Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Hội giáo chức Chu Văn An họp mặt bàn về tình hình nền giáo dục nước nhà

(Kiều Phong- Việt Nam Thời Báo )


(VNTB) - Chiều chủ nhật ngày 11/09/2016, Hội giáo chức Chu Văn An đã họp mặt lần thứ hai tại Văn phòng Công lý và Hòa bình, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Các nhà giáo đã bàn bạc nhiều vấn đề về tình hình giáo dục của Việt Nam.
Chủ trì cuộc gặp mặt là giảng viên toán học Phạm Minh Hoàng- một trong các thành viên sáng lập, các nhà giáo thuộc Hội giáo chức Chu Văn An. Ngoài ra còn có các thân hữu của Hội giáo chức Chu Văn An như bác sỹ Đinh Đức Long và các phóng viên báo chí độc lập.
Dạy hay không dạy chữ Hán- ném đá hỏi đường
Chủ đề đầu tiên được đưa ra thảo luận trong cuộc họp của Hội giáo chức là dạy hay không dạy chữ Hán trong trường phổ thông. Theo nhà giáo Phạm Minh Hoàng tóm tắt trên mạng xã hội thì tuyệt đại đa số người dân chống đối đề xuất đó.

Kỹ sư Trần Bang nói rằng dư luận đang nổi lên về việc dạy tiếng Hán trong trường phổ thông. Anh Bang đã gặp một nữ thạc sỹ dạy tiếng Trung được đào tạo ngay tại Trung Quốc và cô giáo này nói rằng không nên dạy tiếng Trung trong nhà trường. Cô giáo nghĩ rằng Trung Quốc có xu hướng dùng những thứ ảnh hưởng của những thứ liên hệ với Trung Quốc để khống chế Việt Nam. Chẳng hạn trước đây là Quốc dân đảng, sau này là đảng Cộng sản. Hơn nữa văn hóa Trung Hoa, ngay cả bên đó người ta cũng phê phán. Thời gian có hạn, ngôn ngữ để cải tạo văn minh là Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Bản thân Trung Quốc cũng muốn nhập phương Tây. Cô giáo nói trên còn cho biết rằng ở bên đó toàn dân vẫn còn nghĩ Việt Nam là một tỉnh của Trung Quốc nên trước sau phải thu về, đây là một tuyên truyền từ nhiều đời.
Thầy Trần Rạng kể về một bài học kinh nghiệm cho đề xuất đó. Đó là một thời nhà nước định hướng cho cả xã hội Việt Nam. Đến khi Liên Xô tan vỡ, bấy nhiêu lứa học sinh không dùng đến tiếng Nga, đào tạo kiểu đó hết sức phí phạm. Theo thầy, nếu để chữ Hán là một môn tự chọn thì phụ huynh Việt Nam sẽ cho con em học tiếng Trung. Ông trích dẫn bài viết nổi tiếng cộn đồng mạng của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh về nạn Việt Hóa âm Hán-Việt chính do người giỏi chữ Hán gây ra. Do đó, về chữ Hán phải là tự chọn, ai muốn nghiên cứu cứ nghiên cứu.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng- từng là một hiệu trưởng nói rằng: Học chữ Hán chỉ là giải nghĩa lại, mà xã hội đang cần phát triển về tương lai nên phải học tiếng Anh- tiếng Pháp.
Một thầy giáo-công chức được đào tạo tại Pháp – thành viên cao tuổi của Hội giáo chức Chu Văn An nhận định: Nhà nước đưa lên báo vụ dạy chữ Hán là để đánh lạc hướng dư luận. Ban Tuyên giáo thừa biết là dân không đồng ý. Mọi người vỗ tay nhiệt liệt cho ý kiến này, một ý mà cộng đồng mà không nhiều người đặt ra.
Dẹp nạn dạy thêm- dũng khí của người thầy
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng thông tin về chủ đề học và dạy thêm. Ông trích dẫn một thông tư đưa ra vào trung tuần tháng 8 sở Giáo Dục-Đào Tạo TP.HCM: không cho phép giáo viên dạy thêm học sinh mà mình đang dạy chính khoá. Vấn đề dạy thêm- học thêm gây nhức nhối xã hội. Nhiều thầy, cô giáo kiếm tiền chủ yếu từ việc dạy thêm, họ đưa ra lý luận rằng tại sao bác sỹ được mở phòng mạch mà giáo viên lại không được dạy thêm.
Thầy Rạng lý giải nguồn gốc vấn nạn, đó là do chương trình nặng. nhiều quá: “Ngày hôm qua tôi đi hiệu sách thấy có những cuốn thiết kế bài giảng, các thầy cô ngày nay dùng giáo án soạn sẵn, sách vở làm thay ông thầy. Trong khi đó tôi sang nước ngoài thì thấy nước ngoài không bao giờ có chuyện trả bài. Nhà nước cấm thì cấm nhưng vẫn tồn tại, chúng ta phải vận động cho con em tự học là chính.”
Bác sỹ Đinh Đức Long thì cho rằng quyết định của TP.HCM về việc cấm dạy thêm là có yếu tố chính trị. Tại sao cả nước 64 tỉnh không có nơi nào cấm dạy thêm mà chỉ có ở Sài Gòn. Tại sao Đinh La Thăng cấm dạy thêm ở Sài Gòn, nhưng ngoài Hà Nội thì Đinh Thế Huynh lại bảo rằng ai muốn đi học thêm thì học? Hẳn là có yếu tố chính trị.
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng cho rằng bối cảnh xã hội nước ta trọng bằng cấp, cha mẹ buộc cho con vào đại học: Ở Pháp cũng có đua nhưng không sốt vó như Việt Nam. Ở Việt Nam, mỗi khi thi đại học là sốt vó từ thủ tướng đến ông xe ôm. Xã hội ta bất thường, từ sự bất thường này sinh ra bất thường khác. Về lương lậu, tôi nghĩ rằng lương của thầy cô giáo Việt Nam quá thấp. Người dạy toán- lý- hóa- văn-Anh còn có dạy thêm được, nhưng thầy giáo dạy sử địa thì gần như không kiếm được gì. Ý của tôi là chuyện dạy thêm không xấu, nhưng xã hội làm cho nó xấu.
Kỹ sư Trần Bang phát biểu: Gốc rễ của dạy thêm xuất phát từ toàn trị. Nền giáo dục không thể đấu tranh để đòi tự chủ học thuật. Giới trí thức đáng lẽ phải tự chủ học thuật của mình Ban tuyên giáo khống chế chương trình, người làm trưởng khoa cũng phải đảng viên. Phải có bằng Mác Lê, dẫn đến các ông thách đố học sinh dẫn đến chương trình quá tải. Về khía cạnh đời sống giáo viên là do kinh tế chậm phát triển. không thu được thuế từ giáo dục, do không tự chủ giáo dục. Không cho đại học như Fulbright giảng dạy thì không thu hút được đầu tư giáo dục. Người ta muốn tự trị đại học, nhưng nhà nước lại muốn khống chế. Chỉ hy vọng vào Fulbright nhưng Fulbright lại bị làm khó dễ. Không thu hút được đầu tư nước ngoài về giáo dục thì ngân sách giảm, tiền lương giảm. Kinh tế ta thấp, là do chính trị. Chính trị quyết định hết.
Bác sỹ Đinh Đức Long lên tiếng: Lương giáo viên thấp, nhưng họ có dám biểu tình không, sao lại đè học sinh ra để thu tiền. Đấu tranh bằng đình công là trong tầm tay. Các thầy cô Việt Nam không yêu sách được chính phủ là đứa mạnh hơn, cho nên phải bắt nạt đứa yếu hơn là đứa học trò. Theo tôi cần vận động các thầy cô đấu tranh đòi tăng lương. Đấu tranh hay bỏ nghề? Tôi nói rằng các thầy cô ở Việt Nam không có dũng khí làm người, chính là mình hèn.
Về chủ đề dạy thêm, Hội giáo chức Chu Văn An còn sôi nổi thảo luận. Cô giáo Thủy, cô giáo Lai là các giáo viên nữ cũng cho nhiều ý kiến có giá trị.
Hội giáo chức Chu Văn An được thành lập vào tháng 1 năm 2016, cho đến nay phân hội phía Nam mới chỉ họp được 2 lần vì bị cản trở. Nhiều thành viên của Hội bị sách nhiễu vì lên tiếng đấu tranh cho cải cách xã hội, trong đó đáng quan tâm nhất là thầy giáo Tô Oanh bị những kẻ có nghiệp vụ dàn dựng tai nạn. Thầy giáo Phạm Minh Hoàng- chủ tịch hội liên tục bị sách nhiễu.
Ấy vậy mà, Hội giáo chức Chu Văn An vẫn phát triển. Cho đến thời điểm này, Hội đã quy tụ được 40 nhà giáo trong cả nước, chia đều cho hai miền Bắc và Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét