Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

CÁI ĐẸP CỨU RỖI CON NGƯỜI


Sắp đến buổi ra mắt GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NGUYỄN ĐÌNH THI - tôi đăng lại bài của anh Trịnh Đình Khôi viết về Ông Nguyễn Đình Thi mà không dám dùng từ nhà ... gì để nói về ông, vì không thể, vì Ông đã phá vỡ những quy tắc đặt tên đó. Và Ông nói: “Dân số Việt Nam có X triệu người cộng với Thị Nở và Chí Phèo”
Mời các bạn quan tâm đến ông chịu khó đọc để hiểu thêm về ông trước khi đến dự buổi gặp mặt.
CÁI ĐẸP CỨU RỖI CON NGƯỜI
Trịnh Đình Khôi

Tôi không thể không viết về Nguyễn Đình Thi, mặc dù tôi đã viết mấy bài về văn chương ông in ở các báo và in sách. Tôi muốn viết về một con người, có đôi chút ấn tượng trong những năm được làm việc với ông. Lúc đó, tôi còn trẻ, tuy ở cơ quan cấp trên nhưng luôn ý thức mình là học trò nhỏ của các ông nhà văn, nhà thơ đàn anh. Tôi với ông làm việc gì với nhau cũng đều thuận lợi. Hình như tôi có lỗi gì trong ăn nói, xử sự ông đều bỏ qua. Mỗi khi nhắc đến Tuyên huấn, giọng ông khiêm tốn, nhỏ nhẹ: “Các anh ở trên Ban...”. Riêng tôi, ông hay gọi “Khôi này...” và xưng mình. Gọi anh cho nó trẻ, thực ra tôi chỉ đáng tuổi con ông. Mỗi khi trao đổi công việc, giọng ông lào thào, nhỏ nhẹ như tâm sự. Cái tự tin và đôi lúc kiêu căng của tôi như dịu xuống khi nhìn vào gương ông. Có thể nói, đó là một ông to mà tôi tâm phục. Khi ông còn là Tổng thư ký Hội Nhà văn cũng như sau này làm Chủ tịch Ủy ban liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi vẫn không thấy ông to vì hình như lúc nào ông cũng làm người bình thường, không quan trọng hóa cái vai trò của mình. Ở các cuộc họp cũng như khi chuyện trò ngoài đời, ông cuốn hút mọi người bằng giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm và những kiến thức uyên bác, sâu sắc. Lúc đó là khi ông đã từng trải lắng đọng và thấu lẽ đời, không còn hùng hồn đứng trên xe Jeep giơ cao cánh tay hô: “Cách mạng thành công” và bắt nhịp cho đoàn người hát trong mít tinh kỷ niệm Cách mạng tháng Tám. Tôi đã được tận mắt nhìn và nghe các anh lớn của văn nghệ phát biểu, thậm chí đấu tranh, gương mặt rất nghiêm, tuy giọng điệu không căng thẳng mà lại rất hùng biện, ý tứ chặt chẽ, lôgic. Tiêu biểu nhất là nhà thơ Chế Lan Viên. Ông đã nói là thiết buộc, là cấm có cựa, thuyết phục cử tọa đến nỗi có chỗ ngụy biện mà cũng hay như chính biện. Ngụy biện mà thuyết phục không phải vừa. Khi Chế Lan Viên sang Châu Âu, ông đã làm sáng danh đất Việt, lôi kéo bao nhiêu trí thức cỡ bự của phương Tây lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Tôi được nghe phó trưởng ban Nguyễn Minh Vỹ, người ký quyết định đưa tôi về Ban Tuyên huấn Trung ương và cũng là người đưa nhà thơ Chế Lan Viên vào với cách mạng. Ông kể lại, khi ông làm phó đoàn ngoại giao Việt Nam cho Bộ trưởng Xuân Thủy ở hội nghị Pari, đi đâu cũng nghe trí thức Pháp nhắc đến Nguyễn Đình Thi và Chế Lan Viên. Khi ông Thi “nhập đồng”, tay chân cũng múa may và giọng nói thì trầm bổng cuốn hút, đôi mắt rợp mi mở to, lấp lánh nụ cười, cái đầu lắc lư. Mái tóc của người sáu, bảy chục tuổi hãy còn xanh, xòa trước trán. Cái ấn tượng rõ nhất của tôi là khi ông đăng đàn ở đại hội nhà văn lần thứ ba hay tư gì đấy. Cái đại hội mà các nhà văn chúng tôi phải lắng nghe “Nguyễn Đình Thi tiễn mình”. Đưa tiễn thế thì cũng thật sang trọng.
Ông là người đa tư, cả nghĩ và cũng cả nể, nhưng không biết có cả tin không? Việc không như ý cũng gượng làm cho vui, không ưa tranh cãi và cũng có cái yếu đuối nghệ sĩ. Nguyễn Đình Thi ứng xử theo lối hòa mà không đồng, không lợi dụng những người thân vào bè cánh. Có lẽ với ông, cái chức Tổng thư ký Hội Nhà văn cũng không là gì nếu có cao vọng. Mà xưa nay mấy anh tài tử lên ngôi? Ông lo tính nhưng không có nhiều toan tính, âm mưu. Kể cả âm mưu ái tình cũng khối lần không thành công, nếu không nói là thất bại. Tôi biết đối với lớp trẻ, ông có để ý đến vài ba người, thân mật nhưng không co kéo đề cao ai, dù bằng lời. Có nhiều người cho rằng ông bị giằng co giữa hai con người quyền lực và nghệ sĩ, điều đó đúng.
Những năm đầu cách mạng, ông khoáng đạt hơn, thơ thới hơn, tự do hơn nên sáng tác có nhiều thành công. Sau này, khi văn nghệ sĩ đã đi vào luồng lạch, đường hướng, chịu ảnh hưởng của lý thuyết này, lý thuyết nọ từ bên ngoài dội vào và đội ngũ có sự phân ngôi, Nguyễn Đình Thi thận trọng hơn, dè dặt hơn; mặc dù vẫn cháy bỏng khát khao sáng tạo vì kháng chiến, vì dân tộc. Đối với “đồng chí”, nhất là cấp trên, ông giữ thái độ lịch sự, xã giao, ân cần, vồn vã mà không khúm núm. Cười hồn nhiên chân thành nhưng dừng lại đúng lúc. Có nhiều lần, ông lên làm việc với ông Lành, ông Độ và người phụ trách văn nghệ lúc bấy giờ, mặc dù giữ lễ độ vẫn ra người có chút kiêu ngầm. Với cái vẻ khiêm tốn mà cốt kiêu, dù có lúc không đồng tình. Ông rất tôn trọng tổ chức, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật, dù trong bụng chưa ưng. Tôi biết trong mắt ông, đám cán bộ Tuyên huấn chúng tôi chỉ là bọn nhà quê, nhưng khi trao đổi trò chuyện ông bình đẳng dè dặt, không lấn át như nhiều bậc cha chú khác. Thái độ gần gũi, thân tình ấy của người có trí tuệ cao, có cương vị lớn nếu không đọc kỹ dễ hiểu có cái gì giả giả. Theo tôi, Nguyễn Đình Thi ứng xử đúng như mình nghĩ với tất cả mọi người. Có thể nghĩ sai, nghĩ đúng. Thái độ ứng xử thể hiện một phần nhân cách con người. Với người trên ra sao, với người dưới thế nào, với bạn bè gia đình có đúng mực không? Trong những cuộc “đấu tranh” ở Hội Nhà văn, tôi thấy ông bình tĩnh, bình tĩnh với cả người mạt sát mình. Đôi khi có người lấn át hay cậy thế có ô che dù chắn, ông nhìn ra họ nhưng vẫn ngọt nhạt không nặng lời. Khi Trung ương quyết định thành lập Đảng đoàn các Hội văn học nghệ thuật, ông đã viết lá thư tay dài một trang cho hai ông Tố Hữu và Trần Độ tỏ ý không nhất trí để anh Nguyên Ngọc làm Bí thư mà nên để anh Chính Hữu làm Bí thư còn anh Ngọc làm phó. Chúng tôi tưởng như lá thư “tuyệt mật” nhưng rồi chính ông ở hội nghị Đảng Đoàn đã nói rõ quan điểm của mình. Có nhiều ý kiến phê phán bản “đề dẫn” rồi anh Nguyên Ngọc vẫn đưa lên ông Lê Đức Thọ, mặc dù ông Lành đã có ý kiến. Lúc ấy, ông Lành có vẻ bối rối, nhưng ông Thi chỉ cười mủm mỉm vẻ như không có gì. Chuyện nhỏ. Đôi mắt xanh lim dim trong khói thuốc nhìn ra xa, không chú ý đến thái độ ông Lành.
Về con người nghệ sĩ và con người quyền chức ở xứ ta thì ai cũng phải lựa chọn, cân nhắc. Con người nghệ sĩ trong Nguyễn Đình Thi đã vượt lên và đã thành công. Một người từng trải, có học vấn cao, dù có nghệ sĩ đến mấy cũng không thoát khỏi khát vọng quyền lực; nhưng không phải ông thao thức dằn vặt mãi đâu. Nguyễn Đình Thi đủ tỉnh táo để nhận ra hòn đá chắn đường và cái biển đỏ từ lâu nên ông an tâm phụng sự nghệ thuật, không mải chạy theo những hư vinh. Nhà văn Nguyễn Đình Thi luôn luôn mơ ước viết một tiểu thuyết về Điện Biên Phủ hoành tráng, xứng đáng với chiến công của dân tộc. Hôm kỷ niệm một năm ngày giỗ đầu của ông ở 51 Trần Hưng Đạo, giáo sư Hà Minh Đức nhắc đến mơ ước của ông và có nói đến cuốn tiểu thuyết “Cán cờ tre” của tôi viết về Điện Biên Phủ. Hơn 500 trang sách và cũng đã được giải thưởng tiểu thuyết của Hội nhà văn và văn học viết về chiến tranh của Bộ Quốc phòng, nhưng tôi biết nó còn bé mọn lắm, tuy vậy, cũng nhờ nó mà tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tặng sách và trao đổi. Sách ra từ quý I năm 2004, trước kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ mà đến tháng 7 năm 2004, tôi mới gặp lại Đại tướng. Tiến sĩ Đỗ Khánh Tặng, Tổng biên tập tạp chí Tư tưởng văn hóa, người đàn anh tìm tôi hỏi:
- Cậu đã tặng sách bác Giáp chưa?
- Em chưa.

- Cậu phải mang sách đến tặng một trong những tác giả lớn của Điện Biên Phủ chứ.
Lúc ấy tôi mới cùng với anh Tặng và một số nhà báo đến. Đại tướng vui vẻ chuyện trò rất cởi mở và hơi dài. Tôi và anh em muốn cáo lui vì đồng chí thư ký đã ra hiệu, nhưng đại tướng vẫn muốn kéo chúng tôi trò chuyện thêm. Biết rằng được gặp ông “vua không ngai” ấy quý giá lắm. Tôi xin thêm ba phút. Ông giơ tay vẫy vẫy: “Cho hẳn sáu phút”. Lúc đó, tôi đâu biết ông Thi cũng mơ ước viết một cuốn về Điện Biên Phủ mà chưa thực hiện được. Sau này, nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai ông nói, tôi mới biết. Có thể tôi không viết được hoành tráng như ông, người trực tiếp chiến trận lại là tác giả lớn. Tuy vậy cũng có chút tự hào mình là người lính chống Mỹ mà cũng cò con được 540 trang sách về Điện Biên Phủ và cũng có vẻ Điện Biên Phủ ra phết. Mừng vì mình làm được một việc nhỏ ngẫu nhiên thôi nhưng cũng theo tâm nguyện của người đi trước. Cho tới nay, sách đã được in lần thứ ba, tất cả hơn một vạn bản.
Nguyễn Đình Thi đa tài, đa tình, phong phú đến giản dị và cũng không thiếu khuyết tật. Nhẽ ra, một người lớn như ông phải cùng các bậc tri giả của thời đại mình góp phần dẫn dắt văn hóa, văn nghệ đến đỉnh vinh quang. Phải nhìn ra và nâng đỡ những tài năng, tạo ra những cái đỉnh. Phải dám lấy cái ghế của mình ra, làm cái dây bảo hiểm cho văn nghệ, cho anh em; vì mình là chủ soái. Phải chỉ ra cái điều tiên cảm của mình là đã thấy mối đe dọa thui chột văn nghệ. Ông dám khẳng định Nam Cao, chú ý đến tài năng bạc mệnh này và có một câu mà ai cũng nhớ: “Dân số Việt Nam có X triệu người cộng với Thị Nở và Chí Phèo”. Ông dám bảo vệ và kiên trì với cái mới trong nghệ thuật. Thơ không vần trong kháng chiến đã bị phê phán kịch liệt, nhưng sau 1954, ông vẫn định cho in, tuy vậy nhưng “thơ chiến sĩ” vẫn không được hành quân thời hòa bình. Ông lặng lẽ khước từ cái phương pháp sáng tác mà nó không hữu dụng, để mặc đội ngũ trong tình trạng hoang tưởng vô bờ bến. Sao ông không là con chim báo bão đối với những vấn đề lớn lao có quan hệ đến quốc gia và vận mệnh của văn nghệ mà chỉ một mình mình biết, một mình mình hay? Sao ông không có gan nói những điều thiết yếu quan hệ đến số phận người cầm bút? Hay cái gương tầy liếp ở những quốc gia, cùng ý thức hệ đã làm ông hoảng hốt? Bao nhiêu bạn bè văn nghệ, cả những người lớn hơn ông phải lưu vong như Bunhin, Patecnac hoặc tuẫn nạn như Fadeep ở Liên Xô, Lão Xá, Đình Linh, Ba Kim... khi “Văn cách” ở Trung Quốc. Nguyễn Đình Thi thừa biết văn hiến của một quốc gia, văn chương của một dân tộc thiết yếu như thế nào đối với sự phát triển tồn vong của quốc gia dân tộc. Nó trông chờ ở những tài năng cá nhân, không phụ thuộc vào một tổ chức nào hết. Đã có lúc ông muốn cải tổ Hội Nhà văn, tập trung vào chăm lo cho những văn tài nhưng bất khả kháng. Dù còn ngổn ngang nhiều việc ông chưa làm cho đời, cho mình và cũng không kịp làm nữa thì ông đã ra đi. Cái quỹ thời gian thật khắc nghiệt. Cho đến những phút cuối cùng, tôi và nhà thơ Hữu Thỉnh vào thăm ông ở bệnh viện, ông còn dặn Hữu Thỉnh phải lo cho anh em viết. Ông có nhiều nỗi đau nhưng không oán trách, bình thản chịu đựng. Ông đã thỏa hiệp với con người và lúc này ông đang thỏa thiệp với thời gian. Đời ông tám mươi cái xuân xanh, cũng là tám mươi cái lá vàng rơi. Chúng tôi đưa tiễn ông xuống tận Mai Dịch, chỗ an tịch ngoài ý muốn của ông, đến lúc ấy ông vẫn tuân lệnh của tổ chức. Không nhiều bạn bè ở đó nhưng lại là cái phố đông vui của những đồng chí quan chức. Sau tang lễ ông, tôi cùng Đỗ Chu đến thăm nhà văn Kim Lân ở ngõ Hạ Hồi. Tác giả “Con chó xấu xí” nói nhiều chuyện về ông Thi và nhắc đến truyện ngắn “Hiệp sĩ gỗ” được Tổng thư ký Hội khuyên son đỏ. Trong câu chuyện, tôi đọc cho nhà văn nghe bài thơ “Lần đầu tiên đèn đỏ vẫn đi qua”. Không phải là người tâm đắc nhiều với thơ nhưng nhà văn Kim Lân gật đầu: “Được!, Nguyễn Đình Thi được thế”. Khi Kim Lân nghe hai câu “Người Hà Nội qua Hồ Gươm lần cuối. Tháp Rùa chào tiễn đưa”. Ông nói: “Người mà đến núi sông cũng phải nghiêng mình tiễn biệt thì cũng ghê đấy chứ?”. Hôm ấy, không hiểu sao, khi về qua Hồ Gươm, tôi lại ngân nga “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây”, khi vượt lên quảng trường Cách mạng tháng Tám trước cửa Nhà hát Lớn, tôi lại cất cao: “Việt Nam! Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm” và hình dung ra anh cha tôi đã gào lên câu đó trong cuộc mít tinh cướp chính quyền ngày cách mạng tháng Tám như thế nào?
Viết về những kỷ niệm với Nguyễn Đình Thi rồi tôi lại muốn thêm đôi dòng về văn chương ông và một vài nhận xét qua sự nghiệp văn chương của nhà văn này. Nguyễn Đình Thi thành công ở điều ông mơ ước và ông đã làm chủ văn chương, nhưng chỉ là khách của quyền lực. Ở chính giới, ông đến sớm rồi lại đi ngay. Như có một thế lực xua ông ra khỏi lãnh địa này. Trong bất hạnh lại chứa nhiều may mắn. Ở dãy quán văn chương, ghé vào quán nào người ta cũng nhớ, cũng thuộc ông. Những quán thi ca, âm nhạc, sân khấu... có tên ông như sang trọng bề thế hơn. Ông bảo: “Tôi (Nguyễn Đình Thi) như con vịt, biết bơi một tí, biết chạy một tí, biết bay một tí”. Lời nói khiêm nhưng kiêu. Tôi nghĩ và mong ông là con chim chỉ biết bay nhưng bay xa, bay cao để đâu đâu người ta cũng thấy Tổ quốc mình. Đó chỉ là mong muốn còn ông Thi vẫn là ông Thi. Ông là con vịt nhưng là con vịt vàng. Bơi một tí, chạy một tí, bay một tí nhưng ba cái tí, mà hai cái tí cũng đã tạo ra nhân loại, nuôi sống và làm nên bao con người. Đúng thế, ông không chuyên môn hóa một thể loại nào, nhưng vì có tài năng mà ông thành người “nhất dĩ quán chi” đa dạng, phong phú. Thơ, văn, nhạc, kịch ông đều có thành tựu, tạo ra cho đời một dòng chảy đặc sắc, một dòng sữa tinh thần nuôi dưỡng con người. Con người xốc tới hăng hái khi hát “Diệt phát xít”, con người ung dung tự tại khi ngân nga “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà Hồ Tây”... Nhiều cung bậc tình cảm và ý thức nhân văn trong thơ ông. Ông viết theo những điều mình tin yêu, viết vì cái đẹp và quan niệm: cái đẹp cứu rỗi con người. Với ông chẳng có phương pháp sáng tác nào gò bó mình. Tình yêu và cái đẹp cứu cánh của văn nghệ. Văn nghệ làm mê đắm con người chính vì nó nói về tình yêu và cái đẹp. Nó cần có tài năng dù chỉ một chút thôi, nếu không câu chữ sẽ trơ ra, vô hồn. Trong những bài viết, bài giảng, Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh điều đó và thành thật khuyên những ai không có tài đừng nên bén mảng đến khu vực này. Hãy đem năng lực thi thố ở những lĩnh vực khác, trên đời muôn vàn nghề nghiệp có ích. Làm văn nghệ phải có một phẩm chất khác, có vẻ ngoại văn chương nhưng rất cần thiết, ấy là bản lĩnh người. Nguyễn Đình Thi là một câu hỏi, là một bài học cho đám văn chương nước nhà trong thời hiện đại. Ông đã đến đỉnh cao chưa? Nếu chưa tới thì cái gì đã cản ông, tài năng, trí thức hay lòng dũng cảm? Các tài năng xưa, nhà văn hóa, nhà khoa học đều phải đương đầu với sự thật. Thậm chí có người lên giàn hỏa thiêu chỉ vì bảo vệ sự thật. Chưa có câu trả lời dứt khoát, nhưng ai cũng phải thừa nhận ông là người tài năng hàng đầu, hiếm có trong văn học Việt Nam. Ông là kịch tác gia xuất sắc hay văn hào, thi hào vẫn còn là một câu hỏi.
Đối với một nhà văn, nhà thơ hay rộng ra một trí thức thường phải có, hay ít nhất phải có ba phẩm chất ban đầu: tri thức, tài năng và lòng dũng cảm, dũng cảm trước trang viết, dũng cảm trước ghế ngồi. Ông và một vài người khác là bài học đắt giá cho người đến sau nếu chọn nghề cầm bút. Nhà văn ta, trí thức ta nhiều người có hai phẩm chất ban đầu nhưng một số người còn thiếu phẩm chất thứ ba. Nguyễn Đình Thi hình như cũng có lúc không ngoài tiền lệ đó. Nếu có đủ phẩm chất này, chắc ông còn có thể sáng tạo ra những tác phẩm vươn tới những tầm cao hơn và mãi thành nghệ sĩ của muôn đời.
Văn nghệ ta lâu nay thường kêu thiếu những cái đỉnh. Thế nào là đỉnh thì phải bàn, nhưng thiếu cái hay, cái mới có lẽ một phần vì nhà văn ta không dám đi tới cùng. Chúng ta trông chờ ở những trí thức tài năng như Nguyễn Đình Thi và lớp người cùng thế hệ ông hơn những thế hệ sau, vì hình như cách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc tài năng của ta không tạo ra nghệ sĩ lớn. Họ thiếu cả những phẩm chất ban đầu, đặc biệt phẩm chất thứ ba là lòng dũng cảm, dũng cảm làm nghề tới mức tri giả, hiếu giả, lạc giả. Cái gì đã tạo nên điều đó: cơ chế tuyển chọn, cơ chế sử dụng, hành vi quan chức hóa trí thức, quyền lực hóa chuyên môn tai hại đã không tạo ra được lực lượng độc lập, có tiếng nói riêng phục vụ cho quốc gia dân tộc. Con mắt chính thống luôn có cái nhìn khác đối với những tổ chức này. Mặc dù họ rất có ý thức “phò chính trừ tà”. Những điều can hệ đến quốc gia, dân tộc hình như đã có người lo. Họ ở ngoài cuộc, bị gạt ra khỏi những nghĩ suy, lo toan lớn lao, mặc dù họ đều thuộc câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” đành phải nhàn tản ngâm nga câu thơ Đường: “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn”. Nhưng thế sự lại không buông tha họ. Đề cao quyền lực, coi đó là thang bậc giá trị để đánh giá con người. Thành đạt hay không thành đạt, tiến bộ hay không tiến bộ, người ta thường nhìn vào chức vụ. Hơn thế lại nhà nước hóa các cơ quan chuyên môn, thay chuyên gia, thủ lĩnh bằng thủ trưởng, bí thư. Quyền lực dân cử qua bầu bán lại không bằng nhà nước cử. Một ông Tổng thư ký hay Chủ tịch các Hội được anh em bầu lại không bằng cán bộ được trên cất nhắc. Một Cù Huy Cận, một Trần Hoàn Thứ trưởng, Bộ trưởng hơn hẳn các ông Chủ tịch các Hội kể cả Nguyễn Đình Thi, mặc dù trước đó ông Thi đã được dân cử làm thường trực Quốc hội và đề nghị làm Bộ trưởng Văn hóa từ rất sớm. Cũng may chỉ có tí quyền ảo , nên tri thức tài năng Nguyễn Đình Thi còn được ít thơ, ít nhạc mon men đến đỉnh cao. Văn nghệ sĩ trí thức vốn không ưa quyền lực, nhưng cơ chế bắt buộc họ nhẫn nhục làm chuyên môn, hoặc bỏ chuyên môn lao theo quyền lực, phục vụ quyền lực.
Nhà văn phải đối mặt với sự thật, đối mặt với những người quản lý sự thật, và cái chỗ ngồi của mình, vì nó liên quan đến chuyện cơm áo. “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Những ngày đầu trong trẻo, Nguyễn Đình Thi viết được nhiều và viết hay. Đầy phẩm chất nghệ sĩ và cũng suy tư triết học trong văn, rất hiện thực và cũng rất siêu thực trong thơ. “Dây thép gai đâm nát trời chiều” và bao câu thơ, bài thơ khác cứ mơ mơ màng màng, dắt người đọc vào cõi thực rồi lại kéo người ta đi xa hơn. Cao giọng ồn ào bên ngoài vẫn không giấu được khoảng lặng tâm tư. “Sóng reo” vẫn không át “Hoa chua me đất”. Ông là một nghệ sĩ có niềm vui và cũng lắm nỗi đau của người sống nhiều, biết nhiều và hiểu nhiều. âu cũng là cái chung của trí thức Việt Nam từ thời “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”.
Dần dần, do ảnh hưởng của thời thế chính trị vào văn nghệ, ông luôn luôn phải lựa chọn. Trong ông xuất hiện những mâu thuẫn nội tâm, trăn trở bao nỗi phân vân. Con người chính trị với con người văn nghệ dằng co trong ông. Tác phẩm của ông, nhất là những vở kịch thể hiện rõ tâm trạng này. Ông quan tâm đến mối quan hệ giữa quyền lực và dân chủ. Có thể nói, tính nhân dân trong tác phẩm Nguyễn Đình Thi rất cao. Ông nói tự nhiên, ông viết tự nhiên như đời sống. Ngôn ngữ của ông trau chuốt, sang trọng mà vẫn giản dị. Ông có nhiều thành công nhưng hình như chưa xứng với tài năng của ông.
Có nhiều nhà văn nhờ thời thế mà thành. Ông là nhà văn có trước thời thế hay nói đúng hơn tài năng ông đón nhận thời thế sinh thành tác phẩm. Ông là người chứng kiến nhiều biến cố của lịch sử, tham dự vào lịch sử, thấy được cái hào hùng và cũng phải nhìn cái lầm lạc của lịch sử. Lẽ ra nó phải phát triển theo dòng chảy tự nhiên, con người đừng can dự quá nhiều. Sinh sự sự sinh, gây ra nhiều chuyện phiền hà. Sự chậm trễ kém phát triển của dân tộc hình như từ đó mà ra. Những điều này có sự dự báo trong các tác phẩm của ông, đặc biệt trong các vở kịch. Nguyễn Đình Thi là nhà văn có nhiều tìm tòi, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm, xứng đáng vai trò dẫn dắt. Thơ ông giàu cảm xúc riêng tư và đầy trí tuệ. Vì thế, ông được nhiều người ngưỡng mộ. Ông có một lối đi riêng dung hòa con người riêng chung để cuối cùng bật lên con người cá nhân đầy tâm trạng và nhân bản. Những bài thơ có nhiều dị bản vì sửa chữa nhiều và thêm thắt, những chi tiết kịch khi đã lên sàn diễn còn thay đổi, đầy công phu. Ông nhận rõ cứu cánh của nghệ thuật, ngay từ khi mới cầm bút. Tuy đôi lúc cũng phải thời thượng tư tưởng kể cả nghệ thuật, thơ không vần sang có vần, chính kịch xen dân gian. Cuối đời lại trở về chính mình. Tình yêu thật và vẻ đẹp thuần khiết. Tất cả nhi nhiên không lưỡng phân, trăn trở.
Nguyễn Đình Thi uyên bác nên ông đã chọn thơ, chọn nhạc, thứ nghệ thuật chìm ẩn đa tầng không dễ bắt bẻ, sau khi đã vất vả mà thành công không nhiều ở văn xuôi. Bị cấm đoán ở kịch, ông đã trốn vào đề tài lịch sử để tránh bị va chạm. Ông nói cái chung của con người, của lịch sử ở nhiều thời chứ không viết người thực, việc thực bằng nghệ thuật. Vậy mà người ta vẫn nghĩ ông lấy xưa nói nay. Tôi còn nhớ trong hội nghị Đảng Đoàn của Hội nhà văn Việt Nam, có đồng chí Trần Độ lúc đó là phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, phụ trách văn hóa văn nghệ dự ngày 18 tháng 11 năm 1980, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã phải nói: “Nhân có anh Độ, tôi xin nói với anh về việc riêng của tôi. Mong rằng trên hiểu rõ cho tôi. Dư luận nói tôi viết vở Nguyễn Trãi định ám chỉ một đồng chí nào là không đúng. Suy nghĩ và nguyện vọng của tôi là được viết những điều mình thấy là nên viết. Trong phê bình của Trung ương về vở Nguyễn Trãi, tôi xin phép không tiếp nhận điều phê bình là tác phẩm có biểu tượng hai mặt, vì tôi không có những ý nghĩ đó”. Nguyễn Đình Thi không thanh minh với Trần Độ mà nói rõ thái độ của mình với Trung ương.
Nguyễn Đình Thi còn phải như thế thì đội ngũ đàn em “Kinh cung chỉ điểu” chỉ dám lao vào tìm hiểu cái mới trong những điều “khổ lắm nói mãi” để nói lại, viết lại; nên không có được cái gì hay, cái gì lớn, đành nhắc lại quá khứ, điểm lại những thành tựu của ông cha hoặc tìm về với văn nghệ lãng mạn, mộng mơ của một thời Hà Nội, một thời Việt Nam để dẫn chứng mỗi khi cần, và muốn hiện đại thì chỉ còn biết vọng ngoại. Trong văn nghệ cần phải tìm sự thật cho ra sự thật, sự thật bản chất chứ không phải những chi tiết thật, chuyện có thật. Thế nên, cái chúng ta thấy đôi lúc chưa phải là sự thật và kết quả là tạo ra không ít tác những tác phẩm tẻ nhạt. Điều đó cũng không hoàn toàn là lỗi của khách quan mà trước hết là ở chính nhà văn. Anh phải thoát khỏi sợi dây vô hình, những ám ảnh thường trực để sáng tạo, sau khi đã có trí thức và tài năng. Sự thật mơ ước, sự thật đúng đạo có chỗ đứng một thời trong văn chương không còn hấp dẫn độc giả ngày hôm nay. Muốn đổi mới, ta phải biết hoài nghi, phải biết tự cười mình và ra khỏi cơn hoang tưởng , sự mê hoặc để biến đổi. Những điều có thể làm nên tác phẩm lớn, tác phẩm hay, dường như đang ở phía trước. Hy vọng có những tài năng kế tiếp Nguyễn Đình Thi. Chúng ta mong có nhiều người kế cận Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, ra xa hơn Lý Đỗ, Lỗ Tấn rồi Kafka, Marquer. Không thể có những người lớn mà chỉ nói việc tầm thường. Cuộc sống và sự thật rộng lớn sâu xa, người nghệ sĩ phải kiếm tìm, không thể hời hợt, dễ dãi. Tư tưởng và tài năng song hành cùng sự thật mới hi vọng tiếp cận chân lý đời sống và ra được tác phẩm hay. Phải can đảm là một con người thì mới có con người, có nhân vật trong tác phẩm. Có lẽ Nguyễn Đình Thi ý thức điều đó nên những vở kịch của ông hình như đã tiếp cận được sự thật và cuộc sống. Từ “Giấc mơ”, “Con nai đen”, đến “Hoa và Ngần”, “Rừng trúc”, “Hòn Cuội” rồi “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”... Nguyễn Đình Thi tuy chưa có những tác phẩm khổng lồ như các bậc cha anh, vượt qua thời văn hóa tuyên truyền của mình nhưng đã đứng trên sự đói khát danh tiếng của đám đàn em và vẫn là một tài năng hiếm có.
Vậy là có trí thức, tài năng rồi phải có lòng dũng cảm. Như thế mới hy vọng có thành công, và ngước lên nhìn đỉnh cao. Bên ngoài ta, không có cơ quan quản lý sự thật, không thiếu lòng dũng cảm mà bao con người còn chật vật nếu muốn vươn tới đỉnh cao. Khó vậy thay! Chúng ta trông chờ thế hệ trẻ như đã trông chờ Nguyễn Đình Thi và những người cùng thế hệ ông.
Kết thúc phần viết về Nguyễn Đình Thi, tôi xin chép lại bài thơ tưởng nhớ ông của tôi, vào cái tháng tư mưa bụi ấy, bài đã đăng báo và in sách.
LẦN ĐẦU TIÊN ĐÈN ĐỎ VẪN ĐI QUA
Tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Thi
Trịnh Đình Khôi
Đã toan ngồi ô tô
Lại bộ hành khao khát đường thơ
Tệp giấy nháp loay hoay viết xóa
Cây bút run run ánh đèn màu đỏ
Ôm tráng ca vào nghị viện
Bẽn lẽn giữa nhiều ánh sáng
Hội trường đèn đỏ đèn xanh
Đêm nghe tiếng đọc thơ và hát
Rưng rưng buồn chén rượu vơi và lạnh
Hành trình thơ
Hành trình nhạc
Hành trình đau
Cái đẹp dắt ta đi mãi
Âm vang sinh tự lặng im
Mười ba giờ bốn mươi lăm
“Người Hà Nội” qua Hồ Gươm lần cuối
Tháp Rùa chào tiễn đưa
Lần đầu tiên đèn đỏ vẫn đi qua
Người chen người, ngã tư ngơ ngác
Im lặng nhìn im lặng
Ngoài ý muốn của mình
Cả đường về Mai Dịch.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét