Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

Nhà báo, nhà giáo góp ý về Luật Đặc khu: Hãy nhớ cho thật kĩ, chúng ta là những con cừu đang chơi với sói

Tác giả: theo FB Đoàn Bảo Châu và Chu Mộng Long

KD: Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu “Xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, nhân dân về Đặc khu kinh tế”- báo NLĐ, ngày 11/7/2018) trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia, đọc trên mạng, thấy ý kiến của nhà báo, nhà giáo góp ý hoặc thể hiện thái độ của mình về vấn đề Đặc khu kinh tế. Xin đăng lên để các quan chức có trách nhiêm, bạn đọc Blog nếu lắng nghe thật sự và quan tâm vấn đề này- chia sẻ
Title bai, chủ Blog xin đặt
Và Blog cũng rất mong nhận được những ý kiến đa chiều khác, ủng hộ Luật Đặc khu, để hiểu quan niệm về vấn đề này ra sao.
——————- 
Bài của nhà báo Đoàn Bảo Châu:

Hãy nhớ: Mỗi một món hàng của con sói là một thứ quả đắng!

Ngày hôm qua, ông thủ tướng Phúc có nói cần tham khảo ý kiến của nhân dân, tôi là một người dân Việt và đây là ý kiến của tôi.
Nếu chỉ đơn thuần là một bài toán kinh tế thì tôi đã không hé nửa lời bởi kinh tế không phải là chuyên môn của tôi nhưng đây hoàn toàn không chỉ là bài toán kinh tế và những người phản đối dự luật đặc khu cũng bởi điều này.
Chưa có đặc khu thì nền kinh tế của Việt Nam đã phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và đây chính là sai lầm của lãnh đạo Việt Nam. Không thể đổ lỗi là bởi nền kinh tế của ta yếu kém và bắt buộc phải như vậy mới sống còn được.

Khi đường thở của ta đang nằm trong tay một kẻ khác thì ta cũng không khác gì một kẻ nô lệ. Đã phụ thuộc thì sự độc lập chỉ là giả tạm hay là một sự độc lập mỏng manh và đầy rủi ro.
Có nhiều bạn còn mơ hồ và không nhìn thấy sự liên hệ giữa dự luật đặc khu và hiểm hoạ Trung Cộng. Nếu một ai còn nghi ngờ điều này, xin hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng mình là những ngư dân Việt Nam, hàng ngày ra biển mà trong lòng nơm nớp lo sợ gặp tầu đánh cá Trung Cộng.
Đừng bảo là tôi nói quá điều này và đừng mang mấy câu phỏng vấn ngư dân trên báo chí mà cãi lại là ngư dân của ta không sợ.
Trung Cộng có chương trình huấn luyện ngư dân của chúng thành một lực lượng “dân quân trên biển” có trang bị vũ khí và chính phủ bỏ tiền bọc thép cho tầu đánh cá. Điều này báo chí quốc tế đã viết. Các bạn có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng.
Việc quân sự hoá ngư dân, quân sự hoá biển Đông, xây và biến đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự đã tạo ra một sự nghẹt thở về phía biển. Giờ đây, rất nhiều những dự án bất động sản trong đất liền có nguồn gốc tài chính từ Trung Quốc và đất nước này đang biến thành chủ nợ lớn của Việt Nam.
Nếu đi du lịch ở Đà Nẵng, Nha Trang thì bạn sẽ cảm thấy sự hiện diện của người Trung Quốc, sự hiện diện văn hoá của họ rất rõ. Ở đây tôi không ghét người Trung Quốc mà tôi ghét sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc tới Việt Nam, tôi ghét sự ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc với kinh tế Việt Nam và tôi ghét âm mưu bành trướng của lãnh đạo Trung Quốc.
Mặc dù đúng là về văn hoá, Việt Nam có chịu sự ảnh hưởng nhiều nhưng tôi không muốn phần còn lại của hồn Việt rồi sẽ bị nhuộm mầu xanh đỏ của Tầu Cộng. Cái sức sống văn hoá của dân tộc Việt nhất định không bao giờ chịu sự đồng hoá, chẳng thế mà một nghìn năm đô hộ không khiến người Việt quên mình là ai.
Xin đừng ai mở mồm nói với tôi về tình hữu nghị Trung –Việt. Các vị có thể hót như vậy khi tay bắt mặt mừng, miệng cười hảo lớ hảo lớ… theo phép ngoại giao nhưng đừng nói với người dân Việt về thứ tình hữu nghị thối rữa, đầy giả dối ấy. Cũng đừng ai nói về việc Việt Nam chịu ơn Trung Quốc về vũ khí và thực phẩm trong cuộc chiến Bắc-Nam.
Họ có vũ khí và thực phẩm nhưng máu là máu của người Việt. Và Việt Nam lúc ấy chỉ là một quân cờ để Trung Cộng và Liên Xô lấy thế trên bàn cờ quốc tế.
Hãy nhớ là mỗi một món hàng của con sói là một thứ quả đắng và cái giá phải trả là vô cùng to lớn. Hãy nhìn xem cách chúng lấy Hoàng Sa của chúng ta như thế nào? Rất nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến nỗi mà lãnh đạo Bắc Việt lúc ấy còn vui vẻ an ủi nhau là các tồng chí ấy sẽ trả lại cơ mà.
Hãy nhớ cho thật kĩ, chúng ta là những con cừu đang chơi với sói và nếu còn mơ màng về điều này thì sự mất mát sẽ không dừng lại như hiện tại mà sẽ còn đau đớn nhiều hơn nữa và để gỡ gạc lại được sự mất mát thì dân tộc này sẽ oằn mình thiệt thòi vô cùng nhiều.
Và hãy nhớ rằng sự đau đớn ấy không phải là tôi, là các bạn, là các lãnh đạo và các đại biểu quốc hội phải chịu mà là con, là cháu, là chắt của chúng ta phải chịu.
Tôi cảm thấy bất lực làm sao. Ngay tại thời điểm này, hàng triệu người đang nhận rõ nguy cơ ấy nhưng những tiếng nói của lương tri quá yếu ớt và những gì chúng ta lo sợ vẫn cứ xảy ra. Tức là lương tri đang nép vế trước quyền lực, đang run rẩy sợ sệt trước sức mạnh của các nhóm lợi ích.
Rồi đây, mấy chục năm nữa, một trăm năm nữa khi địa vị của người Việt đã trở nên quá thấp so với người Trung Quốc thì con cháu chúng ta có thể sẽ làm gì để đứng lên và toả sáng như điều tiền nhân của chúng ta mong muốn?
Đừng ngồi đấy mà hót những tiếng giả dối là rồi con cháu chúng ta sẽ lấy lại được. Chúng ta đang sống sờ sờ ở đây, đang hít thở bầu không khí này nhưng chúng ta lại trực tiếp và gián tiếp trở thành tội đồ đẩy dân tộc này vào ngõ cụt thì con cháu nào có thể làm thay được chúng ta?
Điều ấy chỉ trở thành hiện thực nếu đất Việt lại sinh ra Thánh Gióng, nhưng tiếc thay đấy chỉ là một truyền thuyết thể hiện khát vọng dân tộc mà thôi. Có lẽ nào dân tộc này chỉ biết thể hiện khát vọng bằng truyền thuyết tự vẽ vời mà không thể vươn lên mạnh mẽ bằng hiện thực?
Tôi tự hào về tiền nhân, những anh hùng của đất Việt bao nhiêu thì tôi lại thất vọng về con người Việt của hiện tại bấy nhiêu. Nếu cứ mơ màng thì một ngày nào đấy đừng ngạc nhiên khi thấy mình là công dân hạng hai ở chính đất nước của mình.
——————
Bài của nhà giáo Chu Mộng Long:

Tôi góp ý về Luật Đặc khu

Được tin Thủ tướng “cầu thị” về Luật Đặc khu, tôi xin ý kiến. Có thể ý kiến của tôi được đồng tình hay không đồng tình, nhưng quan trọng là được nói lên suy nghĩ của mình.
1. Đặc khu không là kế sách duy nhất cho sự phát triển kinh tế, trừ phi nợ nần chồng chất buộc phải thực hiện cái hạ sách kiệt cùng là nhượng địa như một số quốc gia yếu kém và tham nhũng đã làm. Nếu không vì trả nợ thì phát triển kinh tế bằng mô hình đặc khu là phát triển bằng mọi giá đánh đổi cả chủ quyền, môi trường tự nhiên lẫn văn hóa xã hội. Sự thật là chưa hình thành đặc khu mà doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã điêu đứng vì sự lũng đoạn và đầu độc của doanh nghiệp và con buôn Trung Quốc, huống hồ là sự ra đời đặc khu với những ưu đãi tạo nguy cơ bành trướng không thể kiểm soát của nền kinh tế hoang dã mang nhãn hiệu China.
2. Lập đặc khu là chia cắt đất nước thành từng mảnh với thể chế, pháp luật, văn hóa, đạo đức khác biệt. Điều đó dẫn đến nguy cơ mất chủ quyền từ từng phần đến toàn thể; sự tương tác không lành mạnh giữa đặc khu và ngoài đặc khu sinh ra cái quái thai về chính trị, pháp luật, hủy hoại văn hóa, đạo đức dân tộc. Đó là chưa nói nguy cơ xung đột ý thức hệ, xung đột sắc tộc, bạo loạn và lật đổ mà các cuộc biểu tình có tính bạo động vừa qua mới chỉ là khởi đầu.
3. Việc lập đặc khu không liên quan đến tình hữu nghị Việt – Trung, trừ phi tình hữu nghị ấy nằm trong âm mưu được cài đặt từ trước với một mật ước đen tối nào đó của một nhóm quyền lực đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích dân tộc. Có nghĩa là nếu không có Luật Đặc khu, tình hữu nghị Việt – Trung vẫn không có gì thay đổi, dân tộc hai nước vẫn có thể chung sống hòa bình hơn là có một luật đặc khu gây tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước.
4. Việc người Trung Quốc được mua nhà mua đất và định cư ở Việt Nam cũng như người Việt Nam được mua nhà mua đất và định cư ở nước ngoài. Đó là xu thế tất yếu của toàn cầu hóa khi mỗi công dân có quyền trở thành công dân toàn cầu. Tất nhiên, xu hướng toàn cầu hóa phải luôn tính đến điều kiện các dân tộc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Có nghĩa là cái quyền ấy không cần phải là đặc khu với ưu đãi đặc biệt cho người Trung Quốc hay dân tộc khác. Bất cứ sự ưu đãi đặc biệt nào cũng không nằm trong mục tiêu toàn cầu hóa mà là nô dịch hóa, bởi sự ưu đãi đó đã bắc thang cho sự xâm lược, biến dân tộc mình thành kẻ nô lệ cho dân tộc khác ngay trên đất nước mình.
5. Cuối cùng, theo tôi, không cần Luật Đặc khu nào cả. Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Mọi công dân nước ngoài đến ở Việt Nam cũng chỉ có thể sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Điều cần làm cấp bách hiện nay là kiến tạo lại một Hiến pháp và hệ thống pháp luật của dân, do dân và vì dân thật sự chứ không phải là một thứ pháp luật ưu đãi riêng cho nhóm lợi ích và ngoại bang.
Hết ý kiến. Cám ơn Thủ tướng đã cởi mở, cho phép công dân được nói lên suy nghĩ của mình mà không bị chụp mũ phản động hay thù địch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét