Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Sinh mạng chính trị của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa có thể chỉ còn đếm từng ngày?

Posted by adminbasam on 11/03/2017
Hương Khê
11-3-2017
Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến. Ảnh: báo TN.
Mấy hôm nay, sau loạt bài của báo Thanh Niên nhắm vào lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu làm rõ những bí ẩn trong việc bổ nhiệm “thần tốc” cô Trần Vũ Quỳnh Anh, từ một người chỉ có bằng Cao đẳng Công nghệ Thông tin, được nhận vào làm chân Tạp vụ năm 2008, chỉ sau 7 năm, cô này đã có những “bước tiến vĩ đại” trên con đường “quan lộ” của mình. Chẳng những là được bổ nhiệm các chức vụ quan trọng không qua thi tuyển và không minh bạch, không đúng chuyên ngành được đào tạo, mà cô gái “tuổi trẻ tài cao” này còn được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ của Sở Xây dưng.
Chỉ trong thời gian ngắn, vừa đi học vừa nghỉ sinh, mới ngồi vào chức Trưởng phòng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Trần Vũ Quỳnh Anh đã được Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cử đi học lớp Cao cấp Lý luận Chính trị. Sau khi tốt nghiệp, được tỉnh Thanh Hóa làm quy trình để bổ nhiệm Phó giám đốc sở này.

Không chỉ “tiến nhanh, tiến mạnh” trên con đường “quan lộ”, cô Trần Vũ Quỳnh Anh đã phấn đấu đến “thối” cả… cái gì đó (như cách nói của ông quan tham Trần Văn Truyền), từ năm 2010 đến 2016, là lúc ông Trịnh Văn Chiến làm Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đến nay, cô Quỳnh Anh đã sử dụng một tài sản khủng lên đến hàng chục triệu đôla. Phải chăng có ai đó đã “nâng đỡ” Quỳnh Anh, và cả hai đã cùng “đưa nhau lên đỉnh”cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng?
Vẫn biết rằng một số người đẹp như hoa khôi, hoa hậu… kinh doanh “vốn tự có” rất mau giàu. Chỉ sau một đêm “nhảy múa” với các quan tham, thì tiền đầy túi. Nhưng giàu một cách nhanh chóng và khủng khiếp như Quỳnh Anh là một việc “xưa nay hiếm” (mượn ý Bác).
Trần Vũ Quỳnh Anh không chỉ “thần tốc” trong việc được bổ nhiệm, “thần tốc trong việc làm giàu, mà còn gian dối trong việc khai báo hồ sơ đảng viên của mình. Khi kê khai ở mục số 22 (về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn…), bà Quỳnh Anh chỉ khai nơi đào tạo là ĐH Vinh, thời gian đào tạo từ 2005 – 2009, văn bằng: cử nhân, mà không khai ngành học và đặc biệt là hình thức học (tại chức) của mình. Gian dối trong việc khai báo về quan hệ nhân than. Trong mục số 30 (về quan hệ gia đình), bà Quỳnh Anh cũng chỉ khai tên bố, mẹ đẻ và em trai ruột của mình, mà không khai tên chồng (cưới tháng 3.2013) và con (sinh cuối năm 2013).
Là một đảng viên, lại nằm trong Ban Chấp hành đảng bộ Sở Xây dựng, vậy mà Quỳnh Anh xin nghỉ việc và bỏ sinh hoạt đảng từ tháng 9/2016 đến nay, mà Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh vẫn không biết. Vậy thì cái đảng ấy khác gì cái chợ. Ai muốn ra muốn vào lúc nào cũng được.(1)
Có người cho rằng: “Làm sao có thể xoen xoét lừa Dân, khinh Dân, đạp lên đầu Dân khi ta đây ngang nhiên chẳng cần học kiến trúc hay xây dựng vẫn dư sức giữ chức Trưởng phòng của ngành xây dựng bằng tấm “bằng” vừa tại chức, vừa đẻ? Làm sao có thể, sau 4 năm vừa đẻ, vừa hợp đồng, vừa đi học thạc sĩ ở Hà Nội lại vừa đủ tiêu chuẩn đi học lớp Chính trị Cao cấp?
Nhưng do đâu mà lúc đầu chỉ là những thông tin trên mạng xã hội, mà nay báo chí nhà nước bỗng nhiên nhảy vào đòi điều tra làm rõ những thông tin trên?
Cần nói thêm rằng, sau Hội nghị lần thứ IV BCHTU ĐCSVN khóa XII, đảng đã ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
“Theo đó, Trung ương chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng – chính trị, đạo đức – lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”(2)
Nói cách khác, đây là một hội nghị lo việc tu sửa cho ngôi nhà của đảng trị vì trên 70 năm nay, nay đã mục rỗng thối nát từ trong ruột thối ra, từ trên nóc xuống dưới.
Đảng là “cuộc sống” của các đảng viên như lời bài hát nào đó “đảng là cuộc sống của tôi”. Vậy một khi cái cơ thể già nua bệnh hoạn ấy đang mang trong mình 27 căn bệnh nan y vào giai đoạn cuối, thì có phương thuốc thần nào có thể cứu vãn được đảng?
Và có lẽ “giọt nước làm tràn ly” sau khi Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến lên tiếng bác bỏ những thông tin trên báo lề Dân nói ông ta có “bồ nhí”, và tuyên bố rằng “các thông tin trên mạng xã hội những ngày qua là bố láo, bịa đặt, nhằm mục đích bôi nhọ cán bộ, không quan tâm”. Tuy nói không quan tâm, nhưng ông Chiến “đã có văn bản đề nghị Bộ Công an vào cuộc”, và “Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng báo cáo với Trung ương và tổ chức điều tra, xác minh, kết luận và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”(3)
Lẽ ra “có tật thì giật mình”. Nhưng ông này vẫn “Phớt tỉnh Ăng-lê”.
Điều này đã thể hiện thái độ ngạo mạn, kiêu ngạo và coi thường dư luận mang thương hiệu “cộng sản” của ông Chiến nói riêng và các quan chức cs nói chung.
Sau báo Thanh Niên, thì báo chí lề Đảng đồng loạt đưa tin về “Quan lộ thần tốc của ‘hot girl’ xứ Thanh” này. Báo Tiền Phong ra ngày 07/03/2017, trích dẫn ý kiến như đinh đóng cột của ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ nói rằng, nếu Thanh Hóa không kiểm tra “con đường quan lộ” của cô Quỳnh Anh thì Thanh tra Chính phủ sẽ vào cuộc.
Đặc biệt trong chương trình Thời sự của Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) sáng 09/03/2017 đã đưa tin về việc các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đang vào cuộc để làm rõ vụ việc bổ nhiệm “thần tốc” của Trần Vũ Quỳnh Anh. Đây là một phát đại bác đã nã thẳng vào Trung tâm quyền lực của tỉnh Thanh Hóa. Theo kinh nghiệm, một khi VTV1 đã lên tiếng thì chứng tỏ sự việc rất nghiêm trọng, vì VTV là tiếng nói chính thức của nhà nước CHXHCNVN. Chứng tỏ chiến dịch “ra quân” lần này của báo chí lề Đảng đã có sự “hợp đồng tác chiến” rất bài bản.
Trước sức ép của dư luận, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cũng phải vào cuộc.
Nhưng trái bóng cứ được ‘lăn đi lăn lại” từ cơ quan này đến cơ quan khác.
Theo ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh văn phòng – kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Thanh Hóa, Thường trực Tỉnh ủy đã giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiểm tra. Đồng thời giao Ban Cán sự đảng của UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp Sở Xây dựng làm rõ quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh đối với bà Quỳnh Anh. (4)
Nhiều ý kiến cho rằng, sự việc liên quan đến nội bộ lãnh đạo của tỉnh Thanh Hóa. Nay các cơ quan chức năng của tỉnh náy kiểm tra, liệu có khách quan, chính xác và đến nơi đến chốn không? Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Chuột bầy đào không nên lỗ”. Vì trong trận chiến Ta đánh Ta thì ai cũng sợ “vỡ bình”. Nói như ông Dương Trung Quốc: “Chống tham nhũng không làm được. Vì quân xanh- quân đỏ cũng là quân ta cả”.
Ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội các khóa 11, 12 – nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, bày tỏ: “Dư luận cũng như bản thân tôi rất muốn các cơ quan chức năng ở T.Ư như Ban Tổ chức T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì khách quan hơn”.
Chúng ta biết rằng, từ xưa đến nay, tình trạng tranh giành quyền lực, chia bè kéo cánh và phe phái diễn ra thường xuyên trong nội bộ ĐCSVN. Ở các địa phương thì giữa làng này và làng nọ, hoặc giữa dòng họ này và dòng họ khác. Ở hàng ngũ lãnh đạo cao cấp thì phân chia lãnh địa vùng miền. Thời lê Duẩn làm TBT DCSVN thì phe miền Trung chiếm ưu thế, như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu v.v… Thời Lê khả Phiêu làm TBT ĐCSVN thì ông ta “lôi” Hoàng Ngọc Nhất đang là Thượng tá, Giám đốc Công an Thanh Hóa, ra Bộ Công an thăng hàm Đại tá. Sau đó lên hàm Thiếu tướng, Thứ trưởng BCA, làm cho mọi người đều ngỡ ngàng khi thấy Hoàng Ngọc Nhất từ đâu “chui” lên một cách ngoạn mục, trong khi có nhiều người trong BCA cấp cao hơn, nhiều năm công tác hơn và thành tích nhiều hơn nay đành làm cấp dưới của Hoàng Ngọc Nhất. Và cô gái Thanh niên xung phong có vóc người cao ráo, nước da trắng trẻo ưa nhìn Nguyễn Thị Hằng cũng được ông Phiêu “nâng”lên làm Bộ trưởng Bộ Lao động TBXH, mặc dù tài cán chẳng có gì, đã làm cho nhiều người dị nghị về mối quan hệ giữa hai người này có gì đặc biệt mà được ưu tiên thế? Tuy rằng sau này Lê Khả Phiêu bị “rớt đài”, nhưng ông ta cũng đã kịp “cài cắm” một dàn đàn em nhiều tiềm năng mà sau đó “làm mưa làm gió” trên sân khấu chính trị nước nhà, là Phạm Quang Nghị, cựu Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà nội, và Tô Huy Rứa, cựu Ủy viên BCT, Trưởng ban TCCW…
Trong một quốc gia độc tài như Việt Nam, việc chống tham nhũng chỉ là sự đấu đá nội bộ và tranh giành quyền lực của các bè phái, hất cẳng lẫn nhau để thâu tóm lợi ích, mà đằng sau đó là những mối lợi kếch sù đem về cho phe nhóm của mình. Việc dùng chiêu bài “chống tham nhũng” của họ cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Sự giàu có của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, là nguồn cung cấp kinh tài dồi dào cho nhóm Thanh Hóa lâu nay, cùng với quyền lực ngày càng khó kiểm soát của ông Trịnh Văn Chiến đã trở thành tâm điểm mà ông TBT Nguyễn Phú Trọng muốn triệt hạ.
Xem ra trong cuộc chiến này, chiếc ghế Bí thư Tỉnh ủy của ông Trịnh Văn Chiến đang lâm nguy hơn bao giờ hết. Nhưng hãy chờ xem, biết đâu những mãnh lực của đồng đôla của Tập đoàn FLC do Trịnh Văn Quyết đứng đầu sẽ phát huy tác dụng.
Nếu nói như ông TBT Nguyễn Phú Trọng, cần phải kỷ luật vài người để cứu muôn người. Hay nói chính xác hơn là cần loại trừ vài con chuột đã bị lộ để cứu cả triệu con khác, thì chỉ là việc làm trước mắt những vẫn phải làm.
Vì nếu không diệt những con chuột này thì căn bệnh dịch hạch sẽ lây lan và sẽ tiêu diệt tất cả bầy chuột. Lúc đó cái đảng “Quang vinh muôn năm” và ngọn cờ “bách chiến bách thắng” của ông Trọng và cái đảng của ông, cùng với ngôi nhà CHXHCNVN này sẽ hoàn toàn sụp đổ.
Xem ra sinh mạng chính trị của ông Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa có thể chỉ còn đếm từng ngày.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét