Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

Tiếng Thu ( 1939 ) - Lưu Trọng Lư

 

Tiếng thu (1939) – Lưu Trọng Lư

Tập thơ Tiếng thu (Librairie Centrale ấn hành, 1939).

HÔM QUA

Hôm qua bạn ạ! Ta chiêm bao:
Gò ngựa bên sông, dưới gốc đào
Sớm ấy, đông qua đào chín ửng
Ta trèo vin hái trên cành cao.

Đằng xa bỗng thấy đò em lại
Sông lặng em bơi nhẹ mái chèo.
Lộng lẫy trong màu xiêm áo biếc
Như nàng tiên nữ động Quỳnh Diêu.

Em ca theo điệu người sơn nữ
Cắt cỏ bên đồi, giọng líu lo
Vùn vụt gió lên: tà áo nhảy
Sóng xô, vỗ nhẹ dưới khoang đò.

Thấy ta ngừng hát, em cười lả
Ta thưởng vất em một quả đào
Ta ngỏ nhờ em đưa quá bến
Em cười, ta vội xuống cây mau.

Than ôi! Ngoảnh lại, biến đâu rồi!
Còn vẳng trên đồi giọng hát thôi.
Sao chẳng, em ôi! Chầm chậm lại
Cho tình duyên ấy gửi đôi lời...

Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh:
Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi!
Muốn gọi tên nàng nhưng ái ngại
Ngoài thềm lác đác bóng hoa rơi.

Nàng còn lưu lại chút hương xa
Tạ lòng, ta tặng mấy vần thơ
Thơ ta cũng giống tình nàng vậy
Mộng, mộng mà thôi! Mộng hão hờ.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

NẮNG MỚI

 

Tặng hương hồn thầy mẹ.

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác, gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.

Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.


Một số bản in các chữ “mẹ” là “me”.

Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
3. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

THƠ SẦU RỤNG

ặng Hoài Thanh, người bạn đầu tiên đã đưa lại cho ta cái hương vị say nồng của cuộc đời và của văn chương.

Vừng trăng từ độ lên ngôi,
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ.
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo.
Năm năm tiếng lụa xe đều.
Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây.

Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay.
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng,
Thời gian lặng rớt một dòng buồn tênh.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
3. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

BAO LA SẦU

Nhớ em trong ánh trăng mờ,
Sóng cây gió gợn trời bao la sầu.
Chim chi gọi mãi bên cầu:
Phải chòm sao rụng trước lầu hở em?
Lắng nghe trăng giãi bên thềm,
Lắng nghe trăng giãi bên thềm... ái ân.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

ĐAN ÁO

Tặng người thiếu nữ khi mùa đông mới về, vội vàng đan áo rét.

Ngày tháng em đan chiếc áo len
Hững hờ để lạnh với tình duyên.
Mùa đông đến tự hôm nào nhỉ?
Lá rụng bay đầy dưới mái hiên.

Gió thổi, hôm nay lá rụng nhiều.
Cậy em đan hộ tấm tình yêu
Để về mang ủ lòng anh lạnh
Cho khoảng đêm trường đỡ quạnh hiu.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

LÁ MỒNG TƠI

(Tặng hương hồn một bác sĩ)

Hoa lá quanh nàng lác đác rơi
Cuối vườn đeo giỏ hái mồng tơi
Mồng tơi ứa đỏ đôi tay nõn
Có bé nhìn tay nhí nhảnh cười

Cách tường tiếng gọi khẽ đưa sang
Rẽ lá cô em trốn vội vàng
Quên giỏ mồng tơi bên giậu vắng
Ta qua nhặt lấy gửi đưa nàng

Năm tháng ta vui chốn bụi hồng
Cảnh xưa 
gò ngựa một chiều đông,
Cây trơ, giậu đổ, mồng tơi héo
Cô bé vườn bên đã lấy chồng.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

 

TÚP LỀU CŨ

Tặng Thanh Thuỷ

Từ buổi Thạch Sùng sạch hết khố
Thế gian còn ai khoe giàu có.
Hôm nay hoạ có vợ chồng tôi
Cùng bảo: ta giàu một túp cỏ.


Buổi mai kia một cặp uyên ương
Nhắm bến Ngân Sơn ghé con thuyền;
Ai cũng bảo là khách du ngoạn,
Như con bươm bướm tiết đầu thiên;
Thấy non sông đẹp dừng một phút
Xem mỏi mắt rồi lại đi liền.
Nào hay đã nặng tình với bến
Ngày một ngày hai, thuyền đậu yên.

Lận đận mấy thu mưa lẫn gió,
Đã thấy đầu non một cảnh tiên,
Nhà cỏ ba gian, vườn một khoảnh,
Có hồng, có táo, có đào tiên.
Lủi thủi tháng ngày hai chiếc bóng,
Ra vào may có gió trăng quen.
Cũng có lúc giở chồng sách cũ
Kề vai nhau hầu chuyện thánh hiền;
Cũng có lúc xem tờ nhật báo
Đọc chuyện năm châu, cười ngả nghiêng.

Một buổi trăng thu chồng thử vợ:
Đôi ta sớm nặng thú thiên nhiên,
Hãy đợi lúc răng long đầu bạc
Về đây ngồi ngắm bóng trăng lên.
Danh lợi chờ ta nơi thềm ngọc;
Cỏ cây bịn rịn ấy sao nên?
Một khoảng vườn con trao thú giữ
Ba gian nhà cỏ mặc rêu in...
Nghe chồng nói, vợ cười khanh khách:
“Anh còn lắm nợ trần duyên!
Anh trẻ, anh về nơi gió bụi
Em già, em ở lại non tiên.
Tuổi em non mà lòng chẳng trẻ,
Sự đời như đã trải trăm niên.
Về đi, tuổi trẻ còn hăng hái
Có danh có giá, có bạc tiền.
Về đi, tuổi trẻ còn hăng hái:
Có chị phù dung, cuộc đỏ đen...

Giữa nơi cát bụi anh lăn lộn,
Ở non cao, em phóng mắt nhìn
Thôi ân ái dành khi tái ngộ!
Tình em đã nguyện với chim quyên”.


Trong bản in đầu (Tiếng thu, 1939), tên bài thơ là Túp lều cỏ.

Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

GIANG HỒ

Tặng Nguyễn và Hoàng, hai vị anh hùng của một ngày mưa gió.

Mời anh cạn hết chén này,
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn.
Tiếng gà đã rộn trong thôn,
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay.
Để lòng với rượu cùng say,
Chừ đây lời nói chua cay lạ thường!
Chừ đây đêm hãy đầy sương,
Con thuyền còn buộc, trăng buông lạnh lùng!
Chừ đây trăng nước não nùng,
Chừ đây hoa cỏ bên sông rũ buồn.

Tiếng gà lại rộn trong thôn...
Khoan đừng tơ tưởng vợ con ở nhà
Giờ này còn của đôi ta,
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người,
Ô sao rượu chẳng kề môi,
Lời đâu kiều diễm cho nguôi lòng chàng?

              *

Tay em nâng chén hoàng hoa,
Sá gì hớp rượu vì ta bận lòng.
Hãy gượm lắng nghe dòng sông chảy,
Gió đùa trăng trên bãi lạnh lùng.
Sá gì hớp rượu, bận lòng,
Đợi gì môi nhấp rượu nồng mới say?
Hãy nhích lại đưa tay ta nắm
Hãy buông ra đằm thắm nhìn nhau.
Rồi trong những phút giây lâu,
Mắt sầu gợn sóng, lòng đau rộn tình.

Phút giây ấy, ta mình ngây ngất,
Bỗng con thuyền buộc chặt, rời cây.
Cho ta khất chén rượu này,
Vì ta em hãy lựa dây đoạn trường.
Khoan để đốt chút hương trầm đã!
Đợi trầm bay rộn rã lời ca...
Nghe xong ta ngắm lời xa,
Dòng sông Ngân đã nhạt mờ từ lâu.
Tiếng gà đã gáy mau trong xóm,
Bình minh đà rạng khóm tre cồn.
Trông nàng môi nạt màu son,
Giật mình ta nhớ vợ con ở nhà,

Từ đấy chẳng bao giờ phiêu lãng,
Niềm thê nhi ngày tháng quen dần.
Đôi phen nhớ cảnh phong trần:
Bóng nàng ẩn hiện xa gần đâu đây.
Tưởng nghe tiếng gọi nơi hồ hải,
Mắt lệ mờ ta mải trông theo,
Trong buồng bỗng tiếng con reo,
Vội vàng khép cửa gió heo lạnh lùng.

              *

Đêm ấy rượu nàng ta không uống,
Từ sau thề không uống rượu ai.
Đòi phen ngồi ngóng chân trời,
Chẳng bao giờ nghĩ đến đời phiêu lưu.
Ngoan ngoãn như con cừu non dại,
Cỏ quanh vườn cắn mãi còn ngon.
Sau lưng nghe tiếng cười dòn,
Vội vàng ngoảnh lại... thằng con vẫn cười.
Nó đưa ta một chai rượu bé,
Bảo rằng: “Đây, rượu mẹ dâng cha”
Giật mình ta mới nhớ ra:
Là ngày sinh nhật vợ ta đó mà!
Ta uống chẳng hoá ra lỗi hẹn,
Mà từ nan đâu vẹn đạo chồng!
Than ôi! trời giá đêm đông,
Màu du tử thực bên lòng hết sôi?
Chén lại chén kề môi thủ thỉ,
Càng vơi càng tuý luý càng đầy!

Lúc tỉnh rượu lặng ngồi bên án,
Trông vào gương, lằn trán có vôi;
Vợ con khúc khích đừng cười,
Còn ta vô ý lệ rơi xuống bàn,
Hết say vẫn bàng hoàng trong mộng
Xót xa thay cái giống giang hồ!
Ngón đàn thêm một đưòng tơ,
Mà người sương gió nghìn thu nhọc nhằn,

              *

Thôi rồi ra chốn nước non,
Lồng son lại để sổ con chim trời.
Thú hồ bể quyến mời du tử,
Niềm thê nhi khôn giữ được người.
Biết sao trái được tính trời,
Giang hồ cốt ấy, trọn đời phiêu linh...

Hôm nay ngồi rũ canh trường,
Nơi thuyền trọ, rượu quỳnh tương ai mời
Người dâng rượu xa nơi trần giới,
Lạnh lùng thay gió thổi đêm đông!
Tuy người đã khuất non sông,
Mặt hoa lãng đãng như lồng dưới trăng
Mường tượng thấy tung tăng cười nói,
Như tưởng chừng người mới hôm qua!...
Nào hay nghìn cổ cách xa,
Tài tình đến thế mà ra hão huyền!
Hoạ còn chút trong thuyền dấu cũ,
Cây đàn tranh mốc ủ trên phên,
Phím long, dây đã rỉ rền,
Còn nguyên trên gỗ ghi tên họ người.
Nàng xưa vốn một loài trăng gió
Cũng vì vương víu nợ cầm ca
Một đi lìa cửa lìa nhà,
Nắm xương tàn lạnh phương xa gửi nhờ.
Đêm nay hoạ có mình ta,
Đốt hương trầm cũ chờ ma dạo đàn.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007

TIẾNG THU

ặng bạn Văn

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Tuyển tập Lưu Trọng Lư, NXB Văn học, 1987
3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007
4. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

SỨ GIẢ

Tặng một hoạ sĩ giang hồ

Một đêm mưa gió rộn ràng
Vô tình ta đã bên giường Quí Phi.
Phi chợt tỉnh: “Đi từ đâu lại?
Mới ở đây hoặc tới từ lâu?”

Rằng: “Đi từ độ vào thu,
Gió thu về chậm, cuộc thu trễ tràng.
Em: sứ giả Minh Hoàng người cũ,
Chốn ngọc cung mái phủ sầu che;
Tình đi: ngấn để lụa the
Tình đi, đi mãi không về, tình không”.

Nghe ta nói động lòng sùi sụt
Nửa vạt sầu che vội mặt hoa,
Thẫn thờ Phi ngắm rừng xa
Mà khi ngoảnh lại thì ta không còn.

Là chim sứ giả
Em bay từ bể cả đến ngàn sâu,
Bay khắp sáu đảo ba châu
Tìm hoa cho gió, đón sầu cho thơ.

Tiếng cánh vỗ trong giờ ly biệt
Nghe vội vàng bi thiết bao nhiêu;
Lang thang núi bạc mây chiều
Lao xao cánh nhạn mây chiều đập sương...


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

KHI THU RỤNG LÁ

Em có bao giờ nói với anh
Những câu tình tứ thuở ngày xanh,
Khi thu rụng lá bên hè vắng
Tiếng sáo ngân xa vẳng trước mành

Em có bao giờ nghĩ tới anh
Khi tay vin rũ lá trên cành?
Cười chim cợt gió nào đâu biết:
Chua chát lòng anh biết mấy tình?

Lòng anh như nước hồ thu lạnh,
Quạnh quẽ đêm soi bóng nguyệt tà...
Ngày tháng anh mong chầm chậm lại,
Hững hờ em mặc tháng ngày qua...

Mùa đông đến đón ở bên sông,
Vội vã cô em đi lấy chồng;
Em có nhớ chăng ngày hạ thắm:
Tình anh lưu luyến một bên lòng?


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

 

MỘT CHÚT TÌNH

Chửa biết tên nàng biết tuổi nàng
Mà sầu trong dạ đã mang mang.
Tình yêu như bóng trăng hiu quạnh,
Lạnh lẽo đêm trường dãi gió sương.

Ta chỉ xin em một chút tình
Cho lòng thắm lại với ngày xanh.
Sao em quên cả khi chào đón
Tình ái, chiều xuân đến trước mành?

Rộn rã cười vang một góc lầu,
Ngây thơ em đã biết gì đâu?
Đêm khuya trăng động trong cây lá,
Vò võ ta se mấy đoạn sầu,

Lác đác ngày xuân rụng trước thềm,
Lạnh lùng ta dõi bước chân em,
Âm thầm ấp mối xa xa vọng
Đường thế đâu tìm bóng áo xiêm?

Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau,
Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau.
Chờ anh dưới gốc sim già nhé!
Em hái đưa anh đoá mộng đầu.


Đăng trên Hà Nội báo, 1936.

Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

 

TÌNH ĐIÊN

Tặng các bạn cũ và những ngày qua

Mười bảy xuân em chửa biết sầu
Mối tình đưa lại tự đâu đâu...
Em xinh em đẹp, lòng anh trẻ,
Dan díu cùng nhau giấc mộng đầu.

Tình trong như nước biển trong xanh
Huyền ảo như trăng lọt kẽ mành;
Phơi phới như hoa đùa nắng sớm,
Rạt rào như sóng vỗ đêm thanh...

Hôm ấy trăng thu rụng dưới cầu,
Em cười, em nói suốt trăng thâu;
Yêu nhau những tưởng yêu nhau mãi,
Tình đến muôn năm chửa bạc đầu...

Ngày tháng trôi xuôi với ái ân...
Bên cầu lá rụng đã bao lần!
...
...

Tình ái hay đâu mộng cuối trời
Nhầm nhau giây lát hận muôn đời
Kẻ ra non nước, người thành thị,
Đôi ngả tình đi, người mỗi nơi.

Hôm nay ngồi ngóng ở bên song,
Ta được tin ai mới lấy chồng;
Cười chửa dứt câu, tình đã vội...
Nàng điên trên “gối mộng” người thương.

Ta mơ trong đời hay trong mộng?
Vùng cúc bên ngoài, đọng dưới sương
Ta dí đôi tay vào miếng kính,
Giật mình quên hết nỗi đau thương...

Ta hát dăm câu vô nghĩa lý;
Lá vàng bay lả vào buồng ta.
Ta viết dăm câu vô nghĩa lý;
Người điên xem đến hiểu lòng ta.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

 

MƯA... MƯA MÃI

(Tặng Ng. Ch)

Mưa mãi mưa hoài!
Lòng biết thương ai!
Trăng lạnh về non không trở lại...

Mưa chi mưa mãi!
Lòng nhớ nhung hoài!
Nào biết nhớ nhung ai!

Mưa chi mưa mãi
Buồn hết nửa đời xuân!
Mộng vàng không kịp hái.

Mưa mãi, mưa hoài!
Nào biết trách ai!
Phí hoang đời trẻ dại.

Mưa hoài mưa mãi!
Lòng biết tìm ai,
Cảnh, tưởng đầy nơi quan tái.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

 

CÒN CHI NỮA

Tặng ba nhà thi sĩ trẻ tuổi…

Giờ đây hoa hoang dại
Bên sông rụng tơi bời
Đã qua rồi cơn mộng,
Đừng vỗ nữa, tình ơi!

Lòng anh đã rời rụng
Trên sông ngày tàn rơi.
Tình anh đà xế bóng,
Còn chi nữa, em ơi?

Còn đâu ánh trăng vàng
Mơ trên làn tóc rối?
Chân nâng trên đường sỏi,
Sương lá đổ rộn ràng.

Trăng nội vẫn mơ màng
Trên những vòng tóc rối?
Đêm ấy xuân vừa sang
Em vừa hai mươi tuổi

Còn đâu những giờ nhung lụa:
Mộng trùm trên bông
Tình ấp trong gối
Rượu tân hôn không uống cũng say nồng?

Còn đâu mùi cỏ lạ
Ướp trong mớ tóc mây?
Một chút tình thơ ngây
Không còn trên đôi má.


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát Hoa rụng ven sông.

Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007
3. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

 

HOA XOAN

Từ buổi chàng xa non nước này
Em buồn ngày có tới đêm nay.
Xoan tây trước bến hai lần đỏ
Lệ nhỏ hai lần, chàng có hay?

Khỏi ốm chiều nay khâu trước cửa
Dừng kim em ngắm rặng xoan tây.
Vì đâu, chàng, xoan không đỏ nữa?
Rộn ràng lá đổ bên sông đầy.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

THUYỀN MỘNG

Tặng H.

Dưới chân không nghe chèo vỗ sóng,
Thuyền bơi trong cõi mơ lồng lộng;
Muốn ca, nàng chỉ lặng thầm ca
Ngại ngùng sợ gió chim xao động.

Thuyền bơi trong quãng trời xanh ngắt,
Thẳm xa, xa thẳm một màu lơ;
Nhìn mây thẳm trời xa chóng mặt,
Van nàng cắm lại chiếc thuyền mơ.

Ta hỏi nàng còn bơi chăng nữa?
Khẽ nghiêng đầu nàng rỉ tai ta:
“Còn bơi, bơi nữa, bơi xa nữa
Lúc khắp trời phủ ánh sao sa...”

Bập bềnh vẫn trôi trên mây bạc,
Thuyền trôi đã quá dải Ngân Hà.
Giật mình, nàng nhìn ta ngơ ngác:
Không biết còn trôi bến nào xa?

Quanh ta vẫn màu xanh gợn sóng
Quanh ta thăm thẳm một màu xanh
Buông chèo, nàng cùng ta tha thiết
Nhìn lại nhìn nhau bỡ ngỡ tình.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

HOÀNG HÔN

Bên thành con chim non
hót nỉ non:
Giục lòng em bồn chồn
buổi hoàng hôn
Em trách gì con chim con?
Em oán gì con chim con?
Em chỉ hận:
Sao em ngơ ngẩn,
để tình lang em lận đận
chốn xa xôi,
nơi tuyệt vời;
Trong lúc con chim trời
Bên em nó hát những lời
... nước non.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

XUÂN VỀ

(Tặng chị Tr.)

Năm vừa rồi
Chàng cùng tôi
Nơi vùng Giáp Mộ
Trong gian nhà cỏ,
Tôi quay tơ,
Chàng ngâm thơ
Vườn sau oanh giục giã;
Nhìn ra hoa đua nở;

Dừng tay tôi kêu chàng:
Này, này! bạn! xuân sang.
Chàng nhìn xuân, mặt hớn hở;
Tôi nhìn chàng, lòng vồn vã...
Rồi ngày lại ngày
Sắc màu: phai,
Lá cành: rụng,
Ban gian: trống;
Xuân đi,
Chàng cũng đi.
Năm nay xuân còn trở lại,
Người xưa không thấy tới.


Bài thơ này đầu tiên được đăng trên báo Phụ nữ tân văn với tựa đề Vắng khách thơ và bút danh Thanh Tâm, để hưởng ứng bài Tình già của Phan khôi, sau được tác giả đổi tên là Xuân về.

Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007

 

GIÓ

 

Gió lộng bốn phương,
Giang hồ rượu ngấm,
Xa vời bể thẳm,
Một kiếp mênh mông;
Ba mươi sáu bến bềnh bồng!
Thuyền ơi neo chưa buồn cắm,
Mang mang nỗi buồn nghìn dặm.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

TRĂNG LÊN ( I )

Đủng đỉnh chiếc thuyền con
Trăng lên đầy ngọn núi
Đối cảnh với người yêu,
Cầm tay, tôi gạn hỏi:
"Vũ trụ ngõ bao la
Nên cười hay nên tủi?"
Lẳng lặng tựa Hằng Nga,
Nhìn tôi, nàng chẳng nói.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

HOA BÊN ĐƯỜNG

(Tặng một kịch sĩ)

Kiếp trước hoa là thiếu nữ,
Sống một kiếp vạn người thương.
Chết vô duyên, vùi bên đường
Một nấm đất vàng
Dãi nắng dầm sương;
Trên nấm xương lạnh
Trồi lên một cành
Lúc canh trường
Thoảng mùi hương.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

ĐIỆU HÁT LẲNG LƠ

Lắng nghe tiếng hát chị đò đưa,
Trong ánh trăng vời vợi...
Tiếng hát lẳng lơ đưa,
Làm xao động những làn da mát rợi.
Tiếng hát lẳng lơ
Một đoàn gái tơ
Nằm mơ trên bờ cỏ nõn.

Một đoàn nai tung tăng đùa giỡn
Theo điệu hát giòn
ở cạnh sườn non...

Ai nghe tiếng hát chị đò đưa
Mà không cảm thương người quả phụ
Nằm ấp bóng trăng thưa
Luồn qua song cửa sổ!


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

LẠI NHỚ

Hôm nay dạ lại bần thần
Nhìn đám mây chiều lại nhớ Vân.

Này mây hỡi! Mây chiều hỡi!
Dừng lại đây, chờ ta với.
Theo dấu chim xanh
Rẽ lối trời tình.
Cậy cùng làn gió
Tìm nơi Vân ở;
Vượt mấy rừng cây,
Bay qua chùa Thầy,
Đến nơi thôn nhỏ,
Ngừng bên cửa sổ
Chờ lúc nàng vén mành thưa;
Ngang trời ta đổ trận mưa.


Tiêu đề và nội dung chép ở trên là bài thơ in trong tập Tiếng thu. Bản đăng trên Phong hoá có tiêu đề Lại nhớ Vân và nội dung như sau:

Hôm nay dạ lại bần thần
Nhìn đám mây chiều, lại nhớ Vân,
Này mây hỡi! Mây chiều hỡi!
Đứng lại đây, chờ ta với.
   Theo dấu chim xanh,
   Rẽ lối trời tình.
   Cậy cùng dì gió,
   Tìm nơi Vân ở.
Chờ lúc nàng tựa song thưa.
Ngang trời, ta đổ trận mưa.
Trong cánh song, nàng ngồi ủ dột,
Trên tầu tiêu, mưa kêu thánh thót.
Kêu rằng: “Vân nương hỡi Vân nương,
Mưa nay, là lệ người thương.”

Nguồn:
1. Tuần báo Phong hoá, số 31 ra ngày 24-1-1933
2. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

VẮNG CHÀNG

Dặn rồi, chàng lại ra đi
Gượng cười gượng nói lúc phân kì,
Buồng không, về nuốt lệ
Âm thầm em nén khúc 
tương ti.

Bên khóm mai gầy, một sớm thu
Lòng sao thắc mắc mối sầu u,
Vắng chàng, quên cả lời chàng dặn:
Dạ buồn lại thổi tiếng vi vu.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

XIN RƯỚC CÔ EM

Xin rước cô em bước xuống thuyền!
Thuyền tôi sắp trẩy bến thần tiên.
Cùng nhau ta phiêu dạt
Nơi nghìn trùng man mác,
Theo gió, theo mùa
Gửi kiếp phù du.
Lặng soi mình trên bể thẳm
Ta tuôn dòng lệ thắm.
Trên muôn dặm, dưới muôn trùng
Lòng ta phiêu diêu mung lung
Như hai làn mây biếc
Cùng tan nơi mờ mịt.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

TRÊN BÃI BIỂN

Thừa lương khách đã vắng
Trời nước mênh mông,
Duy còn bốn mắt nhìn nhau: lặng
Trên cát vô tình vạch chữ “Vân”;
Tay vạch xong, sóng xoá dần.
Mỉm cười, Vân sẽ nói:
“Người yêu Vân hỡi!
Sao người lại quá điên?
Thân nay cũng diệt, nữa là tên?”

Tưởng được nghìn thu nhờ bãi cát
Tan tác nào hay vì sóng bạc,
Cuộc trăm năm đừng có đa mang:
Tình nhân chung kiếp dã tràng.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

TRƯỜNG HẬN

Phất phơ ngọn gió lướt đầu cây
Như có hồn ai về tới đây...

Hiu hiu thổi
Không buồn nói.

Hay là cô gái nước Chiêm Thành
Gặp cơn binh lửa, bỏ ngày xanh,
Hết sống trôi rồi chết giạt...
Chút tinh anh thừa rơi rác
Hiềm một nỗi kẻ Chàm, người Việt
Khó cảm thông
Mà mối hận nghìn thu ôm ấp lòng.

Hiu hiu thổi,
Không buồn nói.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

LÁ BÀNG RƠI

Sớm vin cành liễu so màu tóc,
Chiều ngắt hoa lê đọ nụ cười,
Người đẹp bên sông sầu chửa biết,
Bên sông ngày đượm lá bàng rơi.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

SUỐI MÂY

Mời em lên ngựa với anh
Nương theo bãi sậy qua ghềnh suối Mây.
Em ăn hộ quả sim này,
Năm sau sim chín nhớ ngày lại lên.
Nói đi
Nói đi em mải làm duyên,
Quê em ở Xá, tên em là gì?
Mời em xuống tắm suối mây
Em phơi áo lụa trên cây sim này.
Ủa! Sao má đỏ hây hây?
Ái ân đã đến tự ngày nào em?


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

LÒNG CÔ PHỤ

 

Tình em như tuyết vương chân ngựa
Hoặc có vừng trăng muôn dặm soi
Đã lâu anh không đến vườn em nữa!
Các lối đi, gai cỏ mọc đầy,
Chim không hạ cánh,
Lá rụng không buồn bay,
Những chiều thu em không buồn tựa cửa.
Hoa em đầy giậu, bóng anh tuyệt vời
Cỏ em đầy vườn, ngựa anh không tới
Đã lâu ngày, ngõ ùn: lá bàng rơi,
Đón ai vào mà ngõ kia em phải xới?
Hôm nào đây, bầy chim con ngần trắng
Biết tự quãng nào, trong chốn rừng xanh
Bay về đây - trên cành xoan, im lặng
Không con nào mách hộ bóng tin anh!


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

ĐÃ KHUYA RỒI

Hoa lan quên nở trên giàn:
Nhớ ai em để tiếng đàn ngừng đưa?
Tiếc gì em, nửa đường tơ!
Cho hoa quên nở, trăng mờ quạnh soi...
Chờ em đêm đã khuya rồi!
Rộn ràng lá đổ, vàng rơi đầy thềm.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

 

MỘT MÙA ĐÔNG

I

Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.

Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa.

Đây là dải Ngân Hà,
Anh là chim Ô Thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.

Để mặc anh đau khổ,
Ái ân giờ tận số,
Khép chặt đôi cánh song!
Khép cả một tấm lòng!


II

Tặng D.C.

Em là gái trong 
khung cửa,
Anh là mây bốn phương trời;
Anh theo cánh gió chơi vơi,
Em vẫn nằm trong nhung lụa.

Em chỉ là người em gái thôi,
Người em sầu mộng của muôn đời,
Tình em như tuyết giăng đầu núi,
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.

Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng víu nợ thi nhân?

Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân?
Cho tình tràn trước ngõ?
Cho mộng tràn gối chăn?


III

Ngày một ngày hai cách biệt nhau
Chẳng được cùng em kê gối sầu,
Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo,
Cùng cười những chuyện thế gian đau.

Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đùa nô uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh,
Lạnh buồn như ngọn gió heo may.

Môi em đượm sặc mùi nho tươi,
Đôi má em hồng chúm nụ cười,
Đôi mắt em say màu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc rơi.

Tuy môi em uống, lòng anh say,
Lời em càng nói càng chua cay
Anh muốn van em đừng nói nữa,
Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay.


IV

Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau,
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng.

Hãy như chiếc sao băng băng mãi
Để lòng buồn, buồn mãi không thôi.


Các nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Hoàng Thanh Tâm đã dùng đoạn 1 của bài thơ này để soạn lời các bài hát Mắt buồn và Một mùa đông. Các nhạc sĩ Y Vân và Anh Bằng dùng đoạn 2 để soạn các bài hát Người em sầu mộng và Ai bảo em là giai nhân.

Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007
3. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

CHỊ EM

Em bước vào đây
Gió hôm nay lạnh,
Chị đốt than lên,
Để em ngồi cạnh.

Nay chị lấy chồng
ở mãi Giang Đông
Dưới làn mây trắng
Cách mấy con sông.

Chăn lụa, gối bông
Chị mang theo chồng,
Mai phòng chị lạnh
Đốt giùm nén hương.

Chồng chị là ai
Chị nào có biết!
Đợi đến ngày mai
Nhìn qua kẽ liếp.

Sao em thổn thức
Buồn nỗi gì em?
Nay em khóc chị
Mai ai khóc em?

Em đưa củi vào
Lửa hồng thêm đượm,
Rót chén rượu đào
Cho lòng thêm thắm.

Uống thêm chén nữa
Mừng buổi chia li
Tiễn ngày vui hết
Tiễn thời xuân đi.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

ĐỢI

Yêu với không yêu, nói lúc đầu,
Làm chi như thể phỉnh phờ nhau!
Hôm ni hôm nớ mong rồi đợi
Trăng nở đầy buồng, người ở đâu?


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

MÂY TRẮNG

Mây trắng bay đầy trước ngõ tre,
Buồn xưa theo với gió thu về.
Vài chàng trai trẻ sầu biêng biếc,
Mộng nở trong lòng sắc đỏ hoe.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

CHIỀU CỔ

Chiều sương rừng tím, lệ muôn hàng
San sát ghe đầy bến Trúc lang,
Cây, nước, say theo người tráng sĩ,
Con đò quên cả chuyến sang ngang.


Có nơi chép tên bài thơ là Chiều về.

Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007

ĐIỆU HUYỀN

Những điệu huyền bay, lạc khắp thôn
Từng nhà, đây đó hẹn nhau buồn,
Có cô dâu mới nhìn sông nước
Sực nhớ quê nhà, giọt lệ tuôn.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007
3. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

KHI YÊU

Không biết làm sao nói được nhiều
Như khi lòng chửa biết thương yêu,
Khi yêu quên cả lời săn sóc,
Nhìn lại nhìn nhau, chiều lại chiều.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

CHIA LY

Những ngày mưa lạnh, gió lê thê
Ta muốn trần gian ngớt tiếng đi,
Ta muốn ngựa xe đừng rộn nữa,
Âm thầm trong những buổi chia li.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

HƯƠNG LÒNG

Em hãy thu về tất cả hương
Của bao hoa thắm nở bên đường.
Em thu hết cả lời ân ái.
Thu cả hương tàn lạc bốn phương.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

CẢNH THIÊN ĐƯỜNG

Nhờ em chỉ hộ cảnh thiên đường
Ở tận miền âm hay cõi dương,
Hay ở trong lòng người thiếu nữ
Một chiều nhuốm đỏ ráng yêu đương?


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

IM LẶNG

Dưới rặng liễu thầm gieo bước một
Trên muôn trùng, lặng lẽ bóng sao bay;
Nàng đi, ôm mối sầu vô hạn,
Vô hạn, sầu tràn khắp cỏ cây.

Trên muôn trùng, lặng lẽ bóng sao bay,
Nàng đi một bước, đêm một chầy.
Đôi liễu nhìn nhau cùng rũ bóng
Bên đường tha thiết mớ tóc mây.

Nàng đi một bước đêm một chầy,
Cỏ mòn lặng uống hạt sương rơi
Ngang trời chiếc nhạn êm như mộng
Lơ lửng âm thầm nhẹ cánh bay.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

CHIẾC CÁNG ĐIỀU

(Tặng X.D và H.C.)

Lững thững sườn non chiếc cáng điều:
Ngàn thông còn đắm mộng thân yêu
Lỏng buông mái tóc sau riềm võng:
Tiếng ngọc mùi hương, lẫn gió chiều.

Những anh phu cáng đo từng bước,
Tỉ tê cùng kể chuyện hoang đường,
Vén riềm thiếu nữ tưng bừng ngắm
Truông núi: muôn chim gọi rộn ràng

Yểu điệu, vừa trông, dáng thướt tha
Văn nhân không ngớt chén quan hà,
Lưng đèo, ngôi quán quên thân phận
Chiều ấy, cùng mơ vẽ thế gian.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

THÚ ĐAU THƯƠNG

Tình đã len trong màu nắng mới,
Lòng anh buồn vời vợi, em ơi!
Niềm yêu rung động đôi môi
Tình đầy khôn lựa được lời thắm tươi.

Đã héo lắm nụ cười trong mộng
Đã mờ mờ lắm, bóng thân yêu,
Đã lam tím cả cánh chiều
Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn.

Xin để gối nằm im chỗ cũ,
Hãy lịm người trong thú đau thương,
Giờ đây ta đốt nén hương
Trên tay ta buộc dải tang cho tình.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007

NÚI XA

Núi xa, nhà vắng, mưa mau,
Mênh mông cồn cát, trắng phau ngõ dừa.
Trong thôn văng vẳng gà trưa,
Lắng nghe đúng ngọ chuông chùa...
... nện không...


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

 

HỒN NGHỆ SỸ

Ta là nàng Ly Dao
Ngồi bến Hoa Giang, khóc trăng sầu,
Đếm giọt sương gieo,
Lắng nghe rĩ rầu giọng dế,
Trời đất quạnh hiu,
Một mình ta tuôn thắm dòng lệ...
Gỡ mối sầu, ta sẽ lựa mấy đường tơ.
Ngọn lửa chài, con sông trắng,
Bóng sao mờ lấp láy,
Hồn nghệ sĩ lạnh lùng tê tái,
Ngón cầm giăng tơ phiếm lung lay,
Khi lâm li, khi dồn vồ vập,
Khi gieo nặng, khi cao bay...
Rồi một kiếp khóc mướn
Thương vay cho thiên hạ.
Cảnh đêm khuya trời giá,
Lạnh lùng thấy một bóng Ly Dao
Ngồi bến Hoa Giang khóc trăng sầu.


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

LẠI UỐNG

Gửi P.H.

Em đã dặn anh đừng uống nữa,
Vì đâu anh đã lại say rồi!
Hãy cho anh trái lời em dặn
Một lần và lần nữa mà thôi

Những từ xưa không hề nhắp rượu
Hiền vui như gió lướt bên cầu.
Anh chỉ say sưa màu tuyệt diệu
Thơ dầu ra, rượu chửa lúc vào.

Nhưng hôm nay em ạ, hôm nay
Anh thấy em buồn, buồn đắm say,
Không hỏi - có bao giờ anh hỏi
Anh chỉ nhìn mà lòng ngất ngây.

Ai chặt hộ mình những trấn song,
Cho vai kề vai, lòng bên lòng,
Cho lệ em rơi, khăn anh ướt,
Cho mắt đẹp nữa, lúc mơ mòng.

Lơi thêm một nút, thắt một nút
Một bước xa ra, một bước gần.
Đã biết không mong còn mỏi đợi
Như người thiếu nữ bến sông Ngân.

Chuyện ái ân dành khi nhàn rỗi
Cười cũng hay mà khóc cũng hay.
Không vui ta cũng cùng vui gượng,
Vì không buồn, cũng bị buồn lây.

Chỉ một lần và lần nữa thôi,
Và ly này, và ly nữa vơi,
Cho anh trái nửa lời em dặn
“Vì em chỉ là em gái thôi”.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

 

TRĂNG LÊN ( II )

Vừng trăng lên mái tóc mây,
Một hồn thu tạnh, mơ say hương nồng.
Mắt em là một dòng sông,
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

 

BÂNG KHUÂNG

Ta còn thấy bóng kẻ thơ ngây,
Xe chồn gối mỏi trở về đây,
Trên đường hiu quạnh khách đau mỏi,
Chán nản hung hăng nện gót giày;
Ngàn liễu xanh xanh con cò trắng,
Lạnh lẽo xa vời ủ rũ bay.
Ta còn thấy bóng kẻ thơ ngây,
Rẽ lau vạch suối tới am mây,
Nắng trần chan chát, lòng trần héo,
Mịt mù dặm cát một chòm cây,
Dừng lại đây bóng im cửa Phật,
Dừng lại trong làn khói biếc bay,
Dừng lại đây là nơi hiu quạnh,
Là nơi nghe thấy tiếng cỏ cây,
Là nơi quên những mùi trần sự,
Là nơi quên những nỗi chua cay.

Nghe thấy tiếng ngọt ngào cõi Phật,
Rũ bụi trần, chàng dừng lại ngay
Trước Phật đài, chàng lâm râm nguyện
“Tình xưa theo gửi, nước, trời, mây!”
Một hôm thiền định dưới gốc mai
Bỗng thấy lòng vơi chốc lại đầy,
Thẫn thờ tay lần tràng chuỗi hạt
Mà như lần những hạt chua cay...
Vì vừa nghe tiếng chuông chùa nện
Lạnh lùng từng tiếng não bên tai,
Lạnh lùng như người trong cung Quảng,
Bâng khuâng chợt nhớ cảnh trần ai.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

 

MỘNG CHIỀU VỀ

Tặng người bạn cũ họ Phùng.

Hôm xưa ta đứng bên hồ Kiếm
Quanh ta rộn rịp biết bao người
Mà ta chỉ thấy người hôm ấy
In giữa không gian một nụ cười.

...Dang tay ta đón nàng vào dạ
Giật mình ẵm phải cái không gian:
Dưới nước lâu đài 
tan tác vỡ
Bên bờ trơ lại giấc mơ tàn

Anh ạ! Nàng không còn đấy nữa.
Dưới nước, sau cây, chẳng thấy nàng.
Không biết ta mơ hay đã tỉnh:
Cảnh trời hôm ấy mờ mờ sương.

Nàng với ta chỉ có thế thôi.
Theo dõi tơ duyên bốn góc trời:
Lúc mộng nhìn nhau cười ngặt nghẽo.
Mộng tan, trên gối lệ hoen rơi.


Trong bản in đầu (Tiếng thu, 1939), tên bài thơ là Mộng chiều hè.

Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Tuyển tập Lưu Trọng Lư, NXB Văn học, 1987
3. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968

 

NGÀY XƯA

Ngày xưa nàng tiên
Ngày tháng triền miên
Những giấc mơ đẹp
Dạo khắp lâm tuyền.

Bắt đàn bươm bướm
Trên cành hoa tươi
Tháng ngày vui lượm
Những vần thơ rơi.

Thơ rơi trên bãi cỏ
Cỏ mịn tựa như nhung,
Nàng nhặt đưa vào giỏ
Một chiều trước gió tung.

Ngày ngày vào rừng sâu
Thổi sáo tìm bồ câu,
Chim ngàn trên vai đậu,
Đậu cả mái tóc sầu.

Mắt buồn vời vợi
Hỏi gì không nói,
Nắng chiều hắt bên song
Nhờ chim gỡ tóc rối.

Càng gỡ càng rối thêm,
Giận chim chẳng êm đềm,
Nàng buồn rụng hết tóc,
Mỗi chiều ra vườn khóc.

Từ đấy vào rừng sâu
Chẳng còn thấy bồ câu,
Đến trên vai nàng đậu
Nàng ngày một thêm sầu.

Sáu đảo đến ba châu
Nàng chẳng thấy chim đâu!
Một hôm lạc trần giới
Chiều sớm đứng bên cầu.

Gặp ai qua, nàng hỏi;
- Kìa ngài! Chim tôi đâu?
Khách trần gian đều nói:
- Tìm chim vào rừng sâu.

Bữa nọ một thi nhân
Thấy hay hay đến gần:
“Muốn được những bồ câu
Cho ta đôi mắt sầu
Nàng sẽ về với ta
Đủ hai năm sáu tháng,
Những con bồ câu trắng
Sẽ đến đầy sân nhà”.

Ngọt giọng, nàng nghe theo,
Cùng nhau tách xuống đèo
Về trong túp lều cỏ
Đầu giường: mảnh trăng treo.

Những con bồ câu
Từ đâu bay tới
Với điệu thơ sầu
Giục niềm ân ái.

Ngày một rồi ngày hai
Mảnh trăng treo cửa sổ.
Đã quen mùi rơm cỏ
Nàng nguyện với nghèo vui.

Trọn đời tơ tóc
Gối tay cười khóc,
Nàng chẳng về tiên
Nơi không khổ ải
Nơi chẳng liên miên
Trong niềm ân ái!


Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét