Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Nguyễn Hữu Đang: Ấn kiếm vương quyền nhà Nguyễn trên lễ đài “ngày độc lập”

Tư liệu lịch sử của Nguyễn Hữu Đang

Trưởng ban tổ chức ngày độc lập 2-9-1945
Chỉ còn một ngày nữa để chuẩn bị xong “Ngày Độc Lập” trong cả nước, lại phải xong chu đáo đến mức bảo đảm kết quả xứng đáng với tầm quan trọng của đại lễ mà Cụ Hồ nhắc tôi là “Sự kiện kết thúc cách mạng tháng Tám và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.  Khỏi phải nói ban Tổ chức chúng tôi lo lắng thế nào. Cũng may mà những khâu chủ yếu đang được tiến hành trôi chảy nhờ sáng kiến và sức tháo vát của anh em, nhờ sự tham gia tích cực của đồng bào Thủ đô. Chưa có trường hợp tôi phải viện đến câu: “Đây là theo lệnh Hồ Chủ tịch” mà Ông Cụ đã rộng lượng cho phép nói khi gặp trở ngại, khó khăn đặc biệt.
Chiều ngày 31/8/1945, Trần Kim Xuyến, Đổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền đồng thời là một trong hai Phó Ban Tổ chức “Ngày Độc lập”  mới đặt ra, gọi giây nói cho tôi báo tin phái đoàn Chính phủ do Bộ trưởng Trần Huy Liệu dẫn đầu vào Huế tiếp nhận việc Bảo Đại thoái vị đã trở về tới Hà Nội. Tôi hẹn sáng hôm sau sẽ đến trụ sở Bộ gặp ông Liệu.

Công việc Tổ chức “Ngày Độc lập” bề bộn, gấp rút quá, gặp ông Liệu tôi chỉ có thể hỏi thăm qua loa chuyến đi công tác của ông và báo cáo vắn tắt công việc của tôi ở nhà (1) rồi nói:
– Chắc anh đã biết ngày mai anh phải báo cáo về lễ thoái vị của Bảo Đại. Chúng tôi cần nắm vững anh sẽ nói trong bao nhiêu phút để chúng tôi còn bố trí thì giờ.
Đã có sẵn dự kiến, ông Liệu trả lời:
– Ngắn gọn thôi, sẽ không quá mười lăm phút. Mà cũng xin báo anh biết ấn, kiếm vương  quyền nhà Nguyễn tôi mang về đã trình Cụ Hồ, Thường vụ Trung ương và Chính phủ, ngày mai sẽ trưng lên để đồng bào trông thấy. Anh chuẩn bị việc ấy cho.
Trở về phòng thường trực Ban Tổ chức, tôi yêu cầu Trần Lê Nghĩa, cũng là Phó Ban Tổ chức sửa soạn ngay một chiếc bàn con kiểu trang nhã có kèm theo một khăn phủ bằng nỉ hay lụa màu xanh lá cây và dặn:
– Ấn, kiếm sẽ để trên bàn ấy kê trước mặt Cụ Hồ.
Ấn và kiếm này đều bằng vàng là hai bảo vật tượng trương cho quyền lực của nhà Nguyễn trên nửa phía Nam đất nước rồi trên toàn bộ đất nước. Lưỡi kiếm cũng bằng vàng như vỏ kiếm nhưng dày hơn, chỉ ngắn bằng hai phần ba vỏ kiếm, chỗ bản rộng nhất độ hai phân, vuốt nhọn như lá lúa. Vỏ kiếm chạm nổi tỉ mỉ. Bàn tay thợ điêu luyện đã gửi vào đây tinh hoa lao động mỹ nghệ. Nó đẹp huy hoàng như một nàng công chúa trong truyện cổ tích. Nó được làm từ bao giờ tôi không rõ. Còn ấn, theo một nhà nghiên cứu sử, nó được đúc vào quãng năm 1744, Đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trên ấn hình vuông (núm to cũng hình vuông) Nguyễn Phúc Khoát cho khắc bốn chữ Hán “Vương quốc chi  ấn” có ý nghĩa tuyên ngôn chính trị để tỏ thái độ ly khai, xưng vương, độc lập đối với triều Lê, thực chất là đối với chính quyền lũng đoạn của họ Trịnh, đồng thời cũng là bất chấp việc nhà Thanh chối từ phong vương cho chúa Nguyễn vì vua Lê vẫn còn. Có thể nói từ đây cho tới cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, có hai nhà nước An Nam, một nhà nước Thanh thừa nhận ở miền Bắc, một không thụ phong ở miền Nam.
Bấy lâu nếu dòng dõi Nguyễn Hoàng nói chung lấy câu “Hoành sơn nhất đái,vạn đại dung thân” của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp làm nguồn tin tưởng ở sự tồn tại bình yên lâu dài của mình thì riêng các vua chúa nhà Nguyễn đều coi ấn và kiếm này mà tổ tiên họ lưu truyền là biểu thị thiêng liêng địa vị và quyền lực “bất khả xâm phạm” (?) của họ – cố nhiên, trên thực tế, từ sau cuộc xâm lược của thực dân Pháp, địa vị và quyền lực đó đã không còn ở Nam Kỳ và trở thành hư danh ở Trung, Bắc Kỳ.
Mặc dầu thế, việc Bảo Đại thoái vị và đem ấn, kiếm vương quyền nộp cho Chính phủ lâm thời vẫn có một ý nghĩa lịch sử và chính trị lớn. Phẩm giá cá nhân của ông ta có thấp kém thì ở thời điểm ấy ông ta vẫn là người đại diện độc nhất của nền thống trị phong kiến đã tồn tại hàng mấy ngàn năm trên đất nước ta, nay xin quy phục Cách mạng mà chính nghĩa và lực lượng đã thuyết phục ông ta từ bỏ được sự hiểu nhầm vô lý mà dai dẳng “vạn đại dung thân”là đời đời làm vua.
Ngày 30/8/1945, năm vạn dân cố đô Huế nô nức kéo đến trước Ngọ Môn họp Mít tinh chứng kiến lễ thoái vị của Bảo Đại.  Sau khi nhận ấn và kiếm vương quyền nhà Nguyễn từ tay Bảo Đại, Bộ trưởng Trần Huy Liệu thay mặt chính phủ Lâm thời cài lên ngực áo của Bảo Đại huy hiệu “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” coi như phần thưởng danh dự dành cho con người biết quý trọng tư cách công dân nước độc lập hơn tư cách vua nô lệ. Ít ngày sau, trở lại với cái tên Vĩnh Thụy, ông ta được mời làm cố vấn cho Chính Phủ. Đấy chính là chỗ “dung thân” quá đẹp mà tiếc thay ông ta đã không giữ cho trọn vẹn đặc ân là bỏ mất cơ hội duy nhất có thể hưởng chút vẻ vang trong đời mình.
Ngày 2/9/1945, gần trưa ở Quảng trường Ba Đình – hôm ấy vẫn còn gọi là “vườn hoa” – rầm rộ dưới ánh nắng chói chang, công việc chuẩn bị đại lễ tuyên bố độc lập đã xong, trong khi các đoàn biểu tình ùn ùn kéo đến, tôi cùng với anh em có trách nhiệm lên trên lễ đài xem xét lại lần chót sự bố trí ở đây. Chúng tôi dừng lại mấy phút trước ấn, kiếm truyền thống của nhà Nguyễn đã được đưa đến từ lúc tám giờ. Bị tước cái oai đế nghiệp, ấn và kiếm nằm im lìm, trơ trọi trên mặt chiếc bàn con, giữa biển người sôi nổi dự mít tinh, giống như hai công thần của bộ máy cai trị phi nghĩa đã đầu hàng, bị giam lỏng, đang tủi hận nhớ thời oanh liệt, đang ngoan ngoãn chờ chốc nữa sẽ làm chứng cho sự cáo chung chẳng những của một triều đại mà cả của cả một chế độ xã hội già cỗi, thối nát. Rồi chúng sẽ vào nằm trong viện bảo tàng yên phận di tích, không cần đến lời thuyết minh, tự chúng thầm lặng nhắc nhở người đời cái lẽ thịnh suy, tồn vong của chính thể ở thế gian theo tất yếu lịch sử mà ngày xưa các cụ gọi bằng hai tiếng “vận hội”. Trong số mười lăm triều đại đã vong ở Việt Nam, nhà Nguyễn đã may mắn nhờ giải pháp ôn hòa, nhân đạo của lực lượng lên thay, đã vong êm đềm…
Những cảm nhận miên man chấm dứt, tôi tiếp tục nhiệm vụ tổ chức.
Mười ba giờ rưỡi, Trần Lê Nghĩa và tôi đi đón đoàn xe chở các thành viên Chính phủ Lâm thời mở rộng đến Quảng trường Ba Đình. Cụ Hồ và các Bộ trưởng lên tới mặt lễ đài, quần chúng hoan hô kéo dài như sấm dậy. Trên lễ đài mọi người yên chỗ thì đội nhạc kèn đồng của Vệ Quốc quân cử bài Tiến Quân ca và lá cờ đỏ sao vàng được hai chị em Đàm Thị Loan (chiến sĩ gái) và Lê Thi (thánh nữ cứu quốc) kéo từ từ lên đỉnh cột. Tôi bắt đầu triển khai chương trình không cần tuyên bố lý do như thường lệ mà hồi hộp đi ngay vào cái việc khó khăn nhất trong trách nhiệm Trưởng Ban Tổ chức là giới thiệu với quốc dân một lãnh tụ tối cao, một Chủ tịch nước lần đầu ra mắt nhân dân, tên tuổi chưa quen thuộc, thân thế chưa rõ ràng, sự nghiệp còn ẩn dấu. Giới thiệu thế nào để đạt được cái yêu cầu mà Trường Chinh giao hẹn: Không được nhắc đến tên gọi Nguyễn Ái Quốc mà những người biết ít nhiều về lịch sử cách mạng Việt Nam đương đại ai cũng hiểu ngầm đó là Nguyễn Ái Quốc. Tôi đã cân nhắc đền nhức đầu và làm theo khả năng của mình, cho đến tận bây giờ, sau nửa thế kỷ, tôi vẫn không biết mình nói khéo hay vụng, chỉ biết sau đó không có cấp trên hay bạn bè nào chê trách.
Cụ Hồ ra đọc Tuyên ngôn Độc lập rồi Võ Nguyên Giáp trình bày về đường lối, chính sách của Chính phủ Lâm thời mở rộng.
Đến lượt Trần Huy Liệu báo cáo. Tôi đứng sẵn trên chiếc bàn con để ấn, kiếm. Ông Liệu nói đến chỗ Bảo Đại trân trọng nộp ấn, kiếm, tôi sẽ bấm cánh tay ông để ông tạm ngừng lại. Rồi tôi, tay phải cầm lấy thanh kiếm, tay trái thản nhiên dùng năm đầu ngón tay nhón cái núm chiếc ấn, định cứ thế cùng một lúc giơ cả hai thứ lên cao để đồng bào thấy. Chẳng ngờ thanh kiếm tương đối nhẹ, một tay tôi thừa sức điều khiển, còn chiếc ấn bướng bỉnh cứ ỳ ra, không nhúc nhích – nó nhỏ thôi mà sao nặng quá thế! (sau này tôi mới biết nó nặng trên 5 kilôgam). Tôi vội buông thanh kiếm, dùng cả hai tay lấy hết sức lôi chiếc ấn lên cách mặt bàn độ ba mươi phân, luồn tay phải xuống phía dưới, lựa cho nó nằm trên cùi bàn tay để ngửa rồi cúi mình co cánh tay từ từ nâng thẳng nó lên như lực sĩ cử tạ. Trong khi tay trái với thanh kiếm giơ lên ngang chiếc ấn… Tôi cố đứng vững, hai tay dựng thẳng như thế bốn năm phút liền. Cánh tay nâng chiếc ấn bắt đầu mỏi, buốt và đe dọa sa đà dúi xuống. Tôi đã kịp thời hạ chiếc ấn lừa dối, tai ác xuống cùng với thanh kiếm thật thà, hiền lành thở phào nhẹ nhóm.
(Năm 1992, đọc hồi ký của ông Liệu, tôi mới biết ngày 30/8/1945, trên Ngọ môn, trong động tác trưng ấn, kiếm để đồng bào Huế coi, ông cũng đã chủ quan, bất ngờ và lung túng, vất vả như tôi, thâm chí hơn tôi: Ông đuối sức đến suýt bị siêu vẹo. Cả hai chúng tôi đều kiệt xác, chưa bao giờ được cầm vàng tới vài đồng cân nên khó lường sức nặng của nó.)
Trần Huy Liệu báo cáo xong, tôi vẫn đứng cạnh micrô để tiếp tục điều hành buổi lễ. Quay về phía Nguyễn Lương Bằng, đại diện Tổng bộ Việt Minh ngồi ở hàng ghế đầu, tôi sẽ cúi đầu, lùi lại một bước để nhường chỗ, tỏ ý mời ông đến phát biểu ý kiến như đã ghi trong chương trình. Bỗng Cụ Hồ đứng phắt dậy, nhanh nhẹn cầm lấy thanh kiếm, thong thả bước tới micrô, rút mạnh lưỡi kiếm ra khỏi vỏ rồi vừa giơ nó lên cao hết tầm tay, vừa thét lớn đến làm rung động không gian quảng trường, chậm rãi dằn từng tiếng:
– “Thanh kiếm này là để chặt đầu những tên phản quốc.” (2)
Một lần nữa, nửa triệu người lại hoan hô như sấm dậy và kéo dài. Họ hoan hô nhiệt liệt câu răn đe bảo vệ độc lập vang dội từ đài tuyên bố độc lập, cực kỳ nghiêm khắc mà hợp lòng dân.
Cụ Hồ đặt lại thanh kiếm vào chỗ cũ, trở về ghế ngồi, vẻ mặt còn giận dữ như vừa mới ra tay trừng trị kẻ phạm tội đối với dân tộc.
Cử chỉ của Cụ Hồ lúc đó tuy đột ngột cũng không làm tôi ngạc nhiên. Mới tiếp xúc với Cụ bốn ngày, mỗi ngày nhiều nhất là một tiếng đồng hồ, tôi yên trí Nguyễn Tất Thành vốn có cá tính sôi nổi từ thuở bé, lớn lên hoạt động yêu nước hăng hái, kiên cường thì phong cách đanh thép, hùng dũng là dễ hiểu. Nhưng dần dần về sau, cho đến tận bây giờ, biết rõ Ông Cụ kín đáo, mềm mỏng hơn ai hết, thì mỗi khi nhớ lại cảnh tượng hôm ấy, tôi không khỏi nghĩ đến một trường hợp đột xuất ngoại lệ.
Quả là không bình thường. Một người cả đời lúc nào cũng giữ vẻ điềm tĩnh, phong cách ôn hòa, dịu hiền thế mà đã có một lần, có lẽ là duy nhất, bùng nổ quyết liệt đến thế, thét to đến thế, giận dữ đến thế.
_____
1.Trong Chính phủ Lâm thời mở rộng, ban đầu tôi đảm nhiệm trên thực tế công việc Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, về sau được chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Thanh niên.
2.Báo “Sự Thật” số kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1945 cũng có đoạn viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, khác nào đứng trên đỉnh núi Cách mạng tuốt thanh gươm do Phái đoàn Chính phủ từ Huế mang ra, và thét lên một câu làm cho bọn thực dân và các hạng Việt gian phản quốc dựng tóc gáy: “Gươm này dùng để chặt đầu bọn xâm lược và những kẻ phản quốc hại nòi!”. (X&N)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét