Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

Thời của họp hành - Kỳ 5 ( Một thời đau đớn không quên )


Tiếp sau ông Trần Độ là phát biểu của Chế Lan Viên:
​Cần có tiếng nói dứt khoát, không nên do dự, Anh Ngọc còn do dự trong việc nhận khuyết điểm về bản đề dẫn (đ/c C.L.V phân tích dài sai lầm của bản đề dẫn).
​Người gây ra tình hình này là anh N.Ngọc. Vô hình chung hình thành một cái trung tâm: đó là ông N, ông T.Ho, ông B, ông H.N.H… Chính anh N xây thành những cái tổ kén khá bền chắc: T.S, N.T.L, H.P, H.N.H v.v… Bây giờ lâu ngày rất khó gỡ.
​Anh N điện cho anh Thi ở lại Liên Xô dự hội nghị nhưng không nói rõ ai làm trưởng đoàn. Anh có dụng ý gì? Anh đề nghị anh B huân chương là không xứng đáng. Còn anh, tác phẩm so với X.D, A.D còn kém hơn. Anh cũng như Đ.V, như vợ tôi… thôi chứ!
​Trong tờ Lotus: bài nói về anh không đúng ý của Hội Nhà văn, sao anh không có ý kiến nói lại? Có một số việc như việc huân chương, sao không báo cáo lại với Đảng đoàn? Đảng đoàn to hơn đồng chí Bí thứ chứ! Bí thư phải báo cáo với Đảng đoàn chứ!
​Anh N kiên trì không thi hành nghị quyết. Anh T.Hu cứu anh nhiều lần nhưng anh từ chối. Anh bị bao vây về lý luận. Anh ở đây những có cảm giác anh có phái viên đi các nơi hoạt động. Bản đề dẫn tuy vậy cũng không nghiêm trọng lắm. Nghiêm trọng là thái đội đối với nó.
​Ít người làm việc với anh vì anh chọn người phe phái của mình.
​Anh là Bí thư thì còn hại cho Đảng. Anh không nên làm nữa, và anh đấu tranh cho Đảng thì chúng tôi sẽ ủng hộ anh.
​Nguyên Ngọc:
​Đối với anh T, tôi không có dụng ý xấu. Tôi không nghe thấy anh T nói gì về vấn đề này.

​Tôi xin lỗi các đồng chí vì trong một thời gian dài, tôi đã không nhận ra sai lầm; do đó, đã tác động rất lớn đến tình hình chung. Tôi rất chủ quan, tin vào sự trong sáng của mình (muốn làm cho mọi việc được tốt) nên đã kiên trì giữ nhiều ý kiến. Tôi thấy văn học ta chưa đáp ứng được yêu cầu của cách mạng. Tôi muốn làm tốt hơn. Nhưng ý kiến cá nhân tôi đã vi phạm đến nhiều điều nguy hiểm. Tôi đã không thấy được tình hình chính trị chung, đã để cho một số sự việc, hiện tượng xẩy ra, gây tác hại cho uy tín của Đảng. Tôi xin rút lui những ý kiến đã bảo vệ trước đây và xin Đảng cho phép tôi sửa chữa. Tôi tin rằng tôi dám hy sinh cho cách mạng thì tôi cũng có dũng khí để sửa chữa. Tôi không hiểu anh em nên đã có định kiến.
​Xin cảm ơn các đồng chí đã góp ý kiến.
​Nguyễn Khải:
​Anh Nguyễn Chí Trung đã gây tác hại nhiều đến uy tín Đảng đoàn Hội Nhà văn, làm hại anh Nguyên Ngọc.
​Anh Nguyễn Chí Trung có tác dụng phá hoại, kích động ghê gớm lắm. Anh hết sức “Mao”. Tai học cho anh N là từ khi anh T ra ở 4 Lý Nam Đế, Nguyễn Chí Trung nói: Nay mai lịch sử sẽ tính bản đề dẫn là một cái mốc! Nguyễn Chí Trung dặn để từng người nên nói gì khi có cán bộ của Ban Tuyên huấn đến tìm hiểu tình hình.
​Nguyễn Chí Trung kêu gọi tôi nên ủng hộ Nguyên Ngọc vì nay mai, anh Chu Huy Mân sẽ làm trưởng ban tổ chức và anh N sẽ được ủng hộ.
​Đối với sai lầm, khuyết điểm của anh N trong sự điều hành công việc chung, thời gian đầu tôi phải liên đới chịu trách nhiệm với anh N. Còn về sau, cùng chịu trách nhiệm với anh N phải có anh Tô Hoài.
​Không thấy anh N kích động ai trong quân đội.
​Tôi rất sợ anh T.Hoài. Điều hành công việc có nhiều sai lầm là do anh N bàn với anh T.Hoài
​Trên cho anh T.Hoài là nhà văn lớn, yêu anh lắm! Công an hình như tin anh! Anh lên bằng sự hiểu lầm của mọi người! Tôi cho anh T.Hoài không thể có tác phẩm gì lớn.
​Đ/c Trần Độ:
​Việc giới thiệu đ/c Nguyễn Chí Trung chủ trì cuộc họp đảng viên là không đúng. Việc cử đồng chí vào Hội đồng nhà trường cũng không xứng đáng. Đ/c N cần chú ý đến quan hệ với anh Nguyễn Chí Trung.
​Anh N đã nhận rõ sai lầm trong công việc và có quyết tâm sửa chữa là tốt lắm. Bây giờ cần có chương trình hành động cho tốt.
​Tờ báo Văn nghệ cần phải có tiếng nói của anh N, anh T khẳng định quan điểm của mình đối với bài của anh H.N.H. Cần đề phòng những xu hướng xấu phát triển. Cần phê bình thân ái và thông minh.
​Đ/c Nguyễn Đình Thi:
​Nhân có anh Độ, tôi xin nói với anh về việc riêng của tôi. Mong rằng trên hiểu rõ cho tôi là. Dư luận nói tôi viết vở Nguyễn Trãi định ám chỉ một đồng chí nào là không đúng. Suy nghĩ, và nguyện vọng của tôi là được viết những điều mình thấy là nên viết. Trong phê bình của Trung ương về vở Nguyễn Trãi, tôi xin phép không tiếp nhận điều phê bình là tác phẩm có biểu tượng hai mặt, vì tôi không có những ý đó.
​Đ/c Giang Nam:
​Về tổ chức cần rà lại cơ cấu tổ chức của Báo – Xuất bản – Trường để xây dựng củng cố các cơ sở.
​Đ/c Trần Độ:
​Cuộc họp đã giải quyết được một việc quan trọng là anh N đã nhận ra sự sai lầm về quan điểm trong thời gian qua và quyết tâm sửa chữa, đã thống nhất được trong Đảng đoàn. Mọi người cần xúm lại để giải quyết công việc mới được.

​Cuộc họp thứ ba.
​Biên bản họp tiếp Ban thường vụ mở rộng chiều ngày 22-11-1980.
​(Có mặt: Các đồng chí có mặt trong cuộc họp ngày 19/11. Thêm các đồng chí: H.
😭, N.Q.C, C.H.C, B.N (thư ký đồng chí T)
​Anh Thi:
​Cuộc họp hôm nay là để thông qua bản nghị quyết của các buổi họp trước.
​Đồng chí B.H đã đồng ý nhận thường trực Hội trong thời gian chờ quyết định trên.
​Đồng chí N chưa thống nhất ý kiến trong bản nghị quyết nên chiều nay đồng chí N sẽ trình bày thêm.
​Chúng ta sẽ triệu tập hội nghị chấp hành vào tháng 12. Đồng thời sẽ tiến hành những công tác theo ý của Đảng đoàn và gợi ý của anh T.Đ: cùng cố cơ quan Hội, đấu tranh trên báo chí và ổn định lại trường nhà văn.
​Nguyên Ngọc:
​Hôm qua, tôi đã suy nghĩ lại. Từ sau hôm họp ở Ban Tuyên huấn, tôi thấy nhiều điều vu cáo tôi, truy bức tôi. Bây giờ tôi xin nói lại: tôi không nhận, tôi bảo lưu. Nếu các đồng chí biểu quyết, tôi sẽ không biểu quyết. Tôi xin được gặp đồng chí Lê Đức Thọ và một số đồng chí có trách nhiệm.
​Nguyễn Khải:
​Từng đảng viên có quyền bảo lưu ý kiến của mình, nhưng khi ở trong tổ chức thì nguyên tắc là thiểu số phải phục tùng đa số. Nếu không phục tùng đa số thì sẽ gây rối loạn, không thống nhất được tư tưởng, gây ra sự chia rẽ, bè phái.
​Hôm trước có ý kiến đa số góp là đúng, nhưng có một số ý kiến là quá đà, trong thái độ có chỗ không đúng, vì nói chung anh em không tín nhiệm anh nữa. Anh N cần phải tôn trọng ý kiến của tập thể Đảng đoàn.
​Giang Nam:
​Cái gốc của tình hình hiện nay là do anh em bối rối. Đảng đoàn phải chịu trách nhiệm một phần về tình hình này. Anh N tự phê bình nhưng anh không giải quyết triệt để. Ta muốn làm cho êm nhưng thực tế là tình hình ở bên dưới vẫn bung ra như ở hội nghị văn học 35 năm. Hội là trung tâm gây ra những ảnh hưởng về tư tưởng, quan điểm.
​Anh N không đoàn kết nổi anh em trên những vấn đề cơ bản. Nguồn gốc là ở thái độ anh không rõ ràng có sự lừng khừng nào đó. Cần phải có can đảm nhận ra cái sai. Nếu không giải quyết thì anh N sẽ là cái mầm cho một vấn đề gì đó. Tình hình rõ ràng xấu đi, cần phải đấu tranh. Đã đến thế này, đề nghị trên cần phải giải quyết, nhất là về tổ chức.
​Mấy ngày nay, chắc anh N buồn lắm, nhưng nếu không giải quyết rõ về quan điểm thì các anh cũng không làm việc được.
​Nguyễn Văn Bổng:
​Nói chung anh em bối rối nhưng có một số kẻ lếu láo rất nguy hiểm đang lợi dụng. Tôi chưa đọc bản đề dẫn nhưng nghe anh em đã đọc thì cũng thấy là có quan điểm lệch lạc. Tôi mới nghĩ thế một cách cảm tính.
​Trong tình hình đó, Anh N lại nói giữa hội trường: “Nhờ anh T đọc lại bản đề dẫn thì rất có hại”.
​Anh N.N khi mới ra làm, ai cũng ủng hộ. Nhưng cái nguy hiểm là anh vô tình đồng loã với bọn lệch lạc, bọn xấu. Tôi nghe bao nhiêu chuyện, vừa đúng và không đúng. Tôi rất sợ, thấy mình bao nhiêu năm hoạt đồng ngành này mà vẫn mất cảnh giác. Nếu anh em phê phán có quá đi một chút thì cũng là để anh N tỉnh ra.
​Về việc huân chương, Nhà nước đã đề ra tiêu chuẩn, anh N.Q.C đến giục làm, có bàn bạc, thống nhất nhưng làm chưa sâu.
​Tôi thấy rõ N.N không làm được việc nữa. Bấy nhiêu ông Đảng đoàn, Thường vụ không ủng hộ, làm việc sao được nữa?
​Tôi buồn là anh N nhiều vấn đề đã tỏ ra quá kiêu căng tự phụ.
​Hai năm nay đã nhiều người nói tổ chức Đảng đoàn như một hội đồng văn học. Trong khuyết điểm có phần của anh N, nhưng cũng có phần của ban tổ chức TW.
​Hoàng Trung Thông:
​Hôm qua Sở Công an Hà Nội có mời tôi và anh T.Hoài đến để hỏi tình hình. Sở Công an nói: “Ban Tuyên huấn họp hai ngày mà phải bỏ ra một ngày rưỡi để nói về Hội Nhà văn”. Tôi đã bác lại ý kiến của Sở Công an là Hội Nhà văn không đến nỗi như thế. Chính là Bộ Văn hoá, có hàng trăm người bỏ đi nước ngoài sao không ai nói đến.​
​Sang năm 1981 sẽ kỷ niệm trang trọng 25 năm ngày thành lập Hội Nhà văn.
​Hội Nhà văn không có người bỏ đi nước ngoài, không có tốn phí hàng triệu đồng trong việc làm phim. Tất nhiên Hội Nhà văn có những vấn đề quan điểm đang có khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học đã qua.
​Bảo Định Giang:
​Tình hình thành phố rối lên vì bài của H.N.H, nhất là ở trường đại học. Ở trường đại học, người ta ca ngợi bài của H.N.H nhiều nên anh P.C.Đ đã phải nói lại.
​Sau hội nghỉ đảng viên đã phân ra thành hai luồng tư tưởng trong đội ngũ. Tôi không đồng tình như vậy.
​Khi có Đảng đoàn mới, mọi người đều ủng hộ Đảng đoàn mới, ủng hộ đồng chí N.N; nhưng đồng chí N kiêu ngạo, rồi từ quan điểm sai đi đến mất nhân tâm. Từ trước đến nay, chưa có một đồng chí phụ trách đoàn thể văn nào bị mất nhân tâm đến như anh N. Mất nhân tâm đến thế hại cho Đảng biết bao nhiêu!
​Phủ nhận tất cả các ý kiến của tập thể như thế là ở anh N có sự thay đổi về chất. Anh nên tỉnh táo lại. Anh N thế này thì sẽ rối từ trong chị bộ, trong cơ quan rồi trong toàn giới. Không thể kéo dài thế này, nguy hiểm lắm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét