Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

CÁI SAI CỦA SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT MỘT


FB Chu Mộng Long
Trước khi viết bài đầy đủ về Âm và Chữ như hai phạm trù khác biệt giữa một bên là nhận diện âm thanh và một bên là nhận diện hình ảnh để đi đến xác định cần dạy như thế nào để trẻ em viết đúng chính tả, tôi dành Stt ngắn này để chỉ ra cái sai của Sách giáo khoa lớp Một.
Bài trước tôi chỉ nhận xét về cách dạy của cô giáo trong phạm vi của clip đang gây phẫn nộ trên mạng. Cho nên rất dễ gây ngộ nhận rằng tôi hoàn toàn đứng về "tính khoa học" của sách giáo khoa.
Khi xem trang hướng dẫn cách đánh vần của sách giáo khoa, quả thật tôi tá hỏa vì một số chỗ sai nghiêm trọng, phản khoa học nhưng lại được sinh ra từ đầu óc những nhà khoa học.
Phần Cách đọc một số vần khó, theo phân tích ngữ âm học trên thực tiễn khách quan của tiếng Việt, tôi không đánh giá sai mà chỉ bàn thêm vài điểm. Hiện tượng viết Chữ (nhận diện hình ảnh) và đọc Âm (nhận diện âm thanh) không thể thống nhất là hiện tượng phổ biến của mọi ngôn ngữ. Chữ có tính khu biệt cao hơn âm, nó khắc phục nhiều trường hợp khó khu biệt của phát âm như tôi từng nói về chữ Bùi Hiền. 

Đánh vần là việc bất đắc dĩ của tiếng Việt, biến một âm phi tuyến tính thành tuyến tính nên mới có chuyện đọc biến/nuốt âm hoặc rõ từng âm. Mà đã thế thì phải chọn một trong hai. Hoặc đánh vần theo cách biến/nuốt âm hẳn như thời hợp tác xã: phụ âm ghép thẳng với vần (Kờ-iên-kiên). Hoặc đã chiết đoạn âm vị học thì phải tạm đọc như sách dạy thời Việt Nam cộng hòa: rõ từng âm (Ka-i-ki-i-ê-n). Tất nhiên, lấy tên chữ cái (theo cách gọi từ thời Pháp thuộc) làm âm đọc như thời Việt Nam cộng hòa là ngô nghê, có nhiều âm được đánh vần rất buồn cười, như Ca đọc thành Xê-a-ca. Sách tiếng Việt lớp Một công nghệ và hiện hành đã lựa chọn nửa nạc nửa mỡ (nửa tuyến tính nửa phi tuyến tính) dẫn đến lú lẫn hơn là phục vụ cho mục đích nhận diện chữ viết để viết đúng chính tả. Kể cả việc bắt trẻ em trình độ lớp Một phải nhận diện một cách khoa học vấn đề âm vị học cũng không cần thiết.
Tôi chỉ nói cái sai nằm trong mục Một số luật chính tả thông thường. Nói về luật chính tả, phạm trù thuộc về chữ viết (hình ảnh), nhưng lại loạn ngôn sang cách đọc, phạm trù âm vị (âm thanh), nên sai be bét.
1) r, d, gi là ba phụ âm với ba âm đọc khác nhau. Nếu dựa vào thực tiễn ngôn ngữ, có thể xem d và gi cùng âm đọc thì chấp nhận được. Còn nhập phụ âm r (âm xát-rung) vào đó để đọc cùng âm "dờ" thì quả thật đúng như dân mạng đã chửi: đọc theo âm của thằng ngọng bán ổi ở làng quê miền Bắc. Đã thế thì có thể nhập luôn phụ âm n với l (lông sản phụ) cho trẻ em học tập và noi gương theo thằng ngọng cho giàu và đẹp tiếng Việt!
2) Phụ âm với cách viết gh và g đều có âm đọc là gờ. Tại sao gh phải đọc là "gờ kép"? Chẳng hạn, học sinh phải đánh vần từ "ghi" là "gờ-kép-i" hay "gờ-hờ-i" ư?
Cũng như thế, phụ âm có chữ viết ng và ngh đều có âm đọc là ngờ. Sách hướng dẫn chữ ngh "đọc là ngờ kép" thì khi đánh vần từ "nghi" phải đọc là "ngờ-kép-i" hay "nờ-gờ-hờ-i" ư? Có dở hơi không?
Tiếng Việt không có phụ âm kép như nhiều chuyên gia ngữ âm học nhầm lẫn. Ngay cả thời điểm các cha cố phương Tây viết: Blăng, Tlăng (từ Trăng) cũng không phải là do thời đó người Việt phát âm có phụ âm kép mà có 2 lý do: 1) các ông Tây nói ngọng tiếng An Nam, và 2) không tìm được phụ âm tương đương bèn phải dùng hai ba chữ cái đại diện cho một âm.
Các phụ âm Tr, Ch, Kh, Nh... đều là hiện tượng một âm được viết bằng hai chữ cái chứ không phải là phụ âm kép.
Từ thành tựu ngữ âm học đến việc các ngài giáo sư tiến sĩ dỏm xào nấu trong sách giáo khoa với sự sai một ly đi một dặm đã trở thành phản khoa học, mặc dù sự nhân danh khoa học để nhồi vào đầu con trẻ là không cần thiết và sai mục đích.
Bài sau tôi sẽ luận giải sự phân biệt Chữ và Âm và nói cụ thể hơn về việc đánh vần. Ở đây tôi quả quyết một điều, đánh vần theo ngữ âm học chưa hẳn giúp ích gì cho việc viết đúng quy định chính tả, nếu không khéo còn đẩy trẻ em từ chỗ đơn giản rơi vào phức tạp.

Top of Form

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét