Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Những đau thương tức tưởi của ngư dân miền Trung (Hay những cảm nghĩ sau bài viết của bà Lương Thị Huyền)


Nguyễn Duy Vinh
Tôi vừa đọc được trên Bauxite Việt Nam
(https://boxitvn.blogspot.com/2019/07/tieng-noi-cua-tuoi-tre-se-khong-co-trai.html) và trên báo Tiếng Dân (https://baotiengdan.com/2019/07/20/se-khong-co-trai-ngot-cho-mot-su-tranh-dau-nua-voi/) bài viết của bà Lương Thị Huyền (xin viết tắt là LTH) nên cũng xin đóng góp vài ý kiến để làm sáng tỏ thêm vấn đề.
Bài viết của bà LTH tuy có vẻ tích cực về mặt đóng góp ý kiến để hội JFFV (Nhóm Công lý cho nạn nhân Formosa) làm khá hơn, nhưng lời lẽ của bà LTH thì lại rất nặng nề. Bà LTH dùng lý luận mà triết học gọi là lưỡng đao luận (syllogisme) về khách quan, theo tôi dẫn đến bôi bác và gieo nghi ngờ trên việc làm vô cùng quý giá của JFFV.
Con dao hai khía của bà LTH là : (1) bà cho việc làm của JFFV trong việc gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc là “ngây thơ” trên bước đường đi tìm công lý cho nạn nhân Formosa; (2) còn nếu JFFV không ngây thơ thì JFFV đang cố tình nói sai, nói dối những người ủng hộ họ. Đây là nguyên văn câu viết của tác giả LTH:
…“Bởi một hội nhóm đấu tranh, tổ chức quyên góp và đại diện cho bao nhiêu bà con đi đòi công lý mà lại “ngây thơ” (hay tắc trách?) đến mức này thì bà con có thể trông chờ gì vào họ? Càng đáng tiếc hơn bởi nếu như JFFV không biết thì cũng còn rất nhiều người khác biết. Có những tổ chức Nhân quyền rất rành rẽ trong việc vận động quốc tế mà họ hoàn toàn có thể tìm đến để nhờ hợp tác, trợ giúp kia mà…
Khả năng thứ hai, đáng buồn hơn nữa, là JFFV biết nhưng họ cố tình nói sai. Họ thông tin không đúng sự thật, nói dối những người đã ủng hộ họ, quyên góp tiền cho họ, gửi gắm niềm hy vọng trong những nỗ lực của JFFV, rằng ít nhất có thể tranh thủ sự ủng hộ của Quốc tế đối với một vấn đề mà nhân dân ở thế yếu hơn chính quyền khi tranh đấu ở trong nước. Mong , rất mong JFFV sẽ nhìn nhận sự sai lầm và chỉnh sửa.”…
Về mệnh đề JFFV có “ngây thơ” hay không ? thì tôi nghĩ là không và xin góp ý kiến như thế này:
1. Thảm họa Formosa là một thảm họa môi trường kinh hoàng: cá chết la liệt trên 250 km đường biển, trên 10.000 (mười nghìn) người dân mất phương tiện sinh sống, thêm vào đó với tình trạng ô nhiễm tiếp tục, số người dân sống dọc ven 250 km bờ biển đó đã và sẽ còn phải đương đầu với bệnh tật gây ra bởi các độc tố trong các chất xả thải lỏng tuôn ra ngày đêm vào lòng biển từ nhà máy Formosa. Nhà nước CHXHCNVN vẫn tiếp tục bảo vệ và bao che cho nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh và cho họ tiếp tục xả chất thải lỏng xuống biển. Đã có hơn cả trăm bài viết về tình trạng ô nhiễm biển gây ra bởi nhà máy Formosa ở Vũng Áng. Xin mời độc giả vào liên kết mạng jffv.org hoặc tìm đọc những bài về thảm họa Formosa đã được đăng trên anhbasam (đã tạm ngưng xuất bản nhưng độc giả vẫn đọc được những bài đã đăng). Tôi có viết 2 bài khi thảm họa kinh hoàng này xảy ra và xin chép xuống đây liên kết để mời độc giả của Bauxite Việt Nam nghiên cứu thêm (xin xem danh sách tham khảo, hai bài [1] và [2]). Thảm họa môi trường gây ra bởi Formosa là một thảm họa rất lớn. Theo các nhà khoa học Âu Tây, hệ sinh thái biển có thể mất từ vài chục năm đến cả hàng trăm năm mới trở lại bình thường nếu chúng ta ngừng đổ chất độc vào biển.
Làm người Việt Nam chân chính, không ai không đau lòng khi đọc được những tin như vậy trên báo chí trong nước và hải ngoại. Lúc đầu nhà nước Việt Nam tìm mọi cách giấu nhẹm tin tức này. Đến khi vỡ lở ra, cá chết trắng trôi lềnh bềnh dọc bờ biển và các thợ lặn (ngư dân) địa phương tìm ra ống nước xả thải từ nhà máy Formosa, nhà nước lại vẫn tiếp tục khuyên dân ăn cá và tắm biển an toàn [1]. Đây là phương pháp làm việc vô trách nhiệm của nhà nước Việt Nam.
Thảm họa Formosa đưa đến việc xâm phạm và chà đạp (tiếng Tây có chữ bafouer thật hay, les droits fondamentaux sont bafoués) những quyền căn bản nhất của con người, những người dân hiền lành thật thà và cần cù sống ven biển từ Vũng Áng đến Lăng Cô trên dải đất yêu quý Việt Nam.

Những quyền này được ông Philippe Larochelle diễn giải và phân tích tỉ mỉ trong đơn khiếu nại mà ông (đại diện cho JFFV) đã đệ trình lên Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 05 vừa qua:
Những quyền căn bản của hơn 10 nghìn người dân Việt bị bầm dập gồm có :1. Quyền được sống trong môi trường bình an, trong sạch và lành mạnh; 2. Quyền hưởng thực phẩm sạch và lành mạnh; 3. Quyền được làm việc và phương tiện sinh sống; 4. Quyền được biết những thông tin và quyền được phát biểu và hội họp; 5. Quyền được khắc phục những mất mát một cách hữu hiệu. Các độc giả có thể tìm đọc đơn khiếu nại này bằng tiếng Anh qua trang mạng của JFFV (ghi trên) để biết rõ ràng thêm những quyền căn bản của người dân thấp cổ bé họng bị chà đạp như thế nào.
Nói tóm, thảm họa Formosa đưa đến những mất mát liên hệ mật thiết với quyền căn bản của con người. Cả nước sôi sục, biểu tình khắp nơi vào những tháng ngày sau thảm họa, người dân thỉnh cầu nhà nước can dự. Vào chiều ngày 30 tháng 06 năm 2016, Formosa đã công khai nhận tội và sẵn sàng bồi thường vật chất 500 triệu đô la Mỹ. Số tiền quá ít oi so với những thiệt hại nặng nề mà người dân gánh chịu. Xin chép xuống đây lời tuyên bố của Luật sư Lương Trọng Nghĩa (đại biểu quốc hội VN):
“Người dân Việt Nam có quyền hít thở một thứ không khí, tắm một thứ nước biển, ăn một thứ thực phẩm với tiêu chuẩn sạch và an toàn, và tự do đánh cá mưu sinh trên vùng biển của mình như người dân ở Mỹ, ở Úc, ở Đức hay ở Đài Loan. Cái quyền văn minh ấy không thể đánh đổi bằng bất cứ loại ngoại tệ nào, dù là bao nhiêu. Hàng chục triệu người dân Việt Nam theo dõi vụ Formosa suốt mấy tháng qua đã bày tỏ một cách kiên quyết và rõ ràng nguyên tắc này và Chính phủ Việt Nam có đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn bảo đảm cái quyền ấy cho nhân dân của mình.”
Nhưng Chính phủ Việt Nam đã không làm hoặc không làm được gì trong việc bảo đảm những quyền căn bản của người dân. May thay có những hội từ thiện như nhóm CÔNG LÝ CHO NẠN NHÂN FORMOSA (JFFV) được thành lập với mục đích yểm trợ cho công cuộc tìm công lý cho nạn nhân của thảm họa môi trường do công ty Formosa gây nên. Mục tiêu của JFFV là: 1. Đòi hỏi sự đền bù xứng đáng cho các nạn nhân; 2. Đòi hỏi làm sạch các vùng biển bị ô nhiễm; 3. Yểm trợ tinh thần và phương tiện cho những vụ khiếu kiện trong và ngoài Việt Nam. Việc khiếu nại của JFFV đệ trình lên Ủy ban Nhân quyền LHQ là một việc nên và đáng làm. Tôi không nghĩ JFFV “ngây thơ” như bà LTH nói. Luật sư Philippe Larochelle là một luật sư từng có 20 năm kinh nghiệm, đã từng làm việc trong những hồ sơ tố tụng hình sự quốc tế, văn phòng nằm tại Montréal (Canada):
Một luật sư với 20 năm kinh nghiệm như thế không thể “ngây thơ” đến độ không biết việc mình làm. Vấn đề sai hay đúng thời gian sẽ trả lời, sau khi có phán quyết của Ủy ban Nhân quyền LHQ. Xin nói thêm để bà LTH và các độc giả của Bauxite Việt Nam biết là Luật sư Philippe Larochelle chuyên về nhân quyền không chỉ có kinh nghiệm trên 20 năm, ông còn thắng nhiều vụ kiện lớn về nhân quyền như vụ giết người hàng loạt tại Rwanda. Xin xem liên kết dưới đây:
Khiếu nại tại Liên Hiệp Quốc chỉ là một trong những tranh đấu cho nạn nhân Formosa. Ngày 11 tháng 6 vừa qua, họ đã giúp gần 10,000 nạn nhân và trình đơn kiện tại Tòa án Đài Loan. Xin xem liên kết: https://m.youtube.com/watch?v=AW-9d6ZuSqI
Hoặc bản tin của BBC:    https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48590812
Hoặc ngay trên website jffv.org của hội JFFV
Có thể hiệu quả của việc khiếu nại này đối với nhà nước Việt Nam không có gì to tát và đáng quan ngại vì Việt Nam xưa nay vẫn coi thường những luật lệ quốc tế (như vụ kiện tụng với ông Trịnh Vĩnh Bình và vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức gần đây) nhất là những luật lệ động đến nhân quyền người dân. Tuy thế Việt Nam đã khôn khéo biết mạnh miệng khi có lợi cho mình, la lên đòi Trung Quốc phải tôn trọng vùng 200 hải lý thuộc đặc quyền kinh tế biển (EEZ) của Việt Nam khi vùng EEZ này bị tàu bè Trung Quốc xâm phạm, dựa trên công ước biển (UNCLOS) của LHQ mà Việt Nam đã ký kết. Tát nhiên mạnh miệng như thế là cấn thiết, tiếc rằng không phải việc gì cũng dám mạnh miệng và mạnh miệng thật đúng lúc để thế giới phải nể mặt.
Mà nói cho cùng thì đây có thể chỉ là bước đầu của JFFV. Tôi nghĩ JFFV sẽ không ngừng tại đây. Nếu nhà nước Việt Nam lờ đi không tuân thủ những khuyến cáo của Ủy ban Nhân quyền LHQ, dĩ nhiên UBNQ LHQ sẽ có những biện pháp thích nghi để bắt buộc Việt Nam tuân thủ, dựa trên những cam kết về Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký năm 1982.
2. Bà LTH lên án JFFV gian dối, nhưng những lý luận của bà không có tính thuyết phục về thẩm quyền của UBNQ LHQ cũng như cách khiếu nại của JFFV. Việc lên án của bà có thể vô tình hay hữu ý gieo nghi ngờ và đánh lạc hướng những ai đang chú tâm đến những sai phạm trầm trọng của nhà nước Việt Nam trong việc quản lý công trình Formosa và việc xử lý thảm họa môi trường khủng khiếp tại Trung phầnVN gây ra bởi Formosa. Bài viết của bà LTH đến đúng lúc JFFV đang có những sinh hoạt gây quỹ cho nhóm họ trong việc làm thiện nguyện khiến người ta phải băn khoăn nêu câu hỏi: Không biết bà LTH có mưu toan gì không trong những chuyện thế này, hay chỉ là vô tình? Chúng tôi không muốn áp đặt cho bà.
Làm người dân Việt Nam mà không có một chút cảm xúc cho những gì xảy ra trên chính quê hương mình thì đó là điều rất đáng buồn. Tôi đọc được mấy hàng chữ này của một DLV đã để lại một comment trên Báo Tiếng Dân sau khi đọc bài bà LTH và tôi xin chép lại đây như là kết luận của bài viết của mình, cũng không phải nhằm răn bảo gì mà thỉ muốn nêu lên để cùng rút inh nghiệm nếu mình không cố ý: “Nước Việt Nam mình có thể được ví như một người thiếu nữ. Thiếu nữ này bị cưỡng bức và hiếp dâm. Nhân phẩm không còn, thân tâm tơi tả. Bất công này biết than thở cùng ai. La lên thì bị nhà nước áp đảo. May thay còn những người có tâm huyết (như JFFV, như Mẹ Nấm …) hét lên thay cho họ. Bà Huyền nếu có chút tâm huyết cho Việt Nam thì xin bà dẫn đường chỉ lối thêm cho chúng tôi theo. Để bảo vệ cho một nước Việt Nam tươi đẹp và lành mạnh cho con cháu mình sau này.”
Yaoundé một chiều mưa
N.D.V.
Tác giả gửi BVN
Sau khi bài của tác giả Nguyễn Duy Vinh đăng trên Tiếng dân, tác giả Lương Thị Huyền đã có những lời trao đổi lại trên FB. BVN cân nhắc và xin đăng tiếp những lời đó, coi như là lời vắn tắt đáp lại người phản biện mình, và xin khép lại cuộc trao đổi ở đây.
Bauxite Việt Nam
Ai cũng có thể có lúc sai, sai thì sửa, mới có thể tiến bộ được. Cuộc đời là một quá trình trưởng thành không bao giờ ngưng lại nhờ sự học hỏi, biết sai và biết rút kinh nghiệm.
Đó là lý do khi chỉ ra lỗi sai của “Hội Công lý cho nạn nhân Formosa”, tôi không dùng lời lẽ gay gắt hay nặng nề, tôi chỉ nói “Mong, rất mong rằng JFFV sẽ nhận ra sai lầm và sửa chữa”. Đơn giản bởi vì mình đang đi đòi công lý, mình nhất định phải nói sự thật.
Thế nhưng khi Báo Tiếng dân đăng lại bài viết đó của tôi thì có những phản biện bênh vực JFFV theo kiểu tấn công cá nhân rất nực cười. Họ, thay vì phản biện quan điểm nếu thấy tôi sai, hoặc là thừa nhận thiếu sót của JFFV nếu tôi nói đúng, thì lại sa đà vào việc tấn công cá nhân, ám chỉ tôi là kền kền, rồi quy kết là tôi tấn công ông cha Hùng nào đó?!
Cãi ngang cãi ngửa kiểu vậy có sửa sai thành đúng được hay không?
Khi người ta nói lý lẽ với mình một cách văn minh và mang tính xây dựng thì mình cũng phải đáp lại bằng lý lẽ, bằng sự thấu tính đạt lý, chứ lồng lộn lên chửi đổng như thế thì được gì?
Xin nhấn mạnh là JFFV chưa có một động thái phản hồi nào, đây chỉ là những ý kiến của người phản biện. Tôi vẫn hy vọng Hội Công lý cho nạn nhân Formosa có thể suy nghĩ thấu đáo vấn đề, tìm hiểu kỹ lưỡng. Nếu họ chỉ ra được là tôi viết sai chỗ nào, tôi sẵn sàng xin lỗi và đính chính.
Ai có thể bất chấp để bênh vực cái sai, như đảng cộng sản muôn đời không khá lên được vì cứ sai hoài, sai mãi, sai không bao giờ chịu nhận và chịu sửa.
Chứ chúng ta là những người lên tiếng cho công bằng xã hội, cho lẽ phải và sự thật mà cứ cãi ngang cãi ngửa vô lối, bất chấp đúng sai, mập mờ đen trắng, thì làm sao mà thắng nổi gian tà, xảo trá, bất minh đây?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét