Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

NGƯỜI TÀI ĐI ĐÂU HẾT CẢ?

  Nguyễn Thành Phong











Hôm qua, 22022022, ngày rất đẹp, thời tiết rất tuyệt, vào đúng 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm, nhờ có ông nhà văn Trần Thanh Cảnh tổ chức và mời tham gia chuyến du khảo Thiên Đức, thế là bọn mình được đi trọn từ đầu sông đến cuối con sông này.

Sông Thiên Đức (sông Đuống) bắt đầu từ ngã ba với sông Hồng, gọi là cửa Dâu, kéo dài chừng 70 cây số, đổ nước vào Lục đầu giang cùng ba con sông khác cũng mang chữ Đức, là Nguyệt Đức (sông Cầu), Nhật Đức (sông Thương) và Minh Đức (sông Lục Nam). Hai con sông lớn nhận nước ở bốn con sông này xuôi đi, là sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Tổng lại là có 6 con sông gặp gỡ trao gửi, thế mới có tên là Lục đầu Giang.

Từ cửa Dâu, bọn mình cứ ven bờ sông Đuống mà đi. Đầu tiên ghé vào Đền Thượng Đông Ngàn, qua chùa Tiếu Linh Tự (Tiếu ở đây nghĩa là nghi lễ cầu cúng, không phải chữ tiếu trong tiếu lâm), rồi qua Khu đền Kinh Dương Vương thờ Kinh Dương Vương, là Nam Bang Thủy Tổ, tức là Thủy Tổ của nước Nam.

Sau đó là một chuỗi các di tích tưởng nhớ toàn người có tích án oan khuất trong lịch sử nước ta từ xưa đến nay.

Mở đầu là làng Lạc Thổ, quê gốc nhà thơ Hoàng Cầm, người đã nằm trại 16 tháng tù giam vì sáng tạo nên tập thơ trác tuyệt "Về Kinh Bắc". Nhà thơ Hoàng Hưng vì yêu quý, chỉ cầm bản thảo tập thơ ấy thôi, mà phải nằm trại tới 39 tháng. Chuyện này đang thời sự trở lại...

Tiếp đến là thăm chùa Bút Tháp, thăm mộ và đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh dưới chân núi Thiên Thai.

Thái sư là vị Trạng nguyên khai khoa, khoa thi Minh Kinh Bác học đầu tiên, đã làm đến chức Tể tướng, dạy đến cả nhà vua, là nhà ngoại giao lỗi lạc, đi sứ sang nhà Tống, chỉ cần nói văn sách mà thu lại được cho giang sơn một xứ Cao Bằng. Ngành ngoại giao Việt Nam nên tôn vị Thái sư này là ông tổ của ngành mình. Thế mà từ thế kỷ 11, Thái sư bị vu oan "hóa hổ" mưu hại vua, bị đày lên vùng sơn cước Thao Giang cho đến tận lúc già, ông giả bộ làm kẻ ăn mày tìm về quê cũ rồi chết trên đường gần tới làng mình. Đến thế kỷ 20, Thái sư Lê Văn Thịnh lại tiếp tục bị oan khuất khi bị giễu nhại trong bộ ba chèo tuyệt bút "Bài ca giữ nước" của tác giả Tào Mạt tài hoa. Thế mới gọi là oan khuất chồng lên oan khuất...

Rồi tiếp theo là bọn mình tới thăm khu Di tích Lệ Chi Viên. Vụ "Nỗi oan dậy đất, án ngờ lòa mây" của công thần danh nhân Nguyễn Trãi cùng người thiếp yêu Nguyễn Thị Lộ, thì không cần nói thêm gì nữa.

Rồi sau đấy là đến điểm đi tích tưởng nhớ vị Trạng nguyên, quan Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật, vị trí thức ngay thẳng, không a tòng với đám nghịch đạo soán ngôi thời của những Trư vương, Quỷ vương khi nhà Hậu Lê sa vào mạt pháp. Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật đã bị vua Lê Uy Mục đày đi miền Trung, đi đến sông Lam thì bị bức phải tự trẫm mình xuống sông mà chết.

Sát đến vùng Lục đầu giang là khu mộ và đền thờ tướng quân Cao Lỗ. Đây cũng là một vị tướng quân bị tước hết quyền hành một cách oan trái vì đã thẳng thắn can gián An Dương Vương chớ tin vào xảo kế thông gia của Triệu Đà cho Trọng Thủy lấy Mỵ Châu, xin cho con trai làm rể cầu hoà. An Dương Vương không nghe, sau đó đã mất nước, phải chém chết con gái, dù có hối hận thì cũng quá muộn màng.

Ngày xưa, vua quan nhà Trần đóng đô ở Thăng Long, có đại bản doanh ở vùng Côn Sơn, Chí Linh bên Lục đầu giang. Mỗi lần về đây, các ngài thường đi bằng đường thủy, cũng theo như cung đường bọn mình đi hôm nay, nhưng khác cái là các ngài ngự trên thuyền rồng trên nước sông Thiên Đức.

Lại nhớ câu chuyện về một người tài nức tiếng, Phiêu kỵ thượng tướng quân Trần Khánh Dư.

Lần ấy, quân Nguyên Mông chuẩn bị rất kỹ càng, lại sắp kéo sang đánh chiếm Đại Việt lần nữa. Thăng Long lâm nguy trước vó ngựa giặc xâm lược cuồng lên như nước lũ. Vua Trần Nhân Tông cùng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và tướng sỹ lên thuyền xuôi trên Thiên Đức về Lục đầu giang để mở Hội nghị Bình Than, gấp rút bàn cách chống giặc dữ. Tại đây, lúc ấy, Trần Quốc Toản mới là tiểu tướng, chưa đủ tuổi được phép tham dự, phải đứng ngoài mà bóp nát quả cam...

Khi đoàn thuyền rồng vào cửa Đại Than, chuẩn bị cập bến Bình Than, thủy triều đang rút, nước chảy xiết. Vua Trần đứng trên thuyền rồng, thấy một thuyền than đang rời nhanh đi. Đứng trước mũi thuyền là một người đàn ông quắc thước, quần áo rách rưới, bụi than đen nhẻm. Trần Nhân Tông nheo mắt, chỉ vào, rồi reo lên: "Có phải Nhân Huệ Vương kia không? Nhanh đi mời về đây cho ta!". Một chiếc thuyền nhỏ thả xuống, đuổi theo. Quân hiệu nói lớn: "Này ông lão, vua cho mời ông về gặp". Ông lão nói: "Ta chỉ là kẻ buôn bán than, chả có việc gì phải đến chỗ vua cả", rồi mải miết chèo đi. Quân hiệu về thưa lại, Trần Nhân Tông nói to: "Khẩu khí ấy thì đúng là Huệ Vương rồi" và sai đội thị vệ lấy thuyền lớn gấp rút đuổi theo, quyết đưa được lão bán than về...

Quả thật, đấy đúng là Trần Khánh Dư, nguyên là Phiêu kỵ thượng tướng quân. Ông này là một vị tướng tài, đã từng có công lớn đánh giặc Nguyên trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Ông là con trai thượng tướng quân Trần Phó Duyệt, được vua đời trước nhận làm con nuôi, gọi là Thiên tử nghĩa nam, vì thế mà được phong hàm Phiêu kỵ thượng tướng quân, lại được vua ban cho tước vương, đặt hiệu là Nhân Huệ Vương.

Trần Khánh Dư lắm tài nhiều tật, sống rất phóng và túng, ngang tàng. Trần Khánh Dư đã tư thông, ngủ với Thiên Thụy công chúa, vợ chưa cưới của Trần Quốc Nghiễn, con trai thứ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Chuyện vỡ lở, vua Trần Thánh Tông (cha của Nhân Tông), ngại uy Trần Quốc Tuấn, phải ra tay trị tội, sai cho lính đánh Dư 100 gậy nhưng mật bảo, khi đánh thì phải chúc đầu gậy xuống đất. Vì thế mà qua một trăm cú phang gậy, Dư vẫn không chết, coi như là được trời tha, vua tuyên cách hết mọi chức vụ, thu lại hết bổng lộc, rồi đuổi đi...

Trần Khánh Dư sau đó sắm thuyền, lấy buôn bán than làm nghề, kiếm sống ung dung, cho đến ngày ấy...

Quân thị vệ đưa được Dư về. Nhân Tông thân bước xuống đón, cảm khái kêu lên: "Cũng thân nam nhi mà đến nước này là cùng cực lắm rồi". Vua tuyên hủy bỏ án phạt. Trần Quốc Tuấn đi xách nước dội cho Khánh Dư tắm sạch than bụi và Nhân Tông ban cho áo mũ, để Khánh Dư kịp ngồi vào hội nghị cùng tướng sỹ bàn cách chống giặc. Ngay sau đó, Khánh Dư được phong lại làm Đô tướng quân, lên ngựa ra chỉ huy việc trấn giữ và nghênh đón giặc ở Vân Đồn.

Trong cuộc kháng chiến sau đấy, Khánh Dư đã lập đại công, góp sức huy hoàng vào công cuộc đại thắng giặc Nguyên Mông. Cả nước Đại Việt reo ca. Thăng Long yên bình, rực rỡ...

Bọn mình để xe ô tô ở khu mộ tướng quân Cao Lỗ, đi bộ một quãng đường dài ra bến Bình Than. Đi qua một vườn cây là đến một cánh đồng rộng rau xanh mơn mởn đẹp đẽ sát liền bờ sông. Đó là cánh đồng trồng toàn cà rốt, sắp đến độ thu hoạch. Ở phía sát bờ sông, cạnh cánh đồng cà rốt, có một người đàn ông trung tuổi đang lúi húi cúi xuống làm gì đó.

Mình nhìn các nhân sỹ trong đoàn, toàn tên tuổi cả: Giáo sư Trần Ngọc Vương, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhà báo Huy Đức, danh sỹ Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Phạm Thanh Khương, TS vật lý kiêm viết văn Thế Hùng, chuyên gia giao thông kiêm làm thơ Nguyễn Khắc Minh, thần đồng tiếng Nga xưa Vũ Đức Huân, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán... Chỉ vào người đàn ông phía xa, mình nói: "Này các ngươi, nhìn kỹ lại xem, kia có phải dòng dõi nhà Nhân Huệ Vương không?". Ông Trần Thanh Cảnh, hậu duệ nhà Trần gật gật đầu: "Có nhẽ! Có nhẽ!". Mình hối hả: "Vậy các ngươi hãy cùng ta thân ra tận đấy hỏi chuyện, nếu phải thế thật, thì mời ông ấy về Thăng Long giúp nước. Thăng Long cứ mãi thiếu người tài. Dịch giã đã lâu mà chưa định hình cách thích ứng. Lộn xộn và buồn bã quá". Mọi người nhanh nhẹn đi ra...

Tới nơi, mình vòng tay, thi lễ cung kính: "Dạ thưa, cho hỏi, ông biết tiếng Nhân Huệ Vương không ạ". Ông làm vườn đang nhổ cà rốt xếp thành đống, liền ngẩng lên, cố ghìm hai hàm răng đang va vào nhau lập cập vì gió lạnh dưới bến Bình Than thốc lên mạnh, nói: "Chả biết! Các bác có mua cà rốt không ạ! Em vừa nhổ đây, ngon đấy".

Mẹ khỉ, đây đếch phải là dòng dõi nhà Trần Khánh Dư rồi, nói gì đến người tài! Người tài đi đâu hết cả? Đã nhìn khắp núi sông, mỏi mắt, mà vẫn không thấy người tài. Đến tận bến Bình Than này rồi, mà cũng chỉ gặp ông trồng và bán cà rốt thôi.

Thế này thì Thăng Long còn lộn xộn và buồn bã dài lâu đây!

Còn các vị, có buồn bã, thì xem tạm vài tấm ảnh đi kèm tút này mà khuây khỏa đi nhé! Các nhân vật trong ảnh đã thực hiện nghiêm quy định phòng chống Covid.

Ảnh 1): Ngã ba sông tại cửa Dâu.

2, 3): Trước đền Kinh Dương Vương và mộ Kinh Dương Vương.

4): Bức đại tự trên điện thờ Thái sư Lê Văn Thịnh.

5): Mộ Thái sư Thịnh.

6): Trước cổng làng Lạc Thổ.

7): Rồng đá kỳ lạ ở khu đền Thái sư.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét