Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

NGÀY KHAI GIẢNG: ĐÔI ĐIỀU VỀ NHỮNG LÁ THƯ


Bài của Hà Thanh Tùng
Mỗi năm, ngày khai giảng như đã thành thông lệ với nhiều lứa tuổi. Ngày mà cả hệ thống giáo dục cả nước đều được nghe bức thư chúc mừng của Chủ tịch nước, chủ tịch UBND cấp tỉnh. Nhưng nghe mãi nghe hoài đó là giọng văn chung chung không điểm nhấn, không lối thoát. Lúc nào cũng luôn nhấn mạnh mọi lứa tuổi học sinh phải: “Học tập, làm theo…” những từ ngữ sáo rỗng.
Trong bức thư Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư dịp khai giảng năm học 2019-2020 có đoạn: “Tôi mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Chính những quan niệm này tạo thành một lối tư duy mòn, không có khả năng tư duy độc lấp, khám phá ra những mới lạ, không khẳng định được cái “tôi” tự do trong mỗi con người. Cứ “học tập và làm theo…” một thế hệ học sinh - sinh viên sẽ thành con cừu non dễ chăn dắt.
Mục đích của nền giáo dục không phải là lối mòn theo những lề thói cũ mà là khai phóng và nhân bản. Mục đích của giáo dục không phải là sản sinh ra những nhà khoa học những người vừa “Hồng vừa Chuyên”. Mà nó cố tìm cách để phát triển những giá trị nhân bản của con người biết cách sử dụng trí tuệ của mình và có thể độc lập suy nghĩ. Mục đích hàng đầu của giáo dục không phải là phát triển khả năng chuyên môn, dù một nền giáo dục khai phóng là không thể thiếu được đối với bất kỳ một nghề chuyên môn về đầu óc nào.
Nền giáo dục khai phóng và nhân bản sản sinh ra những công dân có thể sử dụng quyền tự do chính trị của họ một cách có trách nhiệm. Nó phát triển những con người trí thức có thể sử dụng thời gian của họ một cách hữu ích. Nó là một nền giáo dục cho tất cả những người tự do, dù họ có ý định trở thành nhà khoa học hay không.
Học tập phải luôn sáng tạo và không lệ thuộc về ý thức hệ, đó phải là một nền giáo dục khai phóng và nhân bản. Các môn học khai phóng, theo truyền thống, đều nhằm phát triển những năng lực trí tuệ của con người, những năng lực trí tuệ và trí tưởng tượng mà không có chúng thì ta không thể hoàn tất được một công việc trí tuệ nào. Giáo dục khai phóng không bị trói buộc vào những môn học nào đó, kiểu như triết học, lịch sử, văn chương, âm nhạc, nghệ thuật, và những môn được gọi là “khoa học nhân văn” khác.
Khi đã bàn về giáo dục thì phải đề cao khả năng khai phóng và nhân bản đó mới là mục đích chính của giáo dục. Những đứa trẻ của một nền giao dục như vậy trong quá trình trưởng thành được cung cấp cả một gói tri thức có cấu trúc tương đối hài hòa gồm những kiến thức phổ thông kết hợp với những hiểu biết phong phú về thiên nhiên, con người và các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là kỹ năng hợp tác. Điều đó giúp chúng có nhiều cơ hội trở thành một con người nhân văn, tự tin với sức khỏe tâm lý lành mạnh để hòa nhập vào cuộc sống tự lập và phát triển cá nhân. Đó cũng có thể được coi là một nền giáo dục tôn trọng tuổi thơ của trẻ em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét