Tp Hồ Chí Minh ngày 22.5.2016
Kính gửi Ngài Đại sứ Ted Osius,
Đã từng quen biết và tin tưởng ngài qua những lần tiếp xúc với
Ngài và với những quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng lãnh
sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi muốn trao đổi với Ngài một vấn đề mà
theo nhận thức của tôi là hết sức cấp bách và tế nhị vào dịp Tổng thống Barack
Obama đến Việt Nam và thăm TP Hồ Chí Minh.
Theo bản tin của BBC ngày 21.5.2016 về “Lịch trình của Tổng
thống Obama ở Việt Nam”, dẫn lời của Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes
khi đến Thành phố Hồ Chí Minh thì “ngay lập tức, Tổng thống sẽ đến thăm Chùa
Ngọc Hoàng (Phước Hải) đểbày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa
Việt Nam”.
Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng về tin này. Vì sao các ngài lại chọn
chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải tự) để Tổng thống đến thăm để “bày tỏ thành kính
và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam"? Vậy “Chùa Ngọc Hoàng” có
lai lịch ra sao?
“Ngôi chùa vốn là một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một
người tên Lưu Minh (pháp danh là Lưu Đạo Nguyên, người Quảng Đông, Trung Quốc)
xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20 …Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương đến
tiếp quản điện thờ. Kể từ đó điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đến năm 1984, thì điện Ngọc Hoàng được đổi tên là "Phước Hải
Tự". Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên
binh, thiên tướng. Có phối thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và một số
thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa như: Thiên Lôi, thần Môn
Quan (thần giữ cửa), thần Thổ Địa (thần đất đai), thần Táo Quân (thần lò bếp),
thần Hà Bá (thần sông nước), Văn Xương và thần Lã Tổ (thần văn chương), Thái
Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), Nữ Oa Thánh Mẫu, 12 bà mụ, 13 đức
thầy, v.v. Ngoài ra, chùa còn thờ thần Thành hoàng.”
Một ngôi chùa như vậy liệu có tiêu biểu cho “truyền thống văn hóa
Việt Nam” không?
Đành rằng trong quá trình tiếp biến văn hóa, với sự giao thoa của
văn hóa tín ngưỡng, những ngôi chùa Việt Nam không thể không chịu ảnh hưởng của
những kiến trúc của các ngôi chùa Ấn Độ, Trung Hoa, song bản sắc Văn hóa Việt
Nam vẫn là nét chủ đạo trong các chùa cổ của Việt Nam. “Đất vua, chùa làng”,
“trẻ vui nhà già vui chùa”, từ xa xưa khi Phật giáo giữ vị trí độc tôn,
thì ngôi chùa làng không chỉ tọa lạc ở nơi linh thiêng có cảnh quan đẹp nhất
của một làng quê mà còn tọa lạc ngay chính trong tâm hồn cả cư dân trong làng
đó.
Bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam một phần lớn, nếu chưa muốn
nói là nhân tố quan trọng nhất thường được hun đúc, nuôi dưỡng và phát huy từ
những ngôi chùa đó.
Trong quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, với nhiều biến đổi và
chịu tác động của nhiều yếu tố, vai trò và ảnh hưởng của những điều vừa nói tuy
không còn nguyên vẹn, nhưng ở những phần giá trị cốt lõi, thì những ngôi chùa
muốn được xem là tiêu biểu của văn hóa Phật giáo Việt Nam vẫn phải giữ cho
được. Ở giữa TP Hồ Chí Minh đương nhiên không có ngôi chùa làng, nhưng cũng
không quá hiếm những ngôi chùa thuần Việt hoặc đậm sắc thái, tính cách Việt để
có thể giới thiệu cho những ai muốn hiểu về “truyền thống văn hóa Việt Nam”.
Đó là thiển ý của chúng tôi muốn gửi đến ngài Đại sứ. Xin được nói
thêm rằng, tôi vừa trao đổi nội dung thư này với giáo sư Cao Huy Thuần, một nhà
nghiên cứu uyên bác về Phật giáo, tác giả của nhiều tác phẩm viết về đề tài này,
hiện là giáo sư về ngành chính trị học tại Đại học Picardie, Pháp. Gíao sư Cao
Huy Thuần đã hoàn toàn nhất trí với những ý kiến trình bày trong thư và muốn
qua lá thư này, nhờ tôi chuyển đến Ngài Đại sứ ý kiến của ông.
Chúng tôi mong rằng, với trách nhiệm và sự hiểu biết khá kỹ về văn
hóa Việt Nam, Ngài sẽ có sự can thiệp kịp thời về một sự kiện có thể sẽ gây nên
những phản ứng khó lường. Đó là những phản ứng khi người Việt Nam cảm thấy bị
xúc phạm. Đặc biệt là những Phật tử khắp cả nước sẽ hết sức bất bình dẫn đến
phẫn nộ khi ngôi chùa đang được ngộ nhận là tiêu biểu cho bản sắc văn hóa
truyền thống đáng tự hào của mình, ngôi chùa duy nhất được Ngài Tổng thống Hợp
Chúng Quốc Hoa Kỳ đến thăm để “bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống
văn hóa Việt Nam” lại “vốn là một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một
người Quảng Đông, Trung Quốc xây”, đang
thờ nhiều “thần linh
quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa”.
Sự bất bình dẫn đến phẫn nộ là điều dễ hiểu nhưng lại hoàn toàn có
thể cởi bỏ chuyện đó một cách đơn giản với đầy đủ ý thức tôn trọng truyền thồng
văn hóa của dân tộc Việt Nam, một dân tộc chưa hề biết cúi đầu.
Xin gửi đến Ngài Đại sứ lời chào trân trọng của chúng tôi.
Tương Lai,
Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ
Tư vấn Võ Văn Kiệt
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét