Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

SỬ DỤNG VŨ KHÍ MỸ, HỦY DIỆT QUÂN TRUNG QUỐC TẠI CHIẾN TRƯỜNG VỊ XUYÊN ( Phần 3)


Điều tra của FB Phạm Viết Đào
Nhân chứng 2: Thiếu tá Hoàng Cường- Trận 31/5/1985, ta đã lừa được Trung Quốc
Đăng ngày: 08:20 19-04-2011
Thiếu tá Hoàng Cường-Nguyên Trợ lý tác chiến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên
Trong năm 1985, chúng tôi được cấp trên hoan hỷ báo tin: ta đã lừa được Trung Quốc một trận. Ta đã dùng kế dụ địch và kết hợp dùng hỏa lực pháo binh, bắn phá trong một ngày đêm liền; kết quả theo thông tin chúng tôi được phổ biến, pháo binh của ta đã tiêu diệt, xóa sổ được cả một sư đoàn quân chủ lực của Bắc Kinh?
Sáng thứ 7 ngày 15/4/2011, đúng 8 giờ, tôi gọi điện cho ông Nguyễn Tấn Trọng, ( người mà tôi quen tình cờ trên chuyến xe khách Hà Nội-Hà Giang), xem đêm qua ông đã liên hệ giúp tôi để sáng nay tôi gặp và hỏi chuyện ông Hoàng Cường không? Đầu dây, ông Trọng cho biết, ông đang chuẩn bị đến nhà ông Hoàng Cường, nếu ông Hoàng Cường nhận lời, ông sẽ gọi điện lại cho tôi…
Đợi đến 9 giờ, vẫn không thấy động tĩnh gì, tôi lại gọi điện cho ông Nguyễn Tấn Trọng, ông Trọng cho biết: “Tôi đang ngồi ở nhà ông Hoàng Cường đây. Ông Hoàng Cường đang mệt, ông cũng không còn nhớ nhiều về cuộc chiến đã xảy cách đây hơn 20năm…”
Tôi hơi thất vọng. Nhưng ông Trọng lại cho biết, nếu anh đến chơi ông Hoàng Cường sẽ tiếp. Tôi hỏi địa chỉ. Ông Trọng dặn bắt tăxi đến Nhà văn hóa phường Cầu Phát, ông Trọng sẽ ra đón tôi…
Vào nhà, thấy Thiếu tá Hoàng Cường không lộ cái vẻ gì là mệt mỏi cả, trông ông đã gần 80 mươi nhưng vẫn còn còn quắc thước, đĩnh đạc. Sau một hồi giao đãi đủ chuyện để làn tan băng cái không khí ngại ngần.
Ông Hoàng Cường năm nay 78 tuổi, ông tham gia quân đội từ năm 1950, lúc ông 17 tuổi. Trong thời kỳ chiến tranh chống bành trướng Bắc Kinh, ông là Trợ lý tác chiến của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên, lúc đó ông mang hàm Trung úy; ông về hưu năm 1994 với quân hàm Thiếu tá..
Sau đây là những điều mà ông Hoàng Cường trao đổi
P.V.Đ:-Là một sĩ quan trợ lý tác chiến của Mặt trận Hà Giang, theo bác vì sao Trung Quốc lại mở những trận đánh lớn tại mặt trận này để nhằm mục đích gì?
-Thiếu tá Hoàng Cường:

Theo tôi, Trung Quốc chính thức mở mặt trận Hà Giang đầu năm 1984, tập trung quân và phương tiện chiến tranh để đánh những trận đánh lớn chắc không nhằm mục đích chính là để chiếm đất. Có lẽ họ muốn sử dụng địa bàn Hà Giang để thể nghiệm và áp dụng binh pháp mới của họ; Họ muốn biến Hà Giang thành một “cái bẫy”, một loại “cối xay thịt” để hút lực lượng ta vào đây để tiêu hao, để trả thù cho những thất bại trong cuộc chiến 1979 của họ…Về phương diện này họ rất giỏi…
Đầu năm 1984 mới mở mặt trận tại Hà Giang khởi đầu bằng việc đánh chiếm một số cao điểm như 1509, như Núi Bạc ( Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn ) và một số cao điểm xung quanh cửa khẩu Thanh Thủy như Bình độ 400, Bình độ 200… Với lợi thế bất ngờ và hỏa lực áp đảo, họ đã đẩy lùi quân ta tại một số cao điểm trong giai đoạn đầu…
Tuy bị bất ngờ tấn công, về phía Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên lúc đó cũng đã vạch ra các phương án tác chiến đối với các tình huống xấu nhất:
- Phương án 1: nếu Trung Quốc chiếm Thanh Thủy thì lập tức cho đánh sập dãy lèn đá ở cây số 18; ta đã cho gài sẵn hàng tấn thuốc nổ ở đây. Nếu Trung Quốc vào được Thanh Thủy thì cho nổ mìn, đánh sập núi để đá đổ xuống đường, cản xe cơ giới. Vì đây là con đường độc đạo, một bên là lèn đá, một bên là Sông Lô…
-Phương án 2: nếu mất Thị xã Hà Giang thì sẽ lập phòng tuyến ở Bắc Quang…
Do quan điểm của ta lúc đó là một tấc đất cũng không để mất…Vì thế nên khi bị Trung Quốc đánh bất ngờ, chiếm đất của ta thì chúng ta buộc lòng phải phản công lấy lại…Đó chính là lý do của những trận đánh ác liệt, giằng co trong năm 1984 và 1985, cả hai bên đều chịu nhiều tổn thất…
Trận 12/7/1984 là trận đánh lớn nhất thể hiện quyết tâm giành lại những cao điểm bị mất ở khu vực Thanh Thủy; chính khi chúng ta ra quyết tâm, chúng ta đã trúng kế của Trung Quốc, rơi vào bẫy của Trung Quốc…
Sau trận này, chúng ta đã rút ra bài học, thay đổi cách đánh; từ sau trận 12/7/1984, chúng ta ít tập trung phát động những chiến dịch lớn lớn bộ binh để giành lại chốt; sau 1985 thì chủ yếu dùng pháo binh để nói chuyện phải trái với Trung Quốc…
Khi dùng pháo binh thì hiệu quả hơn, đỡ thương vong cho bộ đội ta hơn…
P.V.Đ: Trong năm 1985, theo bác có trận nào chúng ta đã đánh trả Trung Quốc đáng chú ý không ?
Trong năm 1985, chúng tôi được cấp trên hoan hỷ báo tin: đã lừa được Trung Quốc một trận. Ta đã dùng mẹo dụ địch, kết hợp hỏa lực pháo binh, bắn phá trong một ngày đêm liền; kết quả theo thông tin chúng tôi được phổ biến, pháo binh của ta đã tiêu diệt, xóa sổ được cả một sư đoàn quân chủ lực của Bắc Kinh?
Sau trận này, quân dân Vị Xuyên được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang…Đánh trận đó theo thông tin mà tôi nắm được là do Sư 313 đánh; Sư 313 sau khi để mất 1509 và chịu nhiều thiệt hại, được củng cố trở lại và tăng cường lực lượng pháo binh và đây là trận ta đã lừa được Trung Quốc…
( Còn lừa như thế nào, tôi có gặng hỏi nhưng ông Hoàng Cường không kể… Đây là thông tin mà tình cờ Thiếu tá Hoàng Cường buột mồm kể ra, không biết có trùng với trận thảm bại của Trung Quốc trong ngày 31/5/1985 tại Cao điểm mà Trung Quốc gọi là 211? Đó là trận do Tướng Túc Nhung Sinh con trai của Đại tướng Túc Dụ cầm quân? Thông tin đã đăng trên blog trong kỳ 22…)
Trở lại những năm tháng đó, tôi gợi thêm một số vấn đề nhưng Thiếu tá Hoàng Cường có vẻ ngần ngại, thoái thác với lý do lâu ngày quên, ngay sổ tay hồi đó nhiều phiên họp cá nhân cũng không được giữ, không được ghi chép. Ông hứa sẽ liên hệ giới thiệu tôi với cấp trên của ông hiện đang ở Hà Giang, để có thể cung câp những thông tín chính xác hơn về những điều mà tôi muốn tìm hiểu…
Ông Nguyễn Tấn Trọng cho biết: sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ, sau 4 ngày cửa khẩu thông thương, ông đã sang bên Trung Quốc để xem các trận địa của phía Trung Quốc. Theo ông Trọng thì: nhiều trận địa pháo của Trung Quốc được đặt trong hầm núi, có đường ray để lúc bắn thì kéo ra, lúc dừng thì đẩy vào trong. Đường ôtô vào tận các trận địa pháo và theo như cựu chiến binh Trung Quốc kể lại thì: mỗi khẩu pháo có 3 chiếc xe tiếp đạn…Phía Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ càng trước đó cho những trận đánh từ 1984 về sau…
Còn phía ta, theo một số cựu chiến binh của Sư 313, chúng ta đã mang cả kachiusa và 6 quả bom bay lên sẵn sàng ăn thua với quân Trung Quốc nếu chúng vào sâu. Theo các cựu chiến bình thì bom bay là của Mỹ ta thu được của Mỹ trong năm 1975; để sử dụng được bom bay, VS Trần Đại Nghĩa đã cải tiến nó để sử dụng được không cần máy bay. Mỹ sử dụng bom bay bằng máy bay. Mỗi quả khi nổ có khả năng sát thương trong vòng 2 km2, hiệu quả hơn B.52 của Mỹ.
Nhân chúng 3: Đại tá Đỗ Văn Trì, Sư trưởng 313- Trận 31/5/1985 ta tiêu diệt 3500 quân Trung Quốc …
(https://www.youtube.com/watch?v=tcUG1ojcdVM)
Sau khi gặp Thiếu tá Hoàng Cường tháng 3/2011, Đại tá Bùi Như Lạc 4/2012, Ngày 10/3/2013 tại Nhà hàng Trúc Bạch 1, Hà Nội, các CCB F 313 tổ chức gặp mặt,tôi trực tiếp nghe Đại tá Đỗ Văn Trì, nguyênSư trưởng F 313 có kể về trận các trận đánh tại khu vực ngã ba Thanh Thủy.
Con số 3500 lính Trung Quốc bị tiêu diệt trong trận tháng 31/5/1985 là con số mà tôi được nghe Đại tá Đỗ Văn Trì kể trong cuộc gặp này;
Theo Đại tá Đỗ Văn Trì: Có những ngày, đêm quân Trung Quốc bắn sang trận địa của ta 16 vạn phát đại bác; quân F 313 bắn trả 11 vạn phát...; Nhiều mỏm đồi đá ở khu vực Thanh Thủy bị đạn pháo nung thành vôi, san thấp xuống tới 3 m!
Đại tá Đỗ Văn Trì-Nguyên Sư trưởng F 313:
Tôi và nhiều anh em ở đây trước khi lên chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên từng chiến đấu ở chiến trường miền nam. Tôi trưởng thành từ là người lính của E 74, F 316, được phong Anh hùng quân đội, sau đó đảm nhận Trung đoàn 48; anh Đào Trọng Lịch, ( nguyên Tư lệnh Quân khu 2, một thời gian Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đảm nhận Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74-F 316...
Trong trận đánh vào Buôn Mê Thuột tháng 3/1975, Trung đoàn 48 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng tại trận...Sau 1975, sau khi đi học về tôi được điều về Quân khu 2, làm Sư trưởng Sư 313, một sư đoàn độc lập của Quân khu 2...
Chiến tranh chống Mỹ đã ác liệt nhưng đánh nhau với Trung Quốc ở Vị Xuyên-Hà Giang ác liệt hơn nhiều…
Các đồng chí còn nhớ có những trận, trong một ngày đêm phía Trung Quốc bắn sang trận địa ta 16 vạn quả pháo; Phía 313 cũng đã bắn lại phía Trung Quốc 11 vạn quả pháo...
Trong chiến tranh chống Mỹ, chưa có cao điểm trận địa nào bị pháo bắn làm cho sạt thấp xuống như ở Vị Xuyên-Hà Giang; mà đó lại là những núi đá vôi ( Cao điểm 685-Lò vôi thế kỷ) thấp so với trước chiến tranh tới 3 m...
Tôi trở thành anh hùng quân đội từ lính, nhưng trong chiến tranh chống Mỹ, tôi chưa đánh giáp lá cà trận nào; ở Vị Xuyên-Hà Giang, nhiều trận lính F 313 đã đánh giáp lá cà với quân Trung Quốc...
F 313 là một sư đoàn chủ lực, quân số đông, ngoài 4 trung đoàn còn được trên điều bổ sung thêm 4 trung đoàn. Tổng cộng 8 trung đoàn làm nhiệm vụ phòng thủ Hà Giang...
F 313 đã đánh trận nổi tiếng tiêu diệt 3000 quân Trung Quốc lấn chiếm Đồi Đài ( Trận đánh xảy ra 1985 tại Cao điểm 400) ở khu vực Thanh Thủy-Vị Xuyên. Về trận này khi qua Thái Lan, báo chí Thái Lan hỏi, Triệu Tử Dương (Thủ tướng Trung Quốc) thừa nhận thất bại nhưng chỉ dám nói là chết 500 quân. Theo tài liệu của quân báo ta, Trung Quốc thiệt hại trên 3000 quân...(*)
Để tạo bước ngoặt về tinh thần cho bộ đội, trên giao nhiệm vụ cho F 313 tìm phương án tác chiến...Lãnh đạo 313 đã quyết định chọn Đồi Đài làm trận đánh quyết chiến với quân Trung Quốc...
Về trận đánh Đồi Đài ( Cao điểm 400 tại khu vực cử khẩu Thanh Thủy), trên đã điều về cho F 313 Trung đoàn 567 của Quân khu 1 sang Vị Xuyên, chiến đấu để lập thêm thành tích...Đây là một Trung đoàn anh hùng đã lập thành tích đánh Trung Quốc...
Khi E 567 sang Hà Giang, đơn vị đã bố trí 1 tiểu đoàn chọn một ngọn đồi đá có địa hình giống Đồi Đài để luyện tập trong 1 tháng; Khi luyện tập xong, chuẩn bị xuất quân thì tiểu đoàn này đào ngũ sạch; Sau đó Sư 313 lại chọn tiểu đoàn khác của E 567, tập lại...
F 313 chọn Đồi Đài là chọn phương thức đánh bóc vỏ, ngay trong tối hôm đầu xuất quân, trinh sát đã gỡ 85 quả mình...Tôi đã xác định với anh em, đánh xong Đồi Đài,chúng ta còn phải đánh thêm 20 trận nữa...Nhắc lại chuyện này để nói lên sự ác liệt của chiến trường Vị Xuyên mà tôi và các đồng chí ngồi ở đây từng phải trải qua...
Hiện nay, tôi có suy nghĩ: Riêng Sư 313 hiện còn trên 1000 bộ đội ta hy sinh ở chiến trường Vị Xuyên-Hà Giang chưa biết tên, tuổi, phần thi thể nằm rải ra khắp nơi chưa được tìm thấy?! Ai phải chịu trách nhiệm việc này đây?
( Còn nữa)
<iframe width="589" height="442" src="https://www.youtube.com/embed/tcUG1ojcdVM" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

Rút từ trong Biên khảo gần 1000 trang:" VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"...
Bạn đọc có nhu cầu chia sẻ xin liên hệ với tác giả Phạm Viết Đào qua email: Hoanghtham9@gmail.com; ĐT: 0382598746



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét