra được chưa? Tôi cho rằng đưa được, đến năm 98 rồi, nên đưa ra (tin này) vì sắp hết thế kỷ (20) rồi, ai hiểu thế nào thì hiểu, còn thì nên đưa ra nhưng đừng bình gì cả. Đừng đưa đăng một tờ báo mà phải đưa tin trên ba tờ báo, vì một tờ sẽ bị “đánh chết” ngay. Đúng thế! Khi cả ba tờ báo đăng bài đó, thì các ông trong Bộ Chính trị mời ông Vũ Kỳ lên hỏi:

Anh Kỳ nói: Tôi chỉ kể chuyện đi của Bác mà hồi ký của tôi viết về Bác.

Thế rồi “họ” cũng thôi. Cái khung cảnh đất nước ta mấy năm nay là thế đấy.

Bác Hồ là người cô đơn, đây là cô đơn trên quan điểm. Tôi hiện nay đang viết cuốn “Bác Hồ là người cô đơn nhưng không cô độc”. Năm 2001 tôi viết cuốn này, chủ yếu là nói quan điểm của Bác bị “cô đơn” từ Quốc tế cho đến khi Bác qua đời, quan điểm của Bác luôn luôn thiểu số. Diễn ra trong tình hình hiện nay là vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo. Quan điểm của Hồ Chí Minh từ đầu chí cuối là vấn đề dân tộc, chứ không phải là đấu tranh giai cấp chuyên chính vô sản, cái “thiểu số” ấy đi suốt cuộc đời Bác. Đến được ngày hôm nay quan điểm đó của Bác càng ngày càng rõ ra là rất mừng. Điều đó nói rằng mọi khoa học nó ra đời không bao giờ dễ dàng dù là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. …(Đoạn này nghe không rõ) Nói ra như thế để thấy rằng Bác Hồ càng ngày càng sáng ra, sáng cả con người cùng quá trình Bác cô đơn. Nhưng lúc nào “người ta” thấy “lợi” thì “người ta” nói là của Bác Hồ chứ “người ta” không làm theo Bác Hồ.

Khi Tổng thống Putin đến thăm khu di tích nhà ở của Bác Hồ, mấy ông phụ trách khu di tích đưa lên một chồng sách Mác-Lênin đặt lên giường bệnh của Bác, nói trước khi qua đời Bác đọc những sách này. Người ta tưởng làm như thế là trọng Bác Hồ và để ông bạn Nga này quý Bác Hồ, không phải! dòng di sản Bác Hồ chất Mác-Lênin có mức độ thôi. Người thường nói những câu của dân gian, của dân tộc, cho nên có người bảo Bác Hồ không có lý luận. Bác toàn nói ca dao, tục ngữ, trích Kiều, trích Chinh phụ ngâm, trích những câu của Mạnh Tử, Khổng Tử, Lão tử mà còn giá trị với thời đại. Trích câu của Phật, của Giêsu chứ không nói Mác. Khi ông Putin đến thăm nơi Bác ở sinh thời thì người ta đem một chồng sách như thế, nhưng ông Putin ghi sổ (lưu niệm lại) không nói gì đến chuyện này, mà nói:

- Hồ Chí Minh, người thầy của dân tộc Việt Nam (mà không nói Chủ tịch nước). Người đã để lại trong trí nhớ nhân loại, rất vinh dự cho tôi hôm nay được làm quen với cuộc sống của người.

Tại sao ông Putin lại nói “làm quen với cuộc sống cửa Người”? Vì trên vị trí (Tổng thống) này nhìn tấm gương của Hồ Chí Minh lên đỉnh cao như vậy mà sống không xa cách dân, sống giản dị, Mà chính ông nói là khôi phục lại một nước Nga, một nước Nga yêu nước, truyền thống văn hoá. Ta nên nhớ rằng Liên Xô ngày xưa những người ấy không phải không có tấm lòng, nhưng đem xoá sạch đi thì đó là người không có đầu óc. Đáng lẽ ra làm cách khác, ta đưa sách khác, sách đích thực Bác đọc trước khi lâm chung, đây lại làm một chồng sách “toàn Lênin”. Cụ nằm trên giường bệnh ốm thì làm sao đọc được các sách đó. Nếu để một cuốn Kiều thì không ai cãi được, hoặc để một tập thơ của Puskin, sách của L. Tônxtoi, của Victor Huygo, Sếch-pia, vì Bác thuộc thơ Puskin, và thuộc thơ tiếng Nga. Bác có lúc nói bây giờ còn thuộc Victor Huygo, tôi là học trò nhỏ của Leptônstôi…Bác Hồ của chúng ta ngày nay bị nhiễu nhiều thứ như thế, muốn nhận ra Bác thì phải nghiêm cứu lại các sự thực của lịch sử. Trước đây, tôi đã nói về cái nôi sinh thành của Bác, hôm nay tôi nói một số giai đoạn, một số sự kiện có ảnh hưởng lớn đến Bác mà không nói có hệ thống vì thời gian cũng không có nhiều.

Ta đọc sách, ta đọc lịch sử, ta biết Bác Hồ sinh ở làng Chùa, quê ở làng Sen, sau vào Huế học. Tôi nghiên cứu, tôi thấy thế này: nếu Bác Hồ không đi vào Huế từ thủa thiếu thời thì con người ấy cũng bị hạn chế, hạn chế về mặt văn hoá cội nguồn và thanh lịch ở đất kinh đô.

Huế là trung tâm văn hoá của cả nước ta vào thế kỷ 19, Bác Hồ vào Huế cuối thế kỷ 19, lúc đó Huế là trung tâm của cả nước. Ở Nam Bộ, cụ Phan Thanh Giản đi thi phải ra Huế, còn khúc ruột miền Trung từ Bình Thuận trở ra đến Quảng Nam, thi hương là phải ra Huế. Đầu thế kỷ 20 mới có trường thi hương ở Bình Định. Ở Bắc thì Lạng Sơn trở vào cũng phải vào Huế để thi Hội. Diện mạo các nhà trí thức, các nhân sỹ, các ông quan (xin nói thực có một thời kỳ cực đoan, đã nói “quan” là phong kiến, quan là xấu, ở Chí Linh tôi nói thế mà suýt bị bắt).

Nói các quan “xấu” như thế sao lại truyền giòng nối dõi văn hoá Việt Nam mấy nghìn năm được!? Cố nông thì làm sao giữ được văn hoá vật chất của dân tộc? Chúng ta vô cùng quý trọng cố nông, người thợ nhưng nói đến diện mạo văn hoá là phải nói đến trí thức. Các gia đình khoa bảng, gia đình nhà quan truyền từ đời này qua đời khác-các ông quan tham nhũng thì cá biệt thôi. Tất cả tham nhũng thì còn gì là văn hoá Việt Nam, bản lĩnh, bản sắc Việt Nam. Không có Nguyễn Trãi thì ta làm gì có văn hoá thế kỷ 17, thế kỷ 18 sang thế kỷ 19 cũng vâỵ. Ở nhà cái ông giàu nhất nước, mà xưa nay chưa có nhà nào mà cha con đồng triều là tể tướng, là thân sinh Nguyễn Du và Nguyễn Du. Bác Hồ của chúng ta chính là con người nối tiếp những cái (văn hoá cội ngồn) này chứ.

Thế kỷ 19, Bác Hồ sinh ra năm 1891, tôi nói đây là nói nghiêm cứu từ gốc. Bây giờ nói Bác sinh năm 1890, nhưng tôi nghiêm cứu tử vi của Bác thì Bác sinh năm 1891. Bác đi làm cách mạng, Bác khai 1890, nhiều người chúng ta khi đi học, đi hoạt động cũng khai bớt hoặc thêm tuổi như thế. Bác sinh năm 1891. 1895 Bác vào huế, tuổi ta là 5 tuổi, tuổi bắt đầu có trí nhớ, tuổi mà người ta dễ nhớ nhất là tuổi này, tuổi lên 5 đến lên 10. Bác 5 tuổi đi theo cha mẹ vào Huế khi ông Nguyễn Sinh Khiêm đưa cho tôi cuốn “Tất Đạt tự ngôn” là tháng 6-1950. Sau đó ít tháng thì cụ qua đời. Trong “Tất Đạt tự ngôn” thì cụ có ghi ba bài thơ về thời niên thiếu của em trai mình, tức Bác Hồ.

Ba bài thơ này cũng hấp dẫn tôi. Thời đó tôi là một anh thanh niên học sinh, mới đi hoạt động Đoàn thanh niên cứu quốc (chưa phải Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh). Cụ đưa cho tôi đọc bài thơ hay quá đi, thấy tôi ngỡ ngàng không tin, thì cụ nói thế này:

Cháu ạ, bây giờ nhớ gì ghi nấy. Bọn Tây nó “thuốc” bác bằng rượu khi bác đi tù. Bác vào nhà tù 1914, sau bác chống lại thì 1918 nó đày vào cực Nam Trung Bộ. Bác vốn không phải là người nghiện rượu, nhưng sau này thì không có rượu là bác không chịu được và trí nhớ của bác mất dần đi. Bạn học của bác đi thi vào năm 1904 đỗ cử nhân, đó là ông Đào Nhữ Tuyên, con trai cụ Đào Tấn. Anh em bác học vào loại giỏi nhưng không đi thi. Bây giờ bác không còn được như xưa, nhớ cái gì thì bác ghi vào đây, chứ không có hệ thống. Cháu là người có tấm lòng muốn tìm hiểu gia cảnh nhà bác thì bác đưa cho cháu cuốn ghi chép này, thấy có ích thì cháu dùng, khai thác, không nữa thì đốt, đừng giao..cho ai, vì trong này bác ghi nhiều cái không tiện nói ra. Trong đó bác có ghi họ Hồ là thế nào…về họ Nguyễn thì thế nào…và ngày chú Thành mở nước độc lập thì là Hồ Chí Minh, chứ không lấy họ Nguyễn là vì sao? Trong cuốn này cũng nêu ra bài thơ đó là: Trên dèo ngang hai bài thơ 1895, còn bài nữa là “Ba ông phỗng” năm 1903.

Cụ Khiêm kể lại: Hôm đó cả nhà bác chuẩn bị đi vào Huế, bác ngủ với bà ngoại, em Thành ngủ với mẹ, còn chị Thanh thì ngủ với dì An. Đêm đêm bác thấy bà khóc, ngày bà vui, đêm nào cũng nghe thấy bà khóc. Sáng hôm sau thấy bà đi xin mo cau cả làng (xưa dân ta lấy mo cau làm gàu múc nước). Bác với chú Thành mới lấy mo cau cắt thành cái thuyền đem thả ao trước nhà, bà không cho, bà bảo đây là dép của các cháu, cha mẹ cháu để đi vào kinh đô, thời đó chưa có nhiều dầy dép như bây giờ. Bác thấy bà ngoại đo chân cha mẹ, đo chân cho 2 em bác.

(Bây giờ mới thấy các cụ ta ngày xưa đi tìm cái chữ ở kinh đô Huế, đi trên những phương tiện như vậy, không dép săm bô như ta bây giờ, ngày ấy có đôi dép da bò đã quý rồi)

Bác hỏi:- Mẹ, tại sao đêm bà lại khóc?

Về sau mới biết tâm sự của bà thế này: lúc đầu cha mẹ bác tưởng bà khóc vì bán ruộng cho con rể vào kinh đô học: bán mất 5 sào. Bà ngoại đêm nằm buồn mà khóc, không phải tiếc bán 5 sào ruộng cho con rể vào kinh đô học, vì “chữ nó sẽ đẻ ra ruộng, chứ ruộng không đẻ ra chữ” bán ruộng cho con đi học, có chữ về thì cái chữ nó lại đẻ ra ruộng. Còn cái ruộng bán đi đánh bạc thì mới mất, nên không có gì mà khóc cả. Khóc là vì bà không có con trai. Ông tú thì mất rồi, con rể coi như con trai, con gái là chỗ dựa, bây giờ cả nhà kéo đi vào Huế, bà ở nhà cô đơn một mình, hai cháu trai và cháu gái cũng đi, (vì thế nên cha mẹ bác chỉ cho hai anh em đi vào huế, còn chị Thanh phải ở lại quê với bà, để sớm hôm có bà có cháu).

Như vậy cha mẹ bác quyết định vào Huế không phải là để làm ăn sinh sống trở thành người Huế đâu, mà muốn cho anh em bác vào Huế để học. Cha bác vào đó để làm bạn với các nhà khoa bảng ở kinh đô. Các ông quan thời đó đều là Tiến sĩ, là Hoàng giáp, là Đình nguyên, ít ra là Cử nhân. Đúng là cha bác vào trong Huế đã tạo ra được một cái “chiếu văn”, các ông quản trong triều thường đến đó bình văn, bình thơ cùng với các cụ đồ ở kinh đô.

Ông Khiêm kể tiếp: Khi đi dép mo cau, một lúc là rách phải thay cái khác, còn chú Thành thì được cha cõng trên lưng. Trên cao chú quan sát hỏi hết chuyện này đến chuyện khác: núi này là núi gì mà cao thế? Bà ngoại hay ví “trèo truông mới biết truông cao” là nghĩa nó ra làm sao? Có được bao nhiêu nước để gọi là biển. Chú ấy hỏi nhiều chuyện. Còn bác thì chân nó đau, đi mấy ngày liền, có khi bác khóc. Mẹ bác lại động viên: “Em nó vui vẻ hỏi chuyện này chuyện khác con là anh mà chẳng vui chi cả”. Chú thì được cha cõng, đến đường bằng thì chạy tung tăng, hỏi nhiều thứ, còn lạ mắt cho nên mẹ bác nói em thông minh hơn anh. Rồi cụ Khiêm nói: mà chú ấy thông minh hơn bác thật…?

Lúc đến chân Đèo Ngang, đường lúc đó có đoạn sát với biển, không như đường ô tô bây giờ. Đến chân Đèo Ngang, có bãi cỏ rất bằng, mẹ bác mới đặt gánh xuống, cha bác xếp ô lại bảo: chỗ này phằng phiu, nghỉ lại đây ăn cơm nắm, để rồi leo đèo, Bác ngồi xuống thì ôm bàn chân rộp, còn chú Thành thì nhảy chơi, mới hỏi cha:

- Thưa cha, cái gì ở trên kia mà đỏ, lại ngoằn ngèo như rứa? Cha bác nói:

Đó là con đường mòn vắt qua đèo, tí nữa ta phải đi leo trèo lên đó, lên cái đường mòn đó.

Thế rồi chú Thành mới ứng khẩu luôn một bài thơ. Sau này bác ghi lại trong cuốn sách “Tất Đại tự ngôn” này:

“Núi cõng con đường mòn

Cha thì cõng theo con

Núi nằm ì một chỗ

Cha đi cúi lom khom

Đường bám lì lưng núi

Con tập chạy lon ton

Cha siêng hơn hòn núi

Con đường lười hơn con”

Nói về văn, thơ, tôi là anh thanh niên năm 1950 tiếp xúc với bài thơ này trong cuốn “Tất Đại tự ngôn” của người anh ruột Bác Hồ viết lúc 5 tuổi thì tôi hơi sững sờ. Ông Khiêm nói tiếp:

Lúc đó, cha bác mới mở cái ví vải lấy lá số tử vi của con ra xem, bác mới biết cha đã lấy tử vi cho các con. Cha bác nói với mẹ:

Với thiên tư này, thằng bé sẽ khó nuôi, có lẽ, quan Đào Tấn với ông ngoại đã nói như thế không nhầm.

Rồi bác Khiêm lại nói: - Lúc đó bác cũng chẳng có bụng dạ gì, vì chân phỏng rộp đau. Ăn cơm nắm uống nước đựng trong quả bầu khô xong, cả nhà lại leo núi, chú Thành lại được cha cõng trên lưng. Cụ Khiêm nói, anh em bác ở làng Sen chỉ biết ao, biết sông, biết hồ, biết núi, chứ biển chưa thấy. Hôm đó, đến đỉnh đèo thì dừng lại nghỉ, bác lại ngồi ôm chân, chú Thành lại chạy nhảy, rồi nói:

Cha ơi, cái ao ở đây sao lớn thế? Cha bác nói:

Không phải ao đâu con ơi, đó là biển đấy chứ.

Lúc đó, đứng trên đèo Ngang là nhìn thấy biển, ở đây thì xuống là đến Ròn tức là Cảnh Dương của Quảng Bình. Lần đầu tiên thấy biển lại cứ gọi là ao, cha bác phải nói là biển. Chú ấy lại hỏi:

Cha ơi, tại sao bò nó lại lội trên biển? Cha bác cười bảo:

Không phải bò đâu con ơi, đó là cánh buồm, thuyền nó chạy trên biển đó.

Chú ấy ứng khẩu đọc bài thơ.

“Biển là ao lớn

Thuyền là con bò

Bò ăn gió no

Lội trên mặt nước

Em nhìn thấy trước

Anh trông thấy sau

Ta lớn mau mau

Vượt qua ao lớn”

Cụ Khiêm nói một câu tâm sự, mà cũng là tâm trạng: – Cháu ạ, con người ta có số mệnh. Số mệnh có khi nó xuất ra thành ý. Cái thông thường, cái lẽ thường anh là phải nhìn thấy trước chứ vì anh ra đời, khôn hơn. Nhưng đây lại nói là “em nhìn thấy trước anh, anh trông thấy sau”, cái khẩu khí đó cũng là cái ứng mệnh. Bác là anh, bác đau chân, bác không còn nhìn những gì ở xung quanh, nhưng chú ấy quan sát, chú ấy lại ứng khẩu được cái đó “ta lớn mau mau, vượt qua áo lớn”. Cái khẩu khí ấy là cái “ứng mệnh” nên suốt cuộc đời chú Thành phải đi hết nơi này nơi khác, năm châu bốn biển, còn bác chả thấy gì, bác cứ yên vị, bác sống trong xó quê như thế này!…

Cụ Khiêm nói với tôi điều đó năm 1950, sau này tôi công bố hai bài thơ ấy trên báo Văn nghệ số Tết năm 1980, lúc đó là chuẩn bị Đại hội 5. “Búp sen xanh” chưa ra, tôi mới đưa hai bài thơ này và viết lại cái đoạn gặp cụ Nguyễn Sinh Khiêm. Khi đó nhà văn Nguyễn Văn Bổng là Tổng biên tập báo Văn nghệ trước khi đăng mới đến hỏi tôi:

Có chính xác không anh? Mới 5 tuổi mà làm hai bài thơ, trẻ con thì trẻ con thật nhưng rất trí tuệ; – Tôi nói: Anh cứ đăng đi, có chi tôi chịu trách nhiệm.

Đến khi báo ra thì người đến gặp tôi là bác Khương Hữu Dụng, nhà thơ nổi tiếng về thơ Đường, bác rất giỏi, bác năm nay 95 tuổi đang sống (Tôi cho rằng ở Quảng Nam ta có bác Khương Hữu Dụng, một nhân cách nhà thơ, nhà giáo, bác dạy học suốt thời tuổi trẻ, sau cách mạng Tháng 8 bác mới thôi dạy học. Xưa bác viết báo Tiếng Dân chủ cụ Hùnh Thúc Kháng). Cụ hỏi tôi:

Tôi mới được đọc hai bài thơ của Bác Hồ thời thơ ấu hay quá mà mình cũng nghi quá, ông có thêm chữ nào vào đây không?

- Chết, ai lại làm cái việc này thưa bác? – Tôi nói.

(Ta phạm sai lầm là khi viết cái điển hình chăn nuôi để phong anh hùng, chiến sĩ thi đua thì thường mượn lợn hàng xóm thả vào chuồng, mời nhà báo đến, toàn “tạo” thêm thành tích ba lăng nhăng. Còn đây là viết về vĩ nhân, đây là viết về Bác Hồ, mình thêm là mình có tội. Còn nếu của tôi thì tôi thành tác giả, việc gì mà nói là của Cụ Hồ). Cụ Dụng lại cười tươi, nói:

- Đọc xong mình sợ quá. Trần Đăng Khoa nó giỏi nhưng thời nay nó khác, nó có thông tin báo chí tuyên truyền nhanh, có hệ thống, thời đó thì không có mấy, thời đó làm gì có báo chí như vậy. Thông minh như Trần Đăng Khoa tưởng tượng “cành lá dừa như cái lược chải trên trời”, “quả na chín là quả na mở mắt”, “gà gọi mặt trời lên”… Bên này hai bài thơ Bác hồi nhỏ mà tầm tư tưởng lớn quá.

Sau này đưa vào cuốn “Búp Sen Xanh” thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng có mời tôi lên làm việc, Thủ tướng có hỏi về hai bài thơ. Thủ tướng mời tôi ngày 10-4-1982, lúc đó đã kết thúc Đại hội 5, bác Phạm Văn Đồng nói như thế này:

Tôi có mấy điều để nói với đồng chí, có những điều Bác Hồ kể với tôi, vì tôi sống có một mình… thỉnh thoảng ăn cơm với Bác, sau khi ăn xong hai người thường ngồi bên ao cá kể chuyện thời nhỏ của Bác. Nhưng lần này tôi thấy đồng chí lại biết khai thác được những chuyện như thế này. Tôi không hiểu tại sao đồng chí lại biết những chuyện này? Đồng chí cũng không phải là thư ký của Bác, đồng chí là nhà báo, thỉnh thoảng có đi với Bác nhưng chắc không bao giờ Bác kể chuyện này, trong đó có trường hợp cô út Huệ là người tiễn Bác xuống tàu. Trong sách có ba bài thơ, bài thơ thứ ba không nói, còn bài thơ Đèo Ngang tại sao đồng chí lại tìm được?

Bác Đồng mời tôi lên thì bao giờ tôi cũng có cái “thủ thân”, được khen thì tốt, nhưng khi bị hỏi thì sẵn sàng có cái “thủ thân” mà chìa ra. Tôi mang cả cuốn “Tất Đạt tự ngôn” đi theo, tôi nói:

- Cụ Khiên giao cho tôi tháng 6-1950 thì tháng 9 cụ qua đời. Cụ có ghi trong sách hai bài thơ này, (tôi chìa ra thì bác Đồng bảo tôi), đồng chí đã lấy tư liệu chu đáo như thế này, vì không ai hiểu Bác Hồ bằng anh chị ruột của Bác. Đồng chí lại có cái duyên may được gặp các anh chị Bác Hồ, lại được các cụ tin cậy giao cho cuốn sách ghi chép của cụ cuối đời và kể lại thế này. Các cụ nhà nho khi về già thường kỹ tính lắm, không dễ nói ra đâu.

Sau tôi phải nói thật với bác Đồng: ông Bùi Xuân Phong xưa là bạn của cụ Hoàng Xuân Hành (chú ruột, mẹ Bác Hồ), cùng đi với cụ Hành, không phải tự nhiên các cụ kể cho biết đâu. Cụ Bùi Xuân Phong hy sinh ở Nhã Nam thời cụ Hoàng Hoa Thám nay vẫn chưa tìm thấy mộ cụ tú Bùi. Nói điều đó là để bác (Đồng) tin được. Bác Đồng lại nói:

- Tôi hỏi đồng chí như thế vì đọc trong cuốn sách có nhiều điều xúc động, nhưng có hai bài thơ ở Đèo Ngang tôi cứ bâng khuâng, giá mà biết trước cái này thì Bác còn sống mà nhắc lại chắc lý thú lắm. Nhưng Bác “đi mất rồi”! Có khi nào mà cái tuổi lên 5 mà cấu trúc được bài thơ ngắn, cấu trúc ấy lại tạo ra được giữa cái “tĩnh” với cái “động”, tư duy này tư duy “Dịch lý”.

Bác Đồng là người giỏi Dịch lý, con quan mà. Các đồng chí để ý ngày bác Đồng mất, họ chiếu cái phim về Thủ tướng Phạm Văn Đồng, có đoạn quay cái nhà thờ của gia đình bác Đồng ở Quảng Ngãi, thì người ta quay xa xa, không quay cận cảnh bàn thờ vì toàn là những ông đội mũ cánh chuồn. Gia đình bác Đồng nhiều người làm quan, như thế “họ” sợ mất lập trường nên không dám quay rõ. Bác Đồng là con quan, học giỏi, học hành kỹ lưỡng nên mới thấu hiểu được “cái động”, “cái tĩnh” trong bài thơ của Bác Hồ.

Rõ ràng cái gì thuộc về thiên nhiên tạo đều “tĩnh”, cái gì thuộc về con người là “động”. “Núi cõng con đường mòn”, Cha thì cõng theo con”, “Đường bám lỳ lưng núi” là tĩnh, “con tập chạy lon ton” là động. Thơ có thể là chưa hay nhưng nó có cái thần, cái lời ngộ nghĩnh của đứa trẻ, điều đó dễ hiểu, đó là vấn đề tư tưởng, tầm nhìn này hơi lạ, Rồi còn bài lên đỉnh đèo, tại sao biển như thế vẫn gọi là cái ao, mặc dù cha nói đó là biển, mà vẫn cứ: “Ta lớn mau mau, vượt qua ao lớn”. Thế thì có lý trí gì không? Không chỉ là xúc cảm xuất thần của một đứa bé. Sau này Bác đi năm châu bốn biển: Lịch sử nay đã cho thấy Bác Hồ đi bốn biển thì thấy, năm châu thì chưa thấy. Đến bây giờ không biết Bác có thăm Úc không. Ta thường nói Bác Hồ đi năm châu bốn biển, theo lịch sử ghi thì Bác mới chỉ đến bốn châu thôi. Tôi nói:

Thưa, Bác Hồ đến Sitnây tháng 11-1913, đi với cụ Đào Nhật Vinh, hiện nay cụ Vinh ở số nhà 13 đường Nguyễn An Ninh, gần chợ Bến Thành.

Tôi nói với Bác Đồng năm đó cụ Đào Nhật Vinh đang sống. Sau giải phóng miền Nam, tôi vào Sài Gòn sưu tầm tài liệu về Bác Hồ thì Dược sư Hồ Thị Tường Vân, con gái cụ Hồ Tá Bang giới thiệu gặp cụ Đào Nhật Vinh, người ở huyện Trực Ninh, Nam Định, xuống tàu năm 1912 (Bác Hồ năm 1911), cụ Đào Nhật Vinh gặp Bác Hồ ở tận Nam Mỹ, Achentina, sau này gặp (Bác) ở Đaka, Sênêgan, đến đầu năm 1917 gặp lại Nguyễn Tất Thành cuối đại chiến thứ nhất, Vì sau đó ông không đi tàu nữa mà lên Boócđô, lấy vợ đầm. Sau này ông lại lấy một bà Việt Nam. Nếu cụ (Vinh) kể không thì không ổn, không đủ để tin số ảnh cụ chụp với Bác Hồ năm 1946 ở Pari khi Bác là thượng khách thăm chính thức nước Pháp (lúc đó cụ đang ở Pháp mở Hotel ở Boócđô).

Gặp cụ Vinh tôi mới cung cấp một số tư liệu với bác Đồng. Bởi vì viết về Bác Hồ, chúng ta chẳng có mấy ai nghiên cứu về Bác đi đến tận nơi tận chốn Bác sống, hoạt động để tìm tòi tra cứu cả, báo chí nước ngoài họ viết thế nào thì ta chép lại, Đảng ta chưa bao giờ bỏ ra một số tiền cung cấp cho những người có tâm huyết thật sự đi lần theo dấu viết Bác. Đã có ông nhà báo Mạnh Việt ở báo Tiền Phong thành tâm xung phong đi, nhà nước chỉ cấp cho một cái giấy phép thôi, còn đi đến đâu ông nhờ đồng bào, mà đến nay vẫn chưa có chuyến đi nào cả. Ngay cả việc quan hệ giữa nhà nước ta với nhà nước khác cũng chỉ trao đổi công văn đi lại, cũng chưa có người đến. Chỉ đến khi anh Hồng Hà lúc đó là phóng viên Báo Nhân Dân đi sang hội nghị Pari với Lê Đức Thọ, nhân tiện ở đó nghiên cứu (về Bác) ở Pháp, rồi sanh Anh, thế thôi; chứ thực sự để hẳn người nghiên cứu về Bác Hồ thì không có. Vì vậy, nó cứ thất thoát đi. Bên ngoài người ta cứ tiếp tục gửi về rất nhiều (tư liệu).

Hai bài thơ ấy giúp bác Đồng hiểu thêm về Bác Hồ, về sự manh nha của một thiên tài. Thiên tài không phải tự nhiên xuất hiện, mà cả một quá trình, mà đây là giai đoạn manh nha. Cuối buổi gặp bác Đồng mới nói về ý định của bác.

- Tôi nghe đồng chí bị thương ở mặt trận bề, khó khăn lắm!? Anh em xuống nhà (anh) nói đồng chí ở chật chội lắm! Tôi có trao đổi với anh em để lo cho đồng chí một chỗ ở, để đồng chí đỡ vất vả…

- Thưa Thủ tướng, cảm ơn Thủ tướng. Bây giờ Thủ tướng cho tôi căn hộ, Thủ tướng mang tiếng, tôi cũng mang tiếng. Bởi lẽ tôi trẻ trung làm được công việc đột xuất mà Thủ tướng thưởng thì không ai nói. Thủ tướng là người lãnh trọng trách lo cho cả đất nước. Một người đột xuất như Đặng Thái Sơn chẳng hạn, làm cái việc được giải thưởng Sôpanh, người châu Á đầu tiên được giải, thì Thủ tướng cho một căn hộ, để Đặng Thái Sơn đón bố là Đặng Đình Hưng về ở, anh Hưng bị cái án “Nhân Vân Giai phẩm”, bây giờ khổ quá, nay con ông làm được cái việc vinh quang đó. Thủ tướng cho một căn nhà. Ai cũng quý cả, quý tấm lòng của Thủ tướng, quý lòng hiếu thảo của người con đối với cha, như thế là đẹp.

Tôi là người tham gia cách mạng sớm, ra đi vào chiến trường B, trả lại căn hộ tiện nghi ở số nhà 58 Nam Đồng cho phòng quản lý nhà đất quận Đống Đa. Nay trở về, đòi không được. Thuê một chỗ khác cũng không được. Tôi biết cái nhà đó…thì to tiền lắm. Bây giờ họ bán đồ điện. Nhà tôi đòi không được, giờ tôi lại lên đây, tôi không xin (nhà) mà Thủ tướng cho một xuất ở thì tôi mang tiếng, Thủ tướng cũng mang tiếng: Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì mang tiếng “ban phát” cho cá nhân người này người kia: còn tôi thì mang tiếng: tưởng ông này thế nào, hoá ra đi nghiên cứu cụ Hồ, viết sách cụ Hồ xong rồi “để xin nhà”. Dân ta thường nói “Ăn mày nhà quan không sang hơn ăn mày ở chợ”. Tôi cũng nói thực lòng với bác Đồng như thế nên bác rất quý. (Nay thấy anh Trần Tam Giáp, thư ký bác Đồng viết bài để đăng báo Nhân dân ngày giỗ năm Cụ “ra đi”, anh có nhắc đến chi tiết này).

Như thế là đến như bác Phạm Văn Đồng ở gần Bác, một trong những người gần gũi nhất của Bác Hồ như bác Võ Nguyên Giáp, bác Trường Chinh…xưa người ta nói “Tứ trụ” là vậy! Nhưng thời niên thiếu của Bác thì không có điều kiện để tìm hiểu để biết được. Còn tôi có duyên may trong quá trình đi khai thác để sau này viết, trước chỉ nghĩ ghi lại để cung cấp cho đời sau, nhưng sau khi đã có cái “vốn” mới nghĩ đến chuyện “đi buôn xa buôn gần” viết cái này cái khác./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét