Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Thư ngỏ gửi ông Tất Thành Cang: Hãy đối thoại mặt đối mặt

 Posted by adminbasam on 11/01/2017

Phạm Chí Dũng
11-1-2017
phamchidung
Kính gửi: Ông Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM
Đồng kính gửi:
– Ông Đinh La Thăng – Bí thư thành ủy TP.HCM
– Ban Tổ chức thành ủy TP.HCM
– Ban Nội chính thành ủy TP.HCM
– Ban Tuyên giáo TP.HCM
– Văn phòng thành ủy TP.HCM
– Một số cơ quan và báo đài trung ương
1.                Ba tôi – Phạm Văn Hùng, một cán bộ lão thành đã 86 tuổi, đã hết chức vụ từ lâu và phải chống nạng vì xương háng bị gãy – vào ngày 10/1/2017 đã bị ông “triệu” đến Thành ủy để “làm việc” về những vấn đề liên quan đến tôi.
Không thư mời, chỉ thông báo qua điện thoại. Gia đình tôi đánh giá cách đối nhân xử thế của một người sinh năm 1971 như ông với ba tôi là trịch thượng và vô lễ.
Tháng 7/2014, ngay sau khi Hội Nhà báo độc lập Việt Nam do tôi chủ xướng ra đời, ba tôi cũng bị “triệu” đến để nghe gần hết Ban thường vụ thành ủy TP.HCM “đấu tố” về tôi.
Đôi khi tôi thật sự ngạc nhiên là với cả một bộ máy khổng lồ có trong tay, đặc biệt là Công an và Tuyên giáo, tại sao Thành ủy lại không gặp trực tiếp tôi để trao đổi, hoặc nên hơn cả là đối thoại mặt nhìn mặt và chỉ nói sự thật chứ không phải chụp mũ quan điểm hay hình sự hóa hành vi dân sự?
Sự thật ấy chính là những bài viết của tôi về sự thật chế độ hiện hành, quốc nạn tham nhũng, thực chất nền kinh tế, phản kháng xã hội tràn ngập, các quyền tự do căn bản của người dân bị từ chối hoặc bị đàn áp… mà các cơ quan đảng và chính quyền từ cấp trung ương xuống địa phương đều cố bưng bít, chứ không phải là cách quy chụp “xuyên tạc” như ông và những cán bộ của ông một chiều chỉ trích tôi.

Sự thật ấy cũng là việc Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cùng nhiều tổ chức xã hội dân sự khác được người dân tự nguyện lập ra theo Hiến pháp năm 1992 với quy định về quyền tự do lập hội của công dân, chứ không phải chúng tôi lập hội bất hợp pháp như ông và những cán bộ của ông một chiều quy chụp.
Liệu ông và bộ máy tham mưu của ông có thể chứng minh bất kỳ một bài viết nào của tôi là “xuyên tạc”?
Liệu ông và bộ máy tham mưu của ông có thể chứng minh được bất kỳ chi tiết nào trong bài viết “Ông Trần Phương Bình bị bắt vì thất thoát hay do ‘đổi tiền’?” của tôi (đăng trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 16/12/2016) – mà các ông có vẻ đặc biệt nhấn mạnh – là sai sự thật hay xuyên tạc?
Bài viết trên của tôi có đoạn “Có dư luận cho biết công an đã nắm rõ được hành vi gây thất thoát của ông Trần Phương Bình tại DongA Bank, nhưng không dám bắt vào năm 2015 là vì DongA Bank là một ngân hàng của Thành ủy TP HCM được bí thư thành ủy khi đó là ông Lê Thanh Hải che chắn. Luồng dư luận này cũng cho rằng việc ông Trần Phương Bình bị bắt vào thời điểm cuối năm 2016, khi ông Lê Thanh Hải đã nghỉ, là một đòn đánh vào ông Hải và khối tài sản khổng lồ tích góp qua nhiều năm của ông này”.
Vậy phải chăng do bài viết của tôi đã đụng chạm Thành ủy TP.HCM và cựu bí thư thành ủy Lê Thanh Hải nên ông đã bức bối đến mức phải “làm việc” với ba tôi?
Cuộc “làm việc” trên cùng nội dung về Ngân hàng Đông Á được nhấn mạnh cũng khiến tôi không thể không liên tưởng đến một dư luận đã ồn ào từ lâu ở TP.HCM: ông Tất Thành Cang được coi là “đệ tử ruột” của ông Lê Thanh Hải thời ông Hải còn là bí thư thành ủy. Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng bước đường thăng tiến của ông Tất Thành Cang hanh thông một cách lạ lùng: rời Thành đoàn TP.HCM, ông Cang được lãnh đạo Thành ủy đưa về làm bí thư kiêm chủ tịch quận 2 – nơi có dự án “đất vàng” khu đô thị mới Thủ Thiêm với bao cảnh khiếu kiện rồng rắn của dân bị giải tỏa và cả những cái chết của dân oan không hề được chính quyền TP.HCM thông tin, sau đó làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, tiến lên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM và lúc này đang thủ ghế Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM.
Một câu hỏi vẫn nằng nặng trong tôi: liệu những nội dung được nhấn mạnh trong buổi “làm việc” với ba tôi về Ngân hàng Đông Á có phải là ý kiến đã được thống nhất của Thành ủy, hay chỉ là chủ ý riêng của ông Tất Thành Cang trên danh nghĩa “Thành ủy”?
2.                Rốt cuộc, não trạng và lối làm việc của những quan chức như ông Tất Thành Cang đã khiến căn bệnh cao huyết áp của ba tôi tái phát ngay sau cuộc gặp ngày 10/1. Làm sao tôi có thể hiểu khác hơn về cách làm việc của ông, và của cả cơ quan thành ủy, chính là một động tác “khủng bố” tâm lý ba tôi?
Tôi tha thiết đề nghị các ông, thay vì tìm cách hành hạ tinh thần của ba tôi, hãy “khủng bố” trực tiếp tôi.
Từ nhiều năm qua, tôi đã quen với cảnh khủng bố khỏi cần ngoặc kép của Công an TP.HCM: canh gác, theo dõi, đe dọa, triệu tập trái phép, giam hộ chiếu xuất cảnh, ngăn chặn tại nhà, bắt cóc… Ngay những ngày sát tết nguyên đán 2017 này, hàng chục nhân viên an ninh vẫn “ngày đêm canh giữ an ninh quốc gia” đối với tôi.
Một tính toán sơ bộ của tôi cho thấy chưa tính phần theo dõi bí mật, chỉ riêng hoạt động theo dõi công khai của Công an TP.HCM đối với tôi đã ngốn hết hàng trăm ngàn USD mỗi năm. Tiền đó ở đâu ra, hay đích xác lấy từ những đồng bạc còng vai nộp thuế của người dân thành phố?
Là phó bí thư thường trực thành ủy, trong đó có chức trách về an ninh nội chính, ông Tất Thành Cang không thể không biết hàng loạt “công tác nghiệp vụ”, mà thực chất là vi phạm nhân quyền của Công an TP.HCM, đối với nhiều người hoạt động dân chủ và với tôi. Một trong những minh chứng điển hình thuộc về người tiền nhiệm của ông – Phó bí thư thành ủy Nguyễn Văn Đua. Cùng với sự hiện diện của ông Đua tại hiện trường Công viên Quách Thị Trang ngay trung tâm Sài Gòn, tôi được tận mắt chứng kiến màn cho “côn đồ công vụ” ném mắm tôm vào những người kỷ niệm ngày Nhân quyền quốc tế 10/12/2013. Cho đến nay, chiến thuật chống quyền làm người này càng “phát huy thế mạnh”.
Khi ông đã chắc chân Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM, vào ngày 8/5/2016 đã hiện hình một trận đàn áp khốc liệt và dã man của Công an TP.HCM đối với cuộc biểu tình phản đối Formosa ở Sài Gòn: tại sân vận động Hoa Lư, hàng trăm người biểu tình bị công an chửi rủa và đánh đập đến đổ máu. Là một quan chức lãnh đạo chịu trách nhiệm về công tác nội chính, ông giải thích ra sao về hành vi “công an nhân dân” này?
3.                Tôi chỉ là một nhà báo phản biện và mong đến một lúc nào đó chính quyền sẽ tham khảo và tiếp thu những ý kiến phản biện ấy. Nhưng tôi không quá mong muốn đến một lúc nào đó tôi sẽ phải viết ra những gì sâu xa nhất về góc tối chế độ và nhân vật chính trị, đồng thời đề xuất với quốc tế về tên những quan chức TP.HCM như những trường hợp chứng minh được về vi phạm nhân quyền và đàn áp tự do báo chí, trong khuôn khổ Luật Nhân quyền Magnisky Toàn cầu mà tổng thống Hoa Kỳ vừa ký chính thức vào tháng 12/2016 và nhiều nước phương Tây đang có khuynh hướng áp dụng luật này nhằm cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản những quan chức vi phạm nhân quyền, trong đó có quan chức Việt Nam.
Cuối cùng, “lấy dân làm gốc” vẫn là bài học lịch sử mà giới quan chức cần nằm lòng, nếu không muốn bị nhân dân và lịch sử đào thải.
Tôi đề nghị đối thoại với ông Tất Thành Cang, mặt đối mặt và nếu tốt hơn nữa thì chia sẻ để cùng tìm ra sự thật và một mẫu số chung, nếu không phải dành cho hiện tại thì cũng cho một tương lai không còn xa nữa của Sài Gòn.
Ngày 10 tháng 1 năm 2017
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét